28/09/2017 12:12 GMT+7

Chỉ tiêm phòng mới ngăn ngừa được bệnh dại

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Để loại trừ bệnh dại trên người, cần phải quản lý được tổng đàn chó thực tế, tăng tỉ lệ tiêm phòng và bảo đảm có vaccine kịp thời cho những người bị chó cắn.

Chỉ tiêm phòng mới ngăn ngừa được bệnh dại - Ảnh 1.

Ngày 27-9, nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác Mạng lưới Một Sức Khỏe đã tổ chức ký cam kết nỗ lực và phấn đấu vì mục tiêu không còn bệnh dại từ năm 2030.

Theo cam kết, 2 ngành y tế, thú y và các tổ chức kêu gọi khối chính quyền, các chuyên gia y tế và thú y, người nuôi chó và người dân cùng hợp tác loại trừ bệnh dại.

"Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030" cũng chính là mục tiêu toàn cầu mà các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, khối tư nhân và đại diện của hơn 70 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đã thống nhất tại Hội nghị Toàn cầu về Bệnh dại năm 2015.

Để không còn người chết vì bệnh dại, Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại tập trung nhấn mạnh thông điệp "Tiêm phòng cho chó là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn bệnh dại lây sang người".

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đồng nhận định, để có thể loại trừ bệnh dại vào năm 2030, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là quản lý được tổng đàn chó thực tế, tăng tỉ lệ tiêm phòng và bảo đảm có vaccine kịp thời cho những người bị chó cắn. Tổ chức FAO và WHO cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho hai Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế.

Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, mỗi năm ghi nhận 240-300 ca tử vong do bệnh truyền nhiễm thì có đến 1/3 là tử vong do bệnh dại. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 57 người chết vì bệnh dại tại 29 tỉnh và thành phố. Số ca tử vong này tương đương số cùng kỳ năm ngoái ghi nhận tại 22 tỉnh, thành phố.

Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Khi người bệnh lên cơn dại thì 100% dẫn tới tử vong. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người bệnh cần được tiêm vaccine phòng bệnh càng sớm càng tốt, việc tiêm phòng có thể cứu sống tính mạng và tránh khỏi đau đớn.

Trên thế giới, hàng năm, bệnh dại cũng gây ra 59.000 ca tử vong. Tuy nhiên, những ca tử vong này đã có thể phòng tránh nếu thực hiện 3 biện pháp chính bao gồm: Tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn.

Để phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó mèo, ra đường phải đeo rọ mõm.

Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn. 

Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Bệnh dại chỉ có thể phòng, không thể cứu được, một khi đã lên cơn dại thì 100% tử vong.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên