29/07/2011 06:11 GMT+7

Cầm viết vì học trò

PHI LONG
PHI LONG

TT - “Khi biết học trò mình được trao học bổng, niềm vui trong tôi dâng tràn” - cô Nguyễn Hồng Phượng, giáo viên Trường THCS Thị Trấn, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) - giải nhất với bài viết “Cô bé chăn trâu ở đảo Lòng Hồ” (Tuổi Trẻ ngày 19-7), bày tỏ.

oCJLQJwI.jpgPhóng to

Cô Nguyễn Hồng Phượng (thứ hai từ trái qua) cùng những học trò được nhận học bổng đợt 3 - Ảnh: Phi Long

Trong hàng trăm lá thư là bài viết gửi về Tuổi Trẻ để giới thiệu gương học sinh nghèo, vượt khó cho Học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó”, có tác giả là công chức, cán bộ Đoàn... nhưng phần nhiều là thầy cô viết về học trò của mình. Và cũng có những học trò - sau khi nhận học bổng - đã tìm viết và giới thiệu những học sinh đàn em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình như một sự tiếp nối.

Niềm vui được nhân đôi

Hôm nay trao 140 học bổng

Tối nay 29-7, lễ trao Học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó” diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Có 140 em được nhận học bổng đợt này, mỗi suất 4 triệu đồng. Dịp này, ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho 10 tác giả đã có bài viết giới thiệu gương học sinh vượt khó đoạt giải.

Sau ba đợt trao học bổng, đã có 380 học sinh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước được nhận học bổng với tổng kinh phí 2,4 tỉ đồng, do Công ty Tài chính PPF VN tài trợ.

Bao nhiêu năm trong nghề là từng ấy năm cô Phượng chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của học trò mình. Em bươn chải mưu sinh, em mồ côi cha mẹ, em nuôi em nhỏ khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cô nói: “Tôi vừa cảm thông, vừa khâm phục các em và cũng dành một ít trong khoản lương nhỏ nhoi của mình để giúp đỡ. Tôi nghĩ một mình khó có thể làm gì nhiều mà phải nhờ đến cộng đồng trợ giúp”.

Từ suy nghĩ đó, khi biết có Học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó”, cô Phượng đã đến tận nơi học trò sống, có lần phải dầm mưa đạp xe gần chục kilômét đường ruộng lầy lội vì muốn hiểu rõ hơn cuộc sống của các em để viết bài gửi báo.

Trong hai đợt tham gia viết bài giới thiệu, đã có gần chục học sinh của cô được nhận học bổng, riêng đợt 3 này cô đoạt giải nhất với năm học trò được nhận học bổng.

Ngày biết tin cô trò vui mừng quá đỗi, nôn nao đến ngày được nhận học bổng. “Tôi vui vì học trò mình được nhận học bổng, tiếp sức cho các em trên con đường vượt khó. Tôi vui vì qua học bổng, qua báo Tuổi Trẻ, không chỉ học trò của tôi mà nhiều em học sinh khác sẽ được nhiều mạnh thường quân biết đến và hỗ trợ các em...” - cô Phượng bộc bạch.

Trong đợt trao học bổng lần 1, Huỳnh Đăng Khoa, lớp 11A1 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), là một trong 120 học sinh được nhận học bổng. Đến đợt hai và ba, Đăng Khoa đã trở thành tác giả của những bài viết giới thiệu gương học sinh được nhận học bổng.

Khoa nói: “Học bổng đã mang đến cho em nhiều điều: có tiền trang trải học phí và có cơ hội để gặp những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhưng vẫn gắng học. Em muốn mang những điều đó đến với các học sinh khác để các em cũng được tiếp thêm sức”. Đã có hơn chục học sinh do Khoa giới thiệu nhận học bổng.

Tiếp sức để các em vươn lên

Là nhân viên văn thư lưu trữ của Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), chị Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết năm nào chị cũng làm bảng tổng hợp về những trường hợp học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Cũng xuất thân trong gia đình khó khăn nên chị thấu hiểu nỗi niềm và mong ước được đến trường của các học sinh nghèo. Mỗi hoàn cảnh chị ghi chú và phân loại từng trường hợp với yêu cầu cần giúp đỡ, hỗ trợ để khi có mạnh thường quân hay học bổng thì giới thiệu.

Chị Thủy nói: “Hôm tìm được thông tin có học bổng này tôi vui lắm, nghĩ ngay đến những học sinh nghèo đang rất cần được tiếp sức. Chưa lần nào viết báo nhưng tôi nghĩ mình chỉ cần viết thật, viết những gì mình thấy là được. Đến khi nhận được tin báo các em được nhận học bổng tôi chạy vội đến nhà các em báo tin. Tôi thấy như mình vừa làm được một việc thiện, một việc thật sự có ý nghĩa”.

Còn với thầy Lê Văn Lành - giáo viên Trường THCS Thị Trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa (Long An) - ngày nhận tin học trò được học bổng là ngày hạnh phúc khó tả. “Ngày báo Tuổi Trẻ gọi điện thông báo học trò được nhận học bổng, tui mừng cả một buổi. Đồng nghiệp hỏi trêu sao thầy dạy sinh mà đi viết văn, viết báo, tôi bảo mình cầm viết vì học trò”.

“Mỗi suất học bổng 4 triệu đồng không lớn đối với nhiều người nhưng đối với các em học sinh nghèo và gia đình đó là một gia tài thật sự, vì mỗi ngày thu nhập cũng chỉ 20.000-30.000 đồng. Nó sẽ tiếp sức để các em vững bước đến trường, tiếp tục học và vươn lên” - thầy Lành nói.

PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên