10/04/2009 09:41 GMT+7

Chuyện tình của chàng "họa sĩ" vẽ tranh chữa bệnh

Q.TÁM - VĂN LỆ
Q.TÁM - VĂN LỆ

TTO - Sau khi xuất ngũ, anh bạn trẻ Nguyễn Tấn Hiền thi đậu Trường CĐ Sư phạm Đắc Lắc để thực hiện ước mơ làm thầy giáo. Vậy mà chỉ sau 27 ngày ngồi trên ghế giảng đường thì Hiền bị tai nạn, từ đó cuộc sống gắn chặt với chiếc xe lăn. Nhưng nhờ vào tình yêu, Hiền có thể vẽ tranh và kiếm tiền chữa bệnh.

Wm8opd2F.jpgPhóng to
Nguyễn Tấn Hiền đang vẽ tranh
TTO - Sau khi xuất ngũ, anh bạn trẻ Nguyễn Tấn Hiền thi đậu Trường CĐ Sư phạm Đắc Lắc để thực hiện ước mơ làm thầy giáo. Vậy mà chỉ sau 27 ngày ngồi trên ghế giảng đường thì Hiền bị tai nạn, từ đó cuộc sống gắn chặt với chiếc xe lăn. Nhưng nhờ vào tình yêu, Hiền có thể vẽ tranh và kiếm tiền chữa bệnh.

Mối tình của Hiền (30 tuổi, quê ở TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) với cô y tá mới ra trường Trần Thị Lý (24 tuổi, quê xứ Huế) khiến bạn bè, người thân và cả các y bác sĩ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng chỉnh hình Đà Nẵng (nơi Hiền đang điều trị) cảm động.

Một cú ngã...

Hiền là con út trong một gia đình đông anh em, bố qua đời từ khi cậu còn nhỏ. Học hết cấp III, Hiền lên đường nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, năm 2002 Hiền thi đỗ ngành sư phạm toán Trường CĐ Sư phạm Đắc Lắc. Nhà cách trường hơn 15km, để kịp buổi học vào sáng sớm thì buổi tối hôm trước Hiền phải đạp xe lên trường ở lại. Nhưng…

Tối hôm đó, Hiền vừa đạp xe đi được một quãng đường cách nhà 2km thì gặp một chiếc xe tải đi ngược chiều. Bị choáng đèn, Hiền loạng choạng ngã xuống hố cống thoát nước ven đường không có nắp đậy và bất tỉnh. Người dân đưa Hiền tới bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết Hiền bị gãy cột sống cổ, dập tủy. Giấc mơ thầy giáo từ đó khép lại với chàng trai phố núi để nhường chỗ cho những tháng ngày ngồi trên xe lăn điều trị trong bệnh viện. “Mới chỉ 27 ngày mình được đi học chứ mấy, bạn bè, thầy cô mình chưa nhớ hết tên. Mình thèm được đi học quá”, Hiền buồn buồn.

Thương con út, người mẹ già hơn 70 tuổi cầm cố hết tài sản đưa Hiền đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ Tây nguyên, xuống TP.HCM, ra Đà Nẵng chữa trị dù bác sĩ đã bảo rằng Hiền chỉ có thể luyện tập để duy trì hoạt động các khớp chứ không thể phục hồi được nữa, nhưng mẹ vẫn không chịu.

Gia đình Lý đã có lần cấm đoán tình yêu mà cô trao cho Hiền, nhưng giờ đây người thân đã hiểu tình yêu của họ. Cứ chiều chiều người ta lại thấy người con gái đẩy xe lăn đưa Hiền đi dạo trên con đường Sơn Trà - Điện Ngọc. Và những tác phẩm của Hiền đều mang dáng dấp từ những cảnh vật trên con đường đó.

Tranh, tình yêu và cuộc sống

Đầu năm 2005, Hiền một mình xuống Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng để điều trị. Được người bạn là sinh viên năm 2 ngành kiến trúc bị u tủy nằm điều trị cạnh giường dạy cách cầm bút vẽ, cách tô màu, cách vẽ tĩnh vật… Hiền bắt đầu vẽ tranh từ đó. “Lúc đầu mình chỉ muốn vẽ để quên đi nỗi buồn và giết thời gian rảnh không biết làm gì. Nhưng sau đó nghĩ rằng tại sao mình không thể trở thành họa sĩ vẽ tranh bán lấy tiền chữa bệnh nên mình quyết định theo học”, Hiền bộc bạch.

Để cầm bút, pha màu… Hiền phải dùng dây thun buộc chặt vào ngón cái của bàn tay phải (tất cả các ngón khác đều không cử động được) mới làm được. Nhiều người bạn ở TP.HCM gửi tặng sách dạy vẽ, người ở Đà Lạt gửi tặng bút vẽ, có người viết thư động viên Hiền học vẽ. “Nhiều lần thất vọng muốn ném cả bộ đồ vẽ xuống đất để quên đi sự thất bại, nhưng nhờ bạn bè mình phải cố gắng”, Hiền tâm sự.

Cuối cùng thì tác phẩm đầu tay của "họa sĩ" Nguyễn Tấn Hiền bằng bút chì được một tình nguyện viên người Úc đang làm ở bệnh viện trả với giá 8 USD để in trên danh thiếp của bà. “Lần đầu cầm những đồng tiền đó mình đã bật khóc vì hạnh phúc, bởi tưởng rằng cuộc đời mình sau ngày tai nạn chỉ biết ngồi một chỗ”, Hiền xúc động.

Năm 2005, một nhóm SV Trường CĐ Kỹ thuật y tế 2 Đà Nẵng về thực tập tại bệnh viện nơi Hiền điều trị. Một cô gái nói giọng Huế tên Trần Thị Lý được phân công chăm sóc, giúp đỡ Hiền.

Từ những ngày đầu tiên ấy cô gái đã tỏ lòng mến thương chàng trai bệnh tật và trao tình yêu cho cậu từ đó. “Nhiều lần thấy anh vẽ tranh, tiếp xúc nhận được sự thân thiện từ anh nên mình rất mến. Tình yêu giữa mình và anh ấy như đã có duyên kiếp từ trước”, Lý thổ lộ. Ra trường, Lý về công tác tại Bệnh viện Bình Dân (Đà Nẵng), chiều chiều Lý chạy xe hơn 10km xuống chăm sóc Hiền.

Năm 2007, Hiền quyết định nộp hồ sơ thi vào Trường cao đẳng Nghệ thuật Đà Nẵng nhưng bị từ chối vì là người khuyết tật. Lý đã động viên, đưa Hiền đi khắp Đà Nẵng và cả Hội An để tìm thầy về dạy vẽ nâng cao tay nghề. “Có người ngại không muốn đến bệnh viện dạy, có người thì đồng ý nhưng cứ ậm ừ mãi”, Hiền kể.

Nhưng với nghị lực không đầu hàng số phận, giờ đây những bức tranh của Hiền đã được bán ra thị trường cho du khách đến thăm Đà Nẵng và Hội An. Đó là tác phẩm về phong cảnh, chân dung những vị lãnh tụ hay những chủ đề về cuộc sống mà Hiền ước mong. “Lúc trước, cứ cuối tuần mình cùng Lý lại theo xe buýt vào Hội An để mang tranh nhờ những phòng tranh ở đây bán giúp”, Hiền tâm sự.

Tháng 9-2008, Hiền nhờ bạn bè lập trang web artistonwheels.com để chào hàng những tác phẩm. Cứ mỗi buổi chiều Lý lại xuống bệnh viện để giúp Hiền lên mạng, truy cập vào trang web để cập nhật thông tin, giao dịch qua Internet.

Ngoài việc chữa bệnh, Hiền còn làm tình nguyện viên tư vấn tâm lý và chăm sóc các bệnh nhân mới vào bệnh viện điều trị. “Ước mong của mình là lập được một hiệu vẽ tranh dành cho những người khuyết tật để giúp đỡ họ quên đi nỗi đau bệnh tật, có niềm vui trong cuộc sống”, Hiền tâm sự.

Q.TÁM - VĂN LỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên