15/04/2005 00:49 GMT+7

Trở lại Sài Gòn

NGUYỄN HỮU HẠNH
NGUYỄN HỮU HẠNH

TT - Chúng tôi gặp tướng Nguyễn Hữu Hạnh của quân đội Sài Gòn ngày nào trong ngôi nhà riêng ở quận Tân Phú, TP.HCM. Câu chuyện về những ngày tháng 4-1975 lại sống dậy trong ông. 30 năm, vào tuổi 82, ông vẫn thận trọng khi nói về mình...

BCAdELMf.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hữu Hạnh tháng 4-2005
TT - Chúng tôi gặp tướng Nguyễn Hữu Hạnh của quân đội Sài Gòn ngày nào trong ngôi nhà riêng ở quận Tân Phú, TP.HCM. Câu chuyện về những ngày tháng 4-1975 lại sống dậy trong ông. 30 năm, vào tuổi 82, ông vẫn thận trọng khi nói về mình...

“Sao chuẩn tướng, quân phục đại úy, giày dân sự...!”Cuộc đời binh nghiệp của tôi có “duyên” với ông Dương Văn Minh từ khi còn trong quân đội Liên hiệp Pháp.

Đầu năm 1955 với cấp bậc thiếu tá và sau đó là trung tá tôi đã làm tham mưu trưởng cho ông Minh gần ba năm (ông Dương Văn Minh và ông Nguyễn Hữu Hạnh đều có quê gốc là Mỹ Tho - BT). Sau này, khi nhận được chỉ thị của ban binh vận Trung ương Cục miền Nam là phải theo sát tướng Dương Văn Minh để hướng về cách mạng thì tôi càng gắn bó với ông Minh hơn.

Cho nên, cuối tháng 4-1975, khi nghe tin ông Minh sẽ trở lại nắm chính quyền, tôi nghĩ thế nào ông cũng điều tôi về Sài Gòn. Và quả vậy, chuyến từ giã Cần Thơ để trở lại Sài Gòn của tôi lần này không ngờ lại đúng vào thời khắc quan trọng của lịch sử nước nhà.

Từ Cần Thơ tôi đến Sài Gòn lúc tối 28-4-1975. Tin đầu tiên tôi nghe được lúc đó là sư đoàn 25 tại Củ Chi bị thất thủ. Nhìn lên bầu trời sân bay Tân Sơn Nhất, thấy chiến đấu cơ lên xuống tấp nập, ngoài đường dân chúng đi lại náo loạn, lệnh giới nghiêm không còn hiệu lực. Lạ quá, lần đầu tiên ở Sài Gòn có hiện tượng người dân không tuân lệnh giới nghiêm. Tôi nhìn quang cảnh Sài Gòn mà trong lòng xúc động lạ kỳ.

Sáng 29-4-1975, tôi đến gặp tổng thống Minh tại nhà riêng (dinh Hoa Lan ở số 3 Trần Quý Cáp - nay là Võ Văn Tần), kế đến thì có ông Nguyễn Văn Huyền đến, sau lại có ông đại sứ Pháp J.M.Mérillon đến. Ông đại sứ Pháp thông báo phía ngoại giao Pháp có liên hệ với Hà Nội về vấn đề thương thuyết nhưng Hà Nội nói đã quá trễ rồi.

Như vậy hẳn là tình hình đang rất khẩn trương. Ông Dương Văn Minh vốn là người điềm tĩnh mà lúc này nét mặt lộ vẻ lo âu. Tôi hỏi:

- Thưa đại tướng, về tình hình quân sự ra sao?

- Toa là quân sự, không đi xem mà hỏi cái gì?

Tôi biết mặc dù ông Minh nguyên là tư lệnh quân đội nhưng lúc này ông cũng không nắm được tình hình mà phó thác cho trung tướng Đồng Văn Khuyên phụ trách mọi việc ở Bộ tổng tham mưu. Tôi biết mình phải nắm lấy quân đội lúc này nên nói với ông Minh: “Tôi về hưu rồi đi coi sao được. Đại tướng có cho quyền tôi mới dám đi”. Ngay lúc đó, ông Minh phái tôi tới Bộ tổng tham mưu xem xét tình hình quân sự.

Không được điều động quân!

T93TmZXx.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (trái) tại cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc TP.HCM năm 1976

Ông Dương Văn Minh chỉ định tướng Vĩnh Lộc làm tham mưu trưởng, tôi làm phụ tá tham mưu trưởng đặc trách hành quân từ 12 giờ trưa 29-4-1975. Ông Minh cho tôi toàn quyền thay ông để quyết định về hành quân và ông cũng dặn tôi không được điều động quân.

Có lẽ chưa có trang lịch sử quân sự nước nào trên thế giới ghi được kiểu bổ nhiệm kỳ cục như vậy: phụ tá tham mưu trưởng đặc trách hành quân mà không được điều động quân. Điểm này là rất quan trọng.

Tình hình gấp rút. Khi tướng Lộc trao cho tôi bộ đồng phục của một đại úy và một cặp sao cấp bậc chuẩn tướng thì chân tôi vẫn còn đi giày dân sự và không có cả mũ để đội (bởi khi từ Cần Thơ lên Sài Gòn tôi vẫn mặc đồ dân sự).

Tướng Vĩnh Lộc gọi mọi người ở Bộ tổng tham mưu tới trình diện và bổ nhiệm một cách vội vã. Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức nguyên lúc trước là cục trưởng Cục Công binh thì nay được chỉ định làm tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận. Tôi hỏi Chức:

- Tình hình nhiên liệu còn đến đâu?

Chức trả lời:

- Tôi không nắm chắc lắm nhưng có lẽ cũng chỉ được một tuần lễ nữa.

Bên cạnh tướng Chức, trung tướng Trần Văn Trung vẫn phụ trách chiến tranh chính trị; đại tá Đỗ Ngọc Nhận giữ quyền tham mưu trưởng liên quân; trung tướng Nguyễn Hữu Có đến Bộ tổng tham mưu vào tối 29-4 chưa có nhiệm vụ chính thức.

Trong khi đó thì phía Biên Hòa, từ chiều 28-4, lúc 18g10 xe tăng quân giải phóng đã đánh chiếm chi khu Long Thành, đến 18g50 thì mất tiếp tỉnh lỵ Bà Rịa, 19g30 kho Long Bình bị pháo kích và đường 15 bị cắt. Biên Hòa bị bao vây ba mặt, quân đoàn 3 của tướng Toàn bị tan rã.

Sáng 29-4, tướng Lê Minh Đảo xin rút qua bên này sông Đồng Nai để cố thủ và xin phép phá cầu. Tôi cho rút quân nhưng không cho phép phá cầu. Và từ đó, tôi ra lệnh chung là các đơn vị muốn phá cầu phải có lệnh của Bộ tổng tham mưu.

Phía miền Tây, sư đoàn 22 ở Tân An đang khốn đốn vì tướng Phan Đình Niệm chỉ huy đã bỏ trốn, tham mưu trưởng sư đoàn báo cáo: “Chúng tôi bị áp đảo mạnh hướng chính diện, đường 4 bị cắt đứt hoàn toàn”.

Hướng miền Đông, sư đoàn 5 trấn giữ Thủ Dầu Một đã bị quân giải phóng chọc thủng từ đêm 29-4, liên lạc bị cắt đứt và từ đó Bộ tổng tham mưu không còn liên lạc được với sư đoàn này nữa.

Đến sáng 30-4, từ vùng 4 chiến thuật, tướng Nguyễn Khoa Nam - tư lệnh quân đoàn 4 - báo cáo bằng điện thoại hiện đang bị tấn công ở ba nơi: Vĩnh Bình, Bạc Liêu và cách sân bay Trà Nóc 3km.

Riêng biệt khu thủ đô, ngoài lực lượng phòng thủ, lực lượng xung kích gồm các lữ đoàn dù, sư đoàn biệt động quân và 20 xe tăng mà trung tướng Vĩnh Lộc vừa chỉ thị cho bộ chỉ huy thiết giáp đưa vào tăng cường, tuy chưa chạm trán với quân giải phóng nhưng tinh thần binh lính đã rất hoang mang. Chiều 29-4-1975, thiếu tướng Lâm Văn Phát - tư lệnh biệt khu thủ đô - xin lệnh để phản công. Tôi nói tổng thống không cho di chuyển quân, nhưng rồi sợ các binh sĩ làm loạn, tôi tung quân cảnh ra để giữ gìn trật tự.

Ngày 29-4-1975, Sài Gòn chứng kiến sự rút chạy của người Mỹ. Trực thăng lên xuống ở sân bay Tân Sơn Nhất ầm ầm, pháo của quân giải phóng bắn vào sân bay làm cho nhiều đám cháy bừng lên đỏ trời. Tin tức còn cho biết trong đêm 29-4-1975, nhiều đoàn xe của quân giải phóng từ phía Hóc Môn đã tiến về hướng Sài Gòn.

Sáng 29-4-1975, khi tôi còn ở tại dinh Hoa Lan (nhà riêng ông Minh) thì ông Minh và ông Mẫu đã quyết định thả tù chính trị (trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm - chủ tịch Tổng hội SV Sài Gòn) và yêu cầu tổ chức DAO của Mỹ rời khỏi VN trong vòng 24 giờ.

Sáng 29-4-1975, sau một hồi bàn bạc gay go, ông Minh và ông Mẫu đã gửi một phái đoàn do ông Nguyễn Văn Diệp dẫn đầu đến trại David (sân bay Tân Sơn Nhất) nhưng không được tiếp xúc chính thức với phái đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN.

Khi về, ông Nguyễn Văn Diệp và ông Nguyễn Đình Đầu đã họp tại nhà riêng của ông Diệp để soạn thảo bài tuyên bố để ông Nguyễn Văn Huyền - phó tổng thống đặc trách hòa đàm - đọc lúc 17g ngày 29-4-1975 chấp nhận bản tuyên bố ngày 16-4-1975 của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN.

Lúc này, mặt trận phía Thủ Dầu Một hoàn toàn bị bỏ ngỏ, tôi báo cáo với tướng Vĩnh Lộc và Nguyễn Hữu Có rằng “một đoàn chiến xa của Việt cộng đang tiến về Sài Gòn qua ngả Thủ Dầu Một, hiện đang qua khu chợ Búng. Mặt trận này ta không có quân xung kích mà chỉ có quân phòng thủ”.

Tướng Lộc nghe tôi báo cáo tình hình quân sự các hướng thì biến sắc mặt, vội cầm lấy điện thoại báo cáo với ông Dương Văn Minh. Sau đó, Vĩnh Lộc bắt tay tôi khi tôi đi gặp ông Minh. Đó là cái bắt tay cuối cùng, bởi vì đến 8g sáng 30-4, viên tướng dòng dõi hoàng tộc này đã đưa gia đình ra nước ngoài bằng đường thủy.

---------------

* Kỳ sau: Thời khắc lịch sử

NGUYỄN HỮU HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên