13/06/2007 18:06 GMT+7

Sự cố làm hai phần đề thi: Nên xử lý theo quy chế

HUỲNH QUỐC HÙNG (Giáo viên Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM)
HUỲNH QUỐC HÙNG (Giáo viên Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM)

TTO - Việc thí sinh thi tốt nghiệp theo chương trình phân ban làm bài thi cả hai phần đề riêng, theo quy chế đã vi phạm phải hủy bài thi. Bạn đọc đã đưa nhiều ý kiến nên tha hay phạt. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.

z4t3FPZ3.jpgPhóng to
Thí sinh sau khi làm bài thi môn Toán sáng ngày 1-6 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 tại Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: Quốc Dũng
TTO - Việc thí sinh thi tốt nghiệp theo chương trình phân ban làm bài thi cả hai phần đề riêng, theo quy chế đã vi phạm phải hủy bài thi. Bạn đọc đã đưa nhiều ý kiến nên tha hay phạt. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.

Sự cố “tự chọn” đề thi: Không tha!Sự cố “tự chọn” đề thi: Tha hay phạt?

Cần phải phạt để làm gương

Theo quan điểm của tôi, một khi Bộ GD-ĐT đã thông báo rất rõ về việc thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ, trong đó có cho biết cấu trúc đề thi có phần tự chọn theo ban. Việc này đã đưa vào quy chế và đã được sinh hoạt rất kỹ, nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng thí sinh vẫn vi phạm.

Theo tôi, những thí sinh này là những người thích đùa, chứ không thể không biết, vì trình độ lớp 12 rồi. Rõ ràng, chính đa số các em này, cho rằng dư thời gian (do đề dễ), không biết làm gì nên muốn làm luôn cả hai phần, chứ đâu phải do run, do mất tập trung, do tâm lý thi cử,...

Bấy lâu nay, ta thường xem nhẹ kỷ luật, xem thường quy chế thi cử nên mới xảy ra những việc đáng trách hơn là đáng tiếc. Thật ra, sự việc thí sinh làm cả hai phần tự chọn, đã xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2006, ở môn Tiếng Anh rồi. Lúc đó cũng tranh cãi, nên tha hay nên phạt rồi.

Rút kinh nghiệm đó, năm nay Bộ rất cẩn thận đưa vào quy chế và cho sinh hoạt rất kỹ, báo chí cũng đăng nhiều về việc này. Những buổi tư vấn mùa thi cũng đã nhắc, rồi thầy cô cũng nhắc, đến lúc thi cũng nhắc, ấy vậy mà vẫn vi phạm, quả thật đáng trách. Do đó, cần phải phạt và làm đúng theo quy chế thì mới làm gương cho những thí sinh khác và cho những lần thi tiếp theo.

Tôi nghĩ để tâm phục khẩu phục cần phải phạt, thà đau hôm nay mà được tốt hơn ở ngày mai, mình sẽ có được lớp thí sinh biết ý thức chấp hành quy chế thi nói riêng và kỷ cương phép nước nói chung.

Xét cho cùng số thí sinh đáng trách này cũng không nhiều so với gần 1 triệu thí sinh cả nước, thế thì tại sao ta không mạnh dạn phạt mà còn có ý thăm dò nên tha hay nên phạt? Học sinh làm bài đúng yêu cầu sẽ suy nghĩ thế nào nếu chúng ta đi ngược lại quy chế?

Thí sinh không thể trách ai được!

Trong đề thi và cả tại trường học đã nhắc nhở các em rất rõ ràng, khi giáo viên tại lớp lưu ý, tôi thấy các em không quan tâm, không để ý nghe. Bây giờ chuyện đã xảy ra, để các thí sinh rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, do lỗi của mình chứ không phải do người khác, không thể trách ai, không thể yêu cầu tha thứ, bỏ qua được.

Báo chí viết, có em ngây ngô trả lời: "Tại đề dễ nên làm xong sớm, không biết làm gì nên làm luôn hai đề", đây chính là thói chủ quan, mà nói theo kiểu dân gian là "chảnh" của các em học khá giỏi, tự cao. Nếu các em làm dư giờ, muốn làm thêm thì làm vào giấy nháp, tại sao lại làm ngay vào giấy thi? Tôi hoàn toàn đồng ý phương án xử phạt các em.

Nên chia sẻ với các em

Theo tôi, việc sắp xếp đề thi cho các em học sinh THPT quá phức tạp, và dễ gây nhầm lẫm trong khi tâm lý kỳ thi thật căng thẳng. Thực ra các em học sinh chỉ là "nạn nhân" nhiều hơn là "thủ phạm".

Với đề thi tốt nghiệp THPT, nhiều em có năng lực sẽ hoàn thành bài thi xong sớm, vì thế đôi khi các em chỉ chủ định làm thêm để học hỏi thêm kinh nghiệm nhưng có lẽ vì tâm lý nên lại bôi đen vào câu trả lời theo thói quen. Tôi nghĩ, đây là một hành vi không cố ý (mặc dù các em đã được dặn dò trước khi đi thi).

Tập thói quen sống và làm việc theo luật

Nói chung tất cả những ai đã từng đi thi, đặc biệt là những kỳ thi quan trọng, đều có thể khẳng định rằng: chuyện không đọc kỹ đề dẫn đến chọn nhầm là không tưởng.

Tôi cũng từng là học sinh nên tôi quá hiểu điều này. Đề thi ra bằng tiếng Việt, tách bạch riêng từng phần tự chọn chứ không phải trộn lẫn lung tung mà bảo dễ nhầm được.

Tất cả những hành động "nhầm đề" thực chất chỉ là việc khôn lỏi, muốn gỡ gạc "được tí nào hay tí đấy" của thí sinh. Vì vậy cách xử lý hủy kết quả làm bài là chuẩn xác.

Tôi đồng tình với câu trả lời của TS Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), chúng ta phải tập thói quen sống và làm việc theo luật quy định.

Hơn nữa, việc một thí sinh học đến lớp 12 mà còn chưa phân biệt rõ được nội dung của đề thi thì cũng không xứng đáng được tốt nghiệp.

Xin các thầy cô giáo phổ thông đừng bênh vực hay thương học trò bằng cách xin cho họ như vậy nữa, nếu lần nào cũng sai rồi lại xin mãi như thế thì học sinh không bao giờ ý thức được.

NGUYEN TU(tu.nguyencong@...)

Nên chăng, Bộ cần có một điều tra cụ thể về hiệu quả của việc sắp sếp các câu hỏi của các khối phân ban và không phân ban vào cùng một đề thi. Theo tôi, việc sắp xếp như vậy chỉ làm rối học sinh vì dù không phải làm các câu hỏi đó thì nhiều học sinh "tò mò" vẫn cứ "nhòm ngó" đến nó. Và như vậy thật sự là lãng phí thời gian với các em bởi thi trắc nghiệm thời gian dành cho mỗi câu hỏi là tương đối ngắn.

Vấn đề này, chúng ta cần phải nghiên cứu thêm tâm lý của học sinh và tính hiệu quả của đề thi vì tôi nghĩ chúng ta mới áp dụng cách thi này nên có khi cũng chưa có đủ thời gian để nghiên cứu cụ thể hơn vấn đề này.

Tôi nghĩ Bộ cũng nên có trách nhiệm nhìn nhận, đánh giá lại cách tiến hành của mình. Bởi nếu một kỳ thi có quá nhiều học sinh vi phạm như thế này thì chỉ phản ánh tính hợp lý của cách bố trí đề thi là chưa tốt hoặc chưa tiến được gần với tâm lý thi cử của học sinh.

Nên thực hiện đúng quy chế thi

Tôi nghĩ việc các em phạm quy định thi cần xử lý nghiêm túc. Bởi quy định thi đã rõ ràng và chúng ta cần tôn trọng và chấp hành nghiêm túc theo quy chế. Đây có thể là cú sốc đối với các em, nhưng các em cần chấp nhận sự thật.

Năm nay là năm thứ hai cũng đủ để các em nhận thức được tầm quan trọng của việc sai phạm quy chế thi. Theo tôi, Bộ và các ban ngành có trách nhiệm cần xử lý và thực hiện nghiêm túc quy chế thi đã đề ra, coi đây là bài học cho những em ở những kỳ thi lần sau.

Tôi cũng có ý kiến là Bộ cần phân loại và có hướng dẫn cụ thể hơn về đề thi, dành cho các em thí sinh thi phân ban và các em thi không phân ban. Nhằm tránh những trường hợp các em chọn nhầm khi làm bài thi.

Bộ GD-ĐT đã có quyết định hợp tình hợp lý

Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của Bộ GD-ĐT, chúng ta luôn nói đến việc sống và làm việc theo pháp luật. Do vậy trường hợp Bộ GD-ĐT đã quy định rõ ràng cách làm bài thi cũng như cách xử lý khi vi phạm, thì tôi nghĩ việc chúng ta hành động theo đúng luật là hoàn toàn đúng.

Chúng ta không thể "xé rào" làm khác luật được vì như thế chính chúng ta sẽ không tôn trọng luật và sau này chúng ta cũng không thể xử lý những trường hợp thí sinh vi phạm luật được.

Nên xem xét lại đề thi

Tôi đồng ý với lập luận của Bộ GD-ĐT là thí sinh phải tuân thủ quy chế thi cử đã được phổ biến. Tuy nhiên vẫn có khả năng là do đề thi chưa được sắp xếp và phân bố một cách khoa học, dẫn đến việc các em có thể bị nhầm lẫn một cách dễ dàng.

Để đánh giá được vấn đề này, Bộ nên xem lại tỉ lệ thí sinh phạm quy cho trường hợp này là bao nhiêu. Nếu có nhiều thí sinh phạm quy vì làm nhầm đề thì có nghĩa là đề thi đã chưa được đầu tư đúng mức và khi đó nên xem xét chấm điểm lại cho các em phạm quy, tránh để các em phải mất 12 năm đèn sách và những cú sốc tâm lý không đang có.

Nếu chỉ có vài thí sinh phạm quy thì rõ ràng là do bản thân các em đã quá chủ quan và coi thường quy chế thi. Vì vậy, việc áp dụng đúng quy định cho những trường hợp này là không có gì phải bàn cãi.

Nên cho các em cơ hội để sửa sai

Việc hồi hộp, mất bình tĩnh khi bước vào phòng thi là một hiện tượng chung cho tất cả những thí sinh đi thi, vì vậy không thể trách các em đã có những sơ suất trong khi làm bài. Thêm vào đó, do việc áp dụng cách cho đề thi theo kiểu phân ban còn quá mới, các em chưa hiểu rõ cách cho đề và yêu cầu của đề, nên việc các em còn lúng túng trước việc chọn đề để làm là không thể tránh khỏi.

Vì thế tôi mong Bộ có những biện pháp xử lý sao cho cơ hội để bước vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ mà các em ấp ủ suốt bao nhiêu năm đèn sách không bị vùi lấp chỉ vì một sơ suất không đáng có trong lúc thi.

Nếu các em đã có năng lực để làm hết cả hai phần trong khi đề yêu cầu các em chọn như thế chứng tỏ các em có một học lực khá tốt và cơ hội để bước vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ của các em cũng rất lớn.

Nếu như Bộ xử lý nghiêm minh bằng cách loại các bài thi của các em chẳng những sẽ làm cho các em bị một cú sốc mà còn làm cho gia đình của các em phải buồn vì các em. Bên cạnh đó nếu loại những bài thi của các em thì trong kỳ thi tuyển sinh ĐH sắp tới sẽ có khả năng ta đánh mất nhiều tài năng giỏi.

Tôi rất mong Bộ có những hướng giải quyết hợp tình để các em có cơ hội để sửa sai trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới

Xem thường quy chế: Không nên tha

Tôi cũng từng là thí sinh, tôi hiểu tâm trạng của các thí sinh khi vào phòng thi thế nào. 12 năm học, không dưới 14 lần đi thi, thế mà vẫn có nhiều thí sinh phạm những điều đơn giản mà bất cứ người học trò nào cũng biết như thiếu số báo danh, số tờ làm bài... Lần này lại là sai phần "tự chọn".

Ngay ở hai từ "tự chọn" đã tạo cho thí sinh tâm lý thoải mái để làm bài thi, làm phần mình cảm thấy tự tin để đạt điểm cao hơn. Đề thi tốt nghiệp chỉ ở mức độ trung bình, không có sự đánh đố, thời gian làm bài cũng không khiến thí sinh có thể gọi là mất bình tĩnh.

Tôi nghĩ không thể tha cho lỗi này, vì đây không hẳn là lỗi do khách quan mà có thể xem là chủ quan của một số thí sinh. Xem thường quy chế, hoặc tự kiêu muốn khẳng định mình có thể làm được tất cả.

Tại sao thời gian dư không dành để xem lại bài mình đã làm cho chắc mà lại làm thêm, đó là làm dư chứ không phải nhầm lẫn. Nếu tha cho những thí sinh này thì quả không công bằng cho những thí sinh đã nghiêm túc thực hiện đúng quy chế, và đã làm không đúng luật.

Dù trong cái lý cũng có cái tình nhưng cứ như thế liệu nền giáo dục nước nhà có phát triển? Mặt bằng dân trí có phát triển? Ý thức con người có phát triển? Tiến bộ xã hội có phát triển? Đất nước có phát triển?

12 năm đèn sách để làm gì?

Tại sao những thí sinh thi tốt nghiệp vừa rồi lại làm phần đề đã ghi rõ là mình không được phép làm? 12 năm đèn sách để làm gì khi đọc đề mà không hiểu? Không thể có sự nhầm lẫn ở đây được.

Nếu như có thí sinh nào đó đãng trí đến độ quên luôn cả lời dặn rất kỹ lưỡng của các giám thị coi thi cũng như thông tin của báo đài mấy ngày trước, thậm chí là lời dặn của chính thầy cô trong trường trước khi đi thi thì hoặc là thí sinh đó quá xem thường tương lai của mình (không quan tâm đến mọi lời nhắc nhở) hoặc là không đủ năng lực hành vi trí tuệ để mà học tập (vì mau quên quá!).

Phải chăng là những thí sinh đó làm bài theo kiểu "thà giết lầm còn hơn bỏ sót", trông chờ vào việc giám khảo sẽ châm chước, cho điểm ở phần thi này bù vào phần điểm của phần thi kia, hoặc là sẽ lấy kết quả của phần bài thi có điểm cao hơn? Nếu như vậy thì các thí sinh của chúng ta ngây thơ còn hơn là học sinh tiểu học nữa!

Theo quan điểm của tôi, không thể có sự lẫn lộn ở đây được mà chỉ có sự cố tình. Như vậy là không tôn trọng các quy định của Bộ, thậm chí là không tôn trọng chính tương lai của mình! Phải xử nghiêm, có thể các thí sinh ấy sẽ lỡ một chuyến đò, nhưng đây sẽ là một bài học quý giá cho họ khi bước ra trường đời để sau này không phạm phải sai lầm này nữa.

Chúng ta phải tạo ra một tiền đề tốt cho sau này và quan trọng hơn là cần giữ công bằng cho các thí sinh đã tôn trọng các quy định của kỳ thi. Theo tôi, đây mới là công bằng và nhân đạo.

Phải làm theo quy chế

Quy chế thi đã rất rõ ràng, đã phổ biến rộng rãi và rất kỹ, mọi thí sinh đều biết điều này. Thật đáng tiếc cho những thí sinh này dù các em có cố ý hay vô tình đi nữa thì đã là quy chế thì phải thực hiện nghiêm minh, công bằng.

Nếu chỉ vì xót xa cho các em mà chấm những bài thi đó thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, quy chế bị coi thường. Nếu các em vi phạm sử dụng tài liệu trong phòng thi thì cũng vì xót xa mà bỏ qua cho các em hay sao? Chúng ta đang chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục mà!

Hơn nữa, số thí sinh vi phạm lỗi này cũng không nhiều, việc bài thi của các em bị hủy không phải là một dấu chấm hết đối với các em, các em vẫn còn rất nhiều cơ hội, kỳ thi sau và những năm tới. Làm như vậy cũng là để cho các em một kinh nghiệm, một bài học tốt trong cuộc sống.

Giơ tay đánh khẽ

Việc thí sinh nhầm lẫn làm cả hai phần là phạm quy thật. Nhưng xét cho kỹ, có lẽ phần lớn những thí sinh này vẫn cứ nghĩ như trước đây, thầy cô vẫn thường nhắc nhở: có gì làm được cứ làm, giám khảo sẽ chỉ chấm điểm phần đúng thôi; còn phần sai thì bỏ qua.

Tôi nghĩ đa phần những thí sinh sai phạm ở đây là những học sinh giỏi cả. Vì nếu không giỏi thì không thể nào đủ khả năng làm nổi cả hai phần. Nếu phạt nặng làm lỡ kỳ thi đại học của các em thì không chỉ ảnh hưởng con đường tương lai các em sau này mà lớn hơn nữa là đã làm mai một những tài năng của đất nước sau này.

Vấn đề ở đây là làm sao vẫn xử lý, vẫn phạt nhưng làm sao để các em vẫn đủ kịp thời gian thi đại học?

HUỲNH QUỐC HÙNG (Giáo viên Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên