30/07/2010 07:49 GMT+7

Giáo dục đại học đi về đâu?

TRUNG NGUYỄN (Tổng hợp từ CI)
TRUNG NGUYỄN (Tổng hợp từ CI)

TT - Câu trả lời chung mang đầy tính báo động: “Giáo dục đang trở thành nạn nhân của kinh tế. Trong thời khủng hoảng, gần như khắp nơi trên thế giới, khoa học xã hội và nhân văn đang phải thúc thủ và lùi bước do tính sinh lãi kém!”.

b4bcUzVE.jpgPhóng to
Sinh viên Trung Quốc bước vào điểm thi đại học 2010 tại Cam Túc ngày 7-6 - Ảnh: Getty Images

Có hai cách khá chính xác để biết tương lai của một quốc gia: khảo sát dân số và hệ thống giáo dục. Cách thứ nhất cho phép dự báo sự chuyển biến dân số trong 30 năm tới. Các dữ liệu (số sinh, số tử của trẻ em...) có thể cung cấp những chỉ báo tốt về sức khỏe của một xã hội, nghĩa là về tương lai sắp tới của nó. Còn liên quan đến giáo dục, ai cũng biết một gia đình không lưu tâm đúng mức đến việc giáo dục con cái sẽ không chuẩn bị được cho chúng một tương lai dễ dàng. Đối với xã hội, điều gì sẽ xảy ra khi các xã hội này buông lỏng đầu tư cho giáo dục hay giao khoán giáo dục cho thị trường?

Khủng hoảng toàn cầu về giáo dục

Giáo dục đại học đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu rộng mang quy mô toàn cầu được mô tả là “lặng lẽ, nhưng nguy cơ gây tổn thất của nó còn lớn hơn cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu vào năm 2008”.

Nhà triết học Mỹ Martha Nussbaum đã nhiều lần cảnh báo về “những nguy cơ của một nền giáo dục chỉ nhắm đến tăng trưởng vì tăng trưởng”. Trong cuốn sách Vì mục tiêu phi lợi nhuận: vì sao dân chủ cần các khoa học xã hội (Not for profit: democracy needs the humanities) vừa xuất bản ở Mỹ, nữ giáo sư luật và đạo đức này của Trường đại học Luật Chicago đã báo động: “Do khao khát thành công kinh tế, nhiều nước và hệ thống giáo dục của các nước này đang tỏ ra cực kỳ khinh xuất khi không còn cung cấp cho họ những kỹ năng cần thiết cho sự tồn tại của các xã hội dân chủ”.

Bà nhấn mạnh: “Nếu khuynh hướng này cứ tiếp diễn thì rồi đây nhiều nước trên thế giới sẽ chỉ cho ra lò những thế hệ người máy hữu dụng, ngoan ngoãn và giỏi kỹ thuật hơn là những công dân hoàn chỉnh, có khả năng tự tư duy, biết đặt lại các vấn đề, hiểu được nỗi đau và hành động của người khác”.

Những biến động này là gì? Đó là sự thúc thủ và lùi bước của các ngành khoa học xã hội và nhân văn khi mà các nước thích tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn bằng cách cung cấp cho lớp trẻ những kỹ năng hữu dụng và phù hợp nhất với mục tiêu này. Bà Martha Nussbaum giải thích: “Do quan điểm cho rằng khoa học xã hội và nhân văn chỉ là những thứ phụ tùng vô ích vào lúc các nước đang phải gấp rút tháo bỏ những cái thừa thãi để giữ được sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nên các ngành học này đang nhanh chóng biến mất trong các chương trình giảng dạy của đại học, thậm chí trong cả suy nghĩ của các bậc cha mẹ”.

Trong khi đó, theo bà: “Ngày nay, hơn lúc nào hết chúng ta đang sống trong sự tương thuộc toàn cầu. Những vấn đề mà chúng ta phải giải quyết - dù là trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, tôn giáo hay chính trị - đều mang tầm toàn cầu. Bởi vậy, các trường trung học và đại học khắp thế giới có một nhiệm vụ to lớn và khẩn cấp là cung cấp cho lớp trẻ khả năng tự xem mình là một thành viên của một đất nước không đồng dạng và của một thế giới còn không đồng dạng hơn, cũng như có được một sự thấu hiểu nhất định về lịch sử cùng bản sắc của các dân tộc vốn tạo thành thế giới này”.

Đại học: “trung tâm tìm việc làm”?

Những biến động này không chỉ diễn ra ở các nước phương Tây mà còn ở các nước đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ... Báo New York Times, trong bài viết “Bị ám ảnh bởi tin học và quản trị kinh doanh”, cho rằng sự bùng nổ kinh tế ở Ấn Độ đã khiến sinh viên đang quay ngoắt lại với khoa học xã hội và nhân văn do tính sinh lãi kém của nó. Báo này ghi nhận: các ngành khoa học xã hội và văn chương từng được giảng dạy trong các đại học hiện ngày càng bị lơ là theo thời gian cùng với việc thiếu ngân sách đầu tư cùng đội ngũ giảng dạy.

Cùng lúc các trường quản trị kinh doanh và công nghệ lại nở rộ. Shreesh Chaudhary, giáo sư môn tiếng Anh và ngôn ngữ, trên diễn đàn báo The Hindu năm 2009 từng viết: “Hậu quả thật thảm hại, các trường đại học tầm cỡ quốc tế giờ chỉ còn là những bóng mờ của chính mình”. Khoa học xã hội đang biến mất nhanh trong chọn lựa của sinh viên.

Theo Ngân hàng Thế giới, mặc dù các ngành khoa học “tổng quát” bao gồm khoa học xã hội và nhân văn vẫn đang có nhiều nhu cầu nhất, nhưng số sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp các ngành kỹ thuật lại tăng lên với tốc độ nhanh gấp sáu lần trong thời gian 2000-2004. Điều này phản ánh một sự chuyển biến sâu rộng trong xã hội Ấn Độ: trước đây người ta coi trọng giá trị nội tại của nội dung giảng dạy, khả năng mở rộng các chân trời kiến thức cho sinh viên, giúp họ tiếp cận với những ý tưởng mới, kinh nghiệm mới. Còn nay, người ta lại bị ám ảnh bởi giá trị của một văn bằng trong thị trường lao động.

Còn tại Trung Quốc, báo chí nước này cũng từng nhiều lần lên tiếng báo động. Phát biểu trên báo Đô Thị Phương Nam của Quảng Đông, giáo sư Vương Đức Khả, hiện giảng dạy thương mại quốc tế tại Trường đại học Tôn Dật Tiên, phàn nàn: “Người ta đang thích công nghệ hơn khoa học xã hội và nhân văn đến mức ngay cả những đại học nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật và văn chương giờ cũng phải chạy vạy để lo mở các khoa công nghệ và y”. Báo Buổi Tối Dương Thành cũng cho biết chương trình giảng dạy ở đại học đã ngả theo xu hướng thực dụng chỉ cốt sao cho sinh viên có thể kiếm được một việc làm sau khi ra trường.

TRUNG NGUYỄN (Tổng hợp từ CI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên