02/07/2006 09:12 GMT+7

Chàm eczema hay nấm?

T.LÊ thực hiện
T.LÊ thực hiện

TTO - Tôi, nam, 42 tuổi, bị sẩn ngứa ở các ngón tay và ngón chân từ gần mười năm nay, hay tái đi tái lại, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

Triệu chứng thực thể: Các mụn nước trong tụ thành đám ẩn sâu dưới da ngón tay, ngón chân gây ngứa không chịu nổi. Càng gãi càng ngứa. Sau vài ngày chỗ đó da khô và nứt ra làm đau đớn. Móng tay thì bì dày lên và cứng, có các đóm trắng ăn dần sâu vào móng.

Tôi đã đi khám rất nhiều lần ở BV Da liễu TP, BS khám lúc nào cũng chẩn đoán là bị Chàm/Eczema và chỉ cho thuốc bôi và thuốc giảm ngứa, nhưng điều trị rất dài ngày vẫn không bớt. Tôi chán quá không thèm tới BVDL nữa.

Có một BS ở ngoài bảo tôi là bị bịnh Dị ứng do cơ địa, cho tôi uống thuốc dị ứng loại cực mạnh, uống ngày 1v x 1 lần. kết quả chỉ đơỡ tức thời, sau dó lại tái phát. Có BS thì bảo tôi tiêm thuốc Kacort 80mg. Tôi thưử tiêm 1 ống thì thấy bớt rất nhanh và hiệu quả rất lâu (chừng 4,5 tháng không thấy tái phát).

Xin BS làm ơn trả lời giùm: Đó là bệnh gì? Có phải là Eczema không hay bệnh do nấm? Có thuốc nào điều trị dứt điểm bệnh này không? Sử dụng Kacort nghe nói không tốt đúng không? 3,4 tháng tiêm 1 ống có hại gì cho cơ thể không? (Ng.V. An)

- BS NGUYỄN ĐÌNH SANG (Chuyên khoa BS gia đình, TT Y tế quận I): Theo như triệu chứng mà bạn mô tả thì có nhiều khả năng bạn bị chàm (hay còn gọi là eczema). Đó là tình trạng da bị viêm ngứa, có mụn nước và da bị bong vẩy.

Nguyên nhân của chàm hiện nay chưa rõ. Có thể do cơ địa dị ứng, do kích thích của hoá chất như nước rửa chén, bột giặt, cao su, kim loại (chàm tiếp xúc). Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của bệnh chàm. Những người trong cùng một gia đình có thể có nhiều các loại bệnh dị ứng khác nhau như suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm…

Chàm được phân ra làm nhiều loại như:

- Viêm da dị ứng: thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng và có yếu tố di truyền. Bệnh hay gặp ở trẻ em từ 2 - 18 tháng và thường hết khi trẻ đến tuổi dậy thì. Triệu chứng hay gặp là ngứa ở mặt trong khuỷu tay, nhượng chân, mặt. Chỗ bị ngứa có nhiều mụn nhỏ màu đỏ vỡ ra và chảy nước. Ngoài ra da vùng này đóng vẩy và tróc ra.

- Chàm ở tay: gây ra bởi sự kích thích của hoá chất như bột giặt, chất tẩy rửa, găng tay cao su… hoặc không rõ nguyên nhân. Triệu chứng thường thấy là nổi mụn nước và ngứa, da đóng vẩy và tróc vẩy ra. Bệnh thường hết khi không còn tiếp xúc với hoá chất.

- Chàm đồng tiền: vết chàm có dạng tròn như đồng tiền, thường gặp ở người lớn. Chỗ bị chàm ngứa, da bị bong vẩy từng mảng.

- Chàm thể tạng: hay gặp ở những người có cơ địa dãn tĩnh mạch. Da dễ bị kích thích, viêm và chân bị phù.

Điều trị: bệnh thường kéo dài dai dẳng khó điều trị dứt hẳn. Để điều trị cần phải:

- Tránh các nguyên nhân gây kích thích da như: bột giặt, nước rửa chén, hoá chất…

- Chống ngứa bằng các thuốc kháng dị ứng như Chlorpheniramine, Cetirizine…

- Uống các loại vitamine nhóm B, C.

- Nếu có bội nhiễm dùng thêm kháng sinh.

- Corticoid bôi tại chỗ.

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Vấn đề dùng corticoid toàn thân như K-cort (là dạng corticoid có tên là Triamcinolone ) phải thật thận trọng vì tuy nó có tác dụng ngay và ngoạn mục nhưng có nhiều biến chứng cho cơ thể như teo cơ, xơ hoá cơ (như xơ hoá cơ delta gây hội chứng “chim xệ cánh” chẳng hạn), teo da, áp-xe hoá ngay chỗ chích cho đến những biến chứng nặng như dễ bị lao và các bệnh nhiễm khác do suy giảm miễn dịch; bị loét dạ dày tá tràng; giữ muối và nước gây tăng huyết áp; loãng xương; suy tuyến thượng thận…

Vì vậy, để điều trị chàm thì nên sử dụng corticoid bôi tại chỗ chứ không nên dùng K-cort là loại corticoid tác dụng chậm và kéo dài vì những biến chứng kể trên. Nếu cần thiết phải sử dụng corticoid trong những đợt bệnh diễn biến cấp thì nên dùng corticoid uống và có tác dụng ngắn dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

T.LÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên