28/11/2006 06:55 GMT+7

"Vơ vét" để có đủ thẩm phán!

TRƯỜNG UY
TRƯỜNG UY

TT - Phần giải trình của chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện đã làm “bùng nổ” diễn đàn Quốc hội (QH) sáng qua 27-11. Các đại biểu QH đặt vấn đề: chất lượng thẩm phán như vậy thì làm sao tránh khỏi án oan sai?

Thủ tướng sẵn sàng đối thoại trực tiếp với dânHôm nay, QH phê chuẩn việc VN gia nhập WTOSẽ có chất vấn tại các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

J5yTbCc6.jpgPhóng to
Chánh án Nguyễn Văn Hiện - Ảnh: VIỆT DŨNG
TT - Phần giải trình của chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện đã làm “bùng nổ” diễn đàn Quốc hội (QH) sáng qua 27-11. Các đại biểu QH đặt vấn đề: chất lượng thẩm phán như vậy thì làm sao tránh khỏi án oan sai?

Không “vơ vét” thì “chiếu cố”!

Đăng đàn giải trình trước QH, chánh án Nguyễn Văn Hiện cho biết năm 2005, toàn ngành tòa án thiếu đến 1.116 thẩm phán, do đó ngành đã “vơ vét”, tận dụng lực lượng đã có và bổ nhiệm thêm các thẩm phán chưa đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, dù đã “vơ vét”, song do số lượng vụ án thụ lý tăng nên đến nay vẫn còn thiếu 900 thẩm phán! Rất nhiều đại biểu (ĐB) QH đã tỏ thái độ bức xúc. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chỉ trích việc “vơ vét” những người không đủ tiêu chuẩn vào đội ngũ thẩm phán như vậy sẽ dẫn đến xét xử lọt tội phạm và oan sai.

ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) khẳng định thà thiếu còn hơn “vơ vét” thẩm phán. Còn ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) yêu cầu ông chánh án không nên dùng từ “vơ vét”, ông nhấn mạnh: “Ông chánh án phải cẩn trọng khi dùng từ như vậy”…

Bối rối trước sự phản ứng của các ĐB, chánh án Nguyễn Văn Hiện đã phải hai lần xin “đính chính” không phải là “vơ vét”, mà đúng ra là “chiếu cố một số trường hợp trình độ chuyên môn còn yếu một chút ở một số nơi để bổ nhiệm thẩm phán rồi động viên, mong anh em hoàn thành nhiệm vụ”.

Song sự “chiếu cố” đó lại tiếp tục làm các ĐBQH không hài lòng, đặt vấn đề về hậu quả của sự “chiếu cố”: tình hình hủy án, sửa án và oan sai diễn ra ở nhiều nơi. ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) hỏi trong số hơn 9.000 vụ hủy án, sửa án trong năm 2005, có bao nhiêu vụ do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán?

ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) đoan chắc số vụ án hủy, sửa không dừng lại ở con số 9.000, vì có rất nhiều người do không đủ tiền hầu tòa nên đã bỏ cuộc. Bà Xinh nhấn mạnh từ trước đến nay chưa thấy tòa án tự kỷ luật thẩm phán nào, chỉ khi nào báo chí phát hiện rồi mới xử lý.

ĐB Lê Văn Cuông đặt vấn đề dư luận râm ran về nhiều trường hợp mức án đã được quyết định trước khi mở phiên tòa, điều đó đúng không? Ông Hiện lên tiếng: “Chưa bao giờ có công văn hay chỉ thị nào quyết định án trước khi xử, nếu tìm được văn bản tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Ông Cuông không hài lòng, dẫn ngay vụ án tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Trả lời ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) và ĐB Lê Văn Cuông về việc có những vụ án đã qua hết các cấp xét xử mà người dân vẫn kêu oan, không được Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, ông Hiện nói “cứ chiếu theo luật pháp, hết hạn thì cứ thế mà làm”. ĐB Cuông không đồng ý, ông nói tiếng kêu oan của người dân chánh án phải trăn trở, không thể nói “pháp luật qui định đến đâu, tôi làm như thế”.

Ông chánh án ở đâu?

Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh, có nhiều thẩm phán “cố tình đạp lên pháp luật mà đi”, và lấy dẫn chứng vụ nhà 83 Đội Cấn (Hà Nội) đã được các ĐBQH đặt vấn đề qua năm kỳ họp QH rồi mà vẫn chưa giải quyết được. Bà Xinh hỏi: do năng lực thẩm phán kém hay do “chạy án”?

Ông Hiện không trả lời mà đặt câu hỏi không hiểu vì sao bà Xinh là ĐB ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà có nhiều công văn giấy tờ và giám sát một vụ việc tại Hà Nội để chất vấn chánh án như vậy! Đến đây Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phải nhắc ông Hiện là phải “hết sức cầu thị”, “phải lắng nghe”, ĐBQH không chỉ là ĐB của địa phương mà còn là cả nước.

Được hỏi ngành tòa án đã chuẩn bị gì để hội nhập một khi VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, ông Hiện cho biết đã đề nghị và xin được kinh phí 6 tỉ đồng. ĐB Nguyễn Ngọc Trân thiết tha: “Trời ơi, vấn đề không phải là tiền đồng chí Hiện à, vấn đề là con người, là hiểu biết”.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang) phàn nàn dù chánh án Nguyễn Văn Hiện đã gần kết thúc nhiệm kỳ năm năm rồi mà vẫn chưa một lần đến Kiên Giang làm việc với các tòa địa phương, khiến dư luận tại tòa án địa phương hay nói rằng “ổng ngồi ở trên hoài”. Ông Hiện thừa nhận chưa đến Kiên Giang, chỉ có cấp phó của ông đi, tới đây ông mới đi!

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) hỏi có nhiều người dân qua hết các cấp xét xử rồi mà vẫn còn cảm thấy bị oan, có gặp được ông chánh án không? Chánh án Hiện nói rằng sẵn sàng, song hiện nay 1/3 thời gian làm việc của ông là dành cho QH, Trung ương, thời gian rất bận, “không thể ai cũng gặp được!”.

Sau khi chín ĐB đã chất vấn nhưng không một ai hài lòng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã “gút” lại phần chất vấn. Phiên chất vấn tưởng đã kết thúc song ĐB Nguyễn Văn Khá (Nam Định) chưa chịu, xin có ý kiến. Ông cho biết các ĐB “hết sức bức xúc” với nội dung cũng như thái độ trả lời của ông Hiện, và rằng vì việc xét xử liên quan đến sinh mạng từng người dân nên ông đề nghị QH “ra nghị quyết về phần chất vấn chánh án Tòa án Nhân dân tối cao”.

Nhiều ĐBQH vỗ tay thể hiện sự đồng tình với tiền lệ chưa từng có trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại QH như vậy.

Đề nghị ra nghị quyết về trả lời chất vấn ông chánh án

Theo Luật về hoạt động giám sát của QH, nếu ĐBQH không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị QH tiếp tục thảo luận tại phiên họp, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác của QH hoặc kiến nghị QH xem xét trách nhiệm đối với người được chất vấn. QH ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết.

Bên hành lang QH, Tuổi Trẻ lược ghi một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

NCzNSlvl.jpgPhóng to

ĐB Nguyễn Văn Khá (Nam Định):

Tôi biết rằng đây là việc chưa có tiền lệ

Tôi đã căn cứ vào Luật giám sát để đưa ra kiến nghị ấy, dù biết rằng đây là việc chưa có tiền lệ. Nghe chánh án trả lời thì thấy ông đã không khiêm tốn, không tự nhận trách nhiệm về những vấn đề còn tồn tại trong ngành. Lời lẽ của ông, xin nói thẳng, có chỗ như ngoài đường phố chứ không phải của một chính khách trả lời trước QH, trước cử tri cả nước.

ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình):Tôi đồng tình với đề nghị của đại biểu Khá

Tôi thấy phần trả lời chất vấn của ông Hiện là thiếu khiêm tốn, không cầu thị khiến nhiều ĐB không hài lòng. Vì vậy tôi hoàn toàn đồng tình với đề nghị của ĐB Khá. Đó là việc đã được luật định và nó cũng nhằm làm cho người trả lời chất vấn rút kinh nghiệm, làm tốt hơn trọng trách của mình.

ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long):Có gì đó hơi xem thường ĐBQH

Chánh án Nguyễn Văn Hiện đã không tập trung vào câu chất vấn của ĐBQH để trả lời mà chỉ trình bày theo suy nghĩ của cá nhân đồng chí chánh án. Theo cảm nhận của nhiều ĐBQH, trong đó có tôi, chánh án Hiện đã trả lời không đúng trọng tâm và có gì đó hơi xem thường ĐBQH. Nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự bất đồng với ý kiến trả lời của chánh án, cho rằng qua phần trả lời ấy dường như đồng chí chưa đủ năng lực làm chánh án.

ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang):Khó chấp nhận

Đối với ngành tòa án, một từ cũng phải thể hiện chuẩn mực, bởi một từ nói ra ảnh hưởng tới xét xử rất nhiều. Chánh án nói có thẩm phán cũng đi “vơ vét”, nói như thế làm sao chấp nhận được. Hay đồng chí nói luật của nước ngoài có bề dày hàng trăm năm, VN mình chỉ có mấy chục năm... Vậy xin hỏi Bộ luật Hồng Đức ở đâu, rồi luật của triều Nguyễn như thế nào? Tôi thấy đồng chí chánh án nói như thế là khó chấp nhận. Tôi không rõ lắm nội dung nghị quyết mà ĐB Nguyễn Văn Khá đề nghị nhưng tôi đồng ý nên có một kết luận của QH về việc chánh án trả lời không nghiêm túc.

TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên