05/07/2011 02:22 GMT+7

Cứu Hà Tiên thập cảnh

H.T.DŨNG - T.THÁI thực hiện
H.T.DŨNG - T.THÁI thực hiện

TT - Xung quanh câu chuyện nhiều thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh “biến mất” (Mất dần Hà Tiên thập cảnh, Tuổi Trẻ 4-7), chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoàng - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang. Ông Hoàng nói:

4Wg4qzZ3.jpgPhóng to
Thạch Động (Thạch Động thôn vân) - cảnh đẹp thứ năm của Hà Tiên thập cảnh - Ảnh: Tấn Thái

- Hà Tiên thập cảnh nổi tiếng rất đẹp, nó không chỉ gắn liền với thời họ Mạc mà còn gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cũng như chiến tranh biên giới Tây Nam của đất nước ta. Tuy nhiên hiện nay có những cảnh chỉ còn cái tên trong văn học, nhiều người không còn nhận ra được nữa. Trải qua hàng trăm năm, nay Hà Tiên thập cảnh đã mất đi năm cảnh đẹp rồi.

* Vậy Sở VH-TT&DL có kế hoạch gì để khôi phục năm cảnh xưa không?

nmvLMDIZ.jpgPhóng to
Ông Lê Minh Hoàng - Ảnh: H.T.Dũng

- Đối với những cảnh đã mất, hiện chúng tôi đang nhờ các nhà văn hóa tư vấn tìm cách phục dựng. Tuy nhiên, không thể khôi phục hoàn toàn những cảnh đã mất bởi nó không chỉ rất tốn kém kinh phí mà còn bị cho là làm giả.

Chẳng hạn như Giang Thành dạ cổ - Lũy thành dài mấy chục cây số thì chỉ có thể mô phỏng lại bằng mô hình để người dân có thể hình dung Lũy Giang Thành ngày xưa như thế nào. Riêng đầm Đông Hồ hiện nay một phần bị bồi lắng, một phần do con người tác động xâm hại, chúng tôi đang nhờ các chuyên gia tư vấn từ Tổ chức UNESCO giúp tỉnh tìm cách quy hoạch giữ lại.

Hà Tiên trong tương lai sẽ trở thành thành phố văn hóa - du lịch. Nếu thành phố văn hóa - du lịch mà mất đi Hà Tiên thập cảnh thì không còn ý nghĩa nữa. Hiện Hà Tiên thập cảnh không còn trọn vẹn, bản thân tôi làm công tác quản lý về văn hóa du lịch cũng rất buồn và tiếc. Chúng tôi sẽ quyết tâm khôi phục 10 cảnh đẹp của Hà Tiên thập cảnh.

* Ngành văn hóa làm gì để những cảnh còn lại trong Hà Tiên thập cảnh không tiếp tục biến mất?

- Năm cảnh còn lại gồm Bình San điệp thúy, Tiêu Tự thần chung, Thạch Động thôn vân, Châu Nham lạc lộ và Lộc Trĩ thôn cư đều là di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Việc quản lý vì vậy dựa vào luật. Năm cảnh này vẫn còn giữ được cái hồn của cảnh xưa và đang thu hút rất đông du khách đến tham quan. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng một số khu vực nhằm phục vụ phát triển du lịch.

* Liệu việc phát triển du lịch có xâm hại và làm mất đi vẻ đẹp vốn có của Hà Tiên thập cảnh?

- Trước đây, khi quy hoạch phục vụ phát triển du lịch ở Mũi Nai (Lộc Trĩ thôn cư), với tầm nhìn hạn chế nên cảnh quan của Mũi Nai đã bị phá vỡ. Hiện có nhiều công trình xây dựng sát bãi tắm ở Mũi Nai không còn phù hợp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành quy hoạch lại và có thể một số công trình gần bãi tắm sẽ được di dời. Ngoài ra, tỉnh đang tiến hành đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải trong khu du lịch này để môi trường nước và bãi tắm Mũi Nai luôn sạch. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện dự án đầu tư khôi phục di tích núi Bình San và khu mộ họ Mạc.

10 cảnh đẹp Hà Tiên nếu được khôi phục sẽ tạo nên một “sản phẩm du lịch” rất đặc trưng, không nơi nào có. Các nhà đầu tư về du lịch từng nói: nếu mất Hà Tiên thập cảnh thì Hà Tiên không còn là Hà Tiên. Tôi cho rằng việc phát triển du lịch sẽ làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa của Hà Tiên thập cảnh. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía, không chỉ vai trò quản lý của Nhà nước mà còn là ý thức gìn giữ của người dân địa phương và cả du khách.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 4-7, ông Mai Văn Huỳnh - bí thư kiêm chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên - cho biết: “Phần lớn những cảnh đã bị mất trong thời gian qua là do bị tác động bởi thiên nhiên, tạo hóa nên địa phương không thể làm gì hơn được. Chúng tôi sẽ kết hợp với ngành văn hóa - thể thao và du lịch tiến hành mô phỏng lại những cảnh đã mất để người dân khi đến Hà Tiên hình dung những cảnh xưa như thế nào. Riêng đối với các cảnh còn lại, chúng tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt quy hoạch bảo vệ, dứt khoát không để tiếp tục bị xâm hại, mất đi”.

Ông Lê Minh Hoàng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Khi khôi phục, chúng tôi cần nghiên cứu lại lịch sử, sưu tầm sách báo, tìm lại những người xưa am hiểu về Hà Tiên thập cảnh. Làm sao cho đúng với lịch sử là cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa rất lớn, nên cần có nhiều nguồn lực và nhiều thời gian. Tôi khẳng định dù có khó khăn nhưng chủ trương của tỉnh trong năm nay sẽ bắt đầu tiến hành khôi phục theo dạng mô hình, để ít ra người dân, du khách khi đến Hà Tiên biết cụ thể cảnh này ở đâu và nó như thế nào”.

H.T.DŨNG - T.THÁI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên