10/03/2008 08:01 GMT+7

"Dư chấn" Kosovo

NG.THANH
NG.THANH

TT - Việc Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica tuyên bố từ chức và kêu gọi giải tán chính phủ, tổng tuyển cử trước thời hạn có thể xem là một trong các hậu quả nữa của việc Kosovo tuyên bố độc lập.

ynMd7xI0.jpgPhóng to

Những người Serbia biểu tình ở Bratislava với cờ Serbia và khẩu hiệu: "Kosovo là của Serbia"

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bởi như ông Kostunica nêu rõ tại cuộc họp báo ngày 8-3 ở Belgrad, chính phủ của ông không thể làm việc do không thống nhất được rằng tỉnh Kosovo phải là một phần của Serbia.

Những ngày qua, mâu thuẫn giữa chính phủ liên minh Serbia với đa số là Đảng Dân chủ (DS) của Tổng thống Boris Tadic và Đảng Dân chủ Serbia (DSS) của ông Kostunica, liên quan đến việc nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trở nên gay gắt . Trong khi Tổng thống Tadic thân phương Tây vẫn chủ trương đẩy nhanh tiến trình Serbia gia nhập EU và tuyên bố sẵn sàng ký Hiệp định ổn định và hội nhập (SAA) với EU nếu được liên minh này đề nghị, thì Thủ tướng Kostunica chủ trương Serbia chỉ có thể ký SAA và gia nhập EU với sự toàn vẹn lãnh thổ, điều này đồng nghĩa với việc Kosovo vẫn thuộc lãnh thổ Serbia.

Ông cũng khẳng định Belgrad chỉ chấp nhận nối lại các cuộc đàm phán với EU chừng nào EU đồng ý tái xác nhận chủ quyền của Serbia đối với Kosovo. Sự cứng rắn của ông Kostunica khiến các bộ trưởng thân EU của DS phong tỏa các quyết định của chính phủ, đẩy ông tới chỗ "xóa bài làm lại".

Một hậu quả nữa có thể thấy được cuối tuần qua từ quyết định đơn phương tuyên bố độc lập của Kosovo là việc Nga và Abkhazia (một cộng hòa tự trị nằm trong thành phần Gruzia) họp thảo luận để "thống nhất hành động". Theo Itar-Tass, kết quả cuộc họp không được công khai, nhưng Thứ trưởng ngoại giao Abkhazia A. Shambai (người đại diện Abkhazia tham gia cuộc họp trên) từng cho biết vào ngày 12-2 (năm ngày trước khi Kosovo tuyên bố độc lập) rằng nếu Kosovo tuyên bố độc lập thì Abkhazia cũng sẽ đòi độc lập, bởi "Kosovo là một tiền lệ và tiền đề trực tiếp, tạo ra một thực tiễn mới cho các cộng hòa tự trị”.

Việc Nga tuyên bố bãi bỏ cấm vận thương mại, tài chính, giao thông Abkhazia vào ngày 6-3, làm Gruzia và Mỹ phản đối cuối tuần qua, cũng có thể tính là một trong các "hành động" này.

Và những sự cố mà truyền thông thế giới đã kịp gọi là "hội chứng Kosovo" vẫn đang tiếp tục diễn ra, ít nhất là trong không gian hậu Xô viết. Ngày 7-3, Itar-Tass thông báo Đuma Nga sẽ nhóm họp vào ngày 13-3 để thảo luận về yêu cầu của ba cộng hòa tự trị gồm Abkhazia, Nam Ossetia (cũng thuộc Gruzia) và Pridnestroviye (Moldova) đòi công nhận độc lập.

Chưa biết nội dung cuộc điều trần sẽ dẫn tới đâu, nhưng có thể đoán được một phần thái độ của người Nga qua phát biểu của chủ tịch Ủy ban đối ngoại Đuma Nga Leonid Slitski ngày 7-3: "Đuma Nga sẽ (quyết định) dựa trên công pháp quốc tế, vốn công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia", điều mà ông nói "Nga không nghi ngờ gì”, tuy nhiên, ông này lại "đế” thêm: "Quốc hội Abkhazia có thể tuyên bố độc lập một cách đơn phương"! Dễ hiểu hàm ý của người Nga là một khi Mỹ và EU đã chấp nhận "tiêu chuẩn kép" thì tại sao người khác lại không được phép!

Rõ ràng thế giới sẽ còn tiếp tục chứng kiến các hệ lụy từ "tiền lệ" Kosovo. Trước mắt, nếu Chính phủ Serbia hôm nay (10-3) đồng ý với quyết định của Thủ tướng Kostunica, Tổng thống Tadic sẽ ký chỉ thị cho phép tổng tuyển cử trước thời hạn, dự kiến vào 11-5-2008. Hãng tin Serbia Taniug dẫn lời nhà xã hội học Serbia S.Brankovic phân tích các kết quả thăm dò cho thấy tương quan lực lượng giữa hai thế lực Serbia: thân EU hay chủ trương dân tộc - khó có sự biến động lớn. Điều đó cũng có nghĩa sự chia rẽ ở Serbia về vấn đề Kosovo tiếp tục sâu sắc.

NG.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên