14/03/2011 07:47 GMT+7

Trung Quốc: Khi người dân tự cứu lấy bữa ăn

CẢNH CHÁNH (Theo nbweekly, Nhân Dân Nhật Báo)
CẢNH CHÁNH (Theo nbweekly, Nhân Dân Nhật Báo)

TTCT - Người Trung Quốc có câu “Dân lấy ăn làm gốc, ăn lấy an toàn làm đầu”, thế nhưng khi cuộc sống ngày càng được cải thiện, bữa ăn có đủ món ngon vật lạ thì người dân nước này lại... không dám ăn!

8NtVw6xr.jpgPhóng to
Trồng rau sạch trên sân thượng - SOHU

Người Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng như vậy sau hàng loạt vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong mấy năm gần đây: sữa có melamine, tương ớt chứa chất sudan, gạo nhiễm cadmium, gia vị nấu lẩu chứa hương liệu, chà bông làm từ thịt heo thối, rau quả chứa hóa chất... Trong khi chờ đợi chính quyền Trung Quốc có biện pháp thích đáng, người dân nước này đã tự cứu lấy bữa ăn của mình bằng nhiều cách.

Mua nhà được khuyến mãi... đất trồng trọt

Giáo sư Hà Tân thuộc Đại học Pháp chế Trung Quốc kể một cán bộ cơ quan cấp tỉnh ở miền tây nước này mời ông dùng cơm đã trấn an ông rằng toàn bộ thực phẩm đều do nông trại mấy chục mẫu của cơ quan cung cấp, hoàn toàn không sử dụng phân bón hay hóa chất nên cứ yên tâm mà ăn.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo cho biết hiện có khá nhiều doanh nghiệp lớn, công ty chứng khoán, tổ chức tiền tệ ở nước này tự thuê đất để trồng trọt, chăn nuôi cung cấp thức ăn sạch cho nhân viên. Nhân viên trước khi tan ca đều vào mạng nội bộ xem nông trường của nhà máy có bán rau quả gì. Thậm chí cả cơ quan nhà nước cũng nhập cuộc như Tòa án nhân dân tối cao Thiểm Tây thuê một khu đất hơn 30 mẫu ở ngoại ô Tây An trồng rau gần hai năm nay, hiện số lượng rau cung không đủ cầu.

Còn ở Bắc Kinh, Thượng Hải nhiều nhân viên văn phòng, nhiều bà nội trợ tự tổ chức nhóm mua rau. Họ nhờ nông dân ngoại thành trồng trọt, và theo họ có hơn 100 nhóm mua sắm kiểu này trên toàn quốc. Một số người dân cũng tranh thủ trồng rau sạch trên sân thượng hay lan can trước nhà. Còn cô Thịnh quê Quảng Châu mỗi tháng ít nhất hai lần đón tàu đến Hong Kong để mua đủ thứ từ gia vị, dầu ăn, mì gói đến sôcôla. Cô đã đi lại mua sắm đồ ăn, đồ dùng, thuốc men như thế này từ năm 2007 đến nay.

Trước cơn sốt trồng rau của người dân, các công ty khai thác bất động sản cũng không bỏ lỡ cơ hội khi xem các vườn rau, vườn cây ăn trái như món quà khuyến mãi. Khách hàng mua nhà sẽ được khuyến mãi mấy mẫu đất để trồng trọt hay xem như nơi thư giãn cuối tuần.

Kinh tế tiểu nông?

Lý giải cho hành động “tự cứu” của người dân, tờ Tuần San Nam Đô cho rằng trong thời đại công nghệ thông tin, bất cứ thông tin nào về vệ sinh an toàn thực phẩm dù thật hay giả đều có thể truyền đi khắp Trung Quốc chỉ trong tích tắc. Có những vấn đề có thể giải quyết từ từ, nhưng bữa ăn hằng ngày thì không thể. Tuy nhiên, tờ báo nói vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề xã hội, không thể chỉ dựa vào sức mạnh của một cá nhân nào, phải do xã hội giải quyết. Khi lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm thì tự cung cấp bằng cách trồng trọt chăn nuôi, nhưng khi bất mãn với chất lượng giáo dục, y tế thì sao?

Tờ Nhân Dân Nhật Báo không phủ nhận: hành động “tự cứu” của các đơn vị, doanh nghiệp hay người dân đã nâng cao giá trị thương mại của đất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đó là việc làm cần thiết trước mắt để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn, nhưng xét về mặt xã hội thì không phát huy hiệu quả, dường như đang quay về với thời kỳ kinh tế tiểu nông.

Trang web Trường Giang (cjn.cn) kết luận đây là một bước lùi của xã hội, nhà giàu tự trồng rau để ăn, còn dân đen chỉ biết phó mặc cho trời. Đó là sự phân hóa xã hội, phân hóa giai tầng, nếu hiện tượng trên ngày càng mở rộng, quần chúng và chính quyền, nhà giàu và nhà nghèo sẽ hình thành sự ngăn cách, mâu thuẫn đối lập mới sẽ hình thành.

CẢNH CHÁNH (Theo nbweekly, Nhân Dân Nhật Báo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên