19/04/2005 00:31 GMT+7

Cảnh sát trưởng 24 giờ

TRIỆU QUỐC MẠNH
TRIỆU QUỐC MẠNH

TT - Vào những ngày cuối tháng 4-1975 có thêm một ông Việt cộng nữa lộ diện và hành động. Đó là luật sư Triệu Quốc Mạnh. Ông được bổ nhiệm làm “cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định”. Lúc đó không ai biết ông là một đảng viên cộng sản...

LNAQQvSk.jpgPhóng to
Ông Triệu Quốc Mạnh kể về 24 giờ làm cảnh sát trưởng của mình
TT - Vào những ngày cuối tháng 4-1975 có thêm một ông Việt cộng nữa lộ diện và hành động. Đó là luật sư Triệu Quốc Mạnh. Ông được bổ nhiệm làm “cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định”. Lúc đó không ai biết ông là một đảng viên cộng sản...

Ba chọn một

Tôi trình diện ông Dương Văn Minh ngay ngày ông nhậm chức tổng thống. Tôi còn nhớ buổi trình diện vào ban đêm, tại dinh Hoa Lan. Phòng họp lúc đó khoảng 25 người. Khi tôi bước vô thì có tiếng nói “ông Mạnh tới kìa”, ông Minh quay lại, biểu tôi “đi tới đằng kia đi”, tôi nghĩ chắc là để ổng… coi tướng. Ông Minh nói “tướng như vầy mới trị tụi nó được”.

Ngay sau đó ông Dương Văn Minh kêu tôi qua ngồi gần. Ông Minh có đặc điểm luôn luôn để một cái ghế trống bên tay trái mỗi khi ổng ngồi trước một cái bàn dài. Khi tôi ngồi kế bên rồi, ông Minh nói với mọi người: “Thôi anh em làm việc tiếp đi”, rồi che bàn tay trước mặt, lấy mảnh giấy viết mấy dòng: bộ tư lệnh cảnh sát, cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, đô trưởng.

Tôi nhanh trí hiểu ra và khoanh ngay dòng chữ “cảnh sát Sài Gòn - Gia Định”. Ông Minh nói “hay nhứt, hay hơn hết”, rồi lấy viết gạch nhẹ dòng chữ “bộ tư lệnh cảnh sát”. Tôi không hiểu, mãi sau này tôi mới biết là trong suy nghĩ của ông Minh lúc này thì vị trí bộ tư lệnh cảnh sát không cần nữa. Sau đó ông xé nát mảnh giấy.

Tôi biết rằng đưa tôi lên làm cảnh sát trưởng là điều không dễ, bởi nếu đưa một người trong giới cảnh sát lên làm chỉ huy thì được, đưa quân đội qua làm cũng được, nhưng đưa một luật sư lên làm cảnh sát thì hơi khó, nói chưa chắc họ nghe.

Trước khi ông Minh nhậm chức nửa tháng, ông đã có chủ ý phải tìm một người nắm cảnh sát chứ không phải đơn thuần là thay Trang Sĩ Tấn. Điều kiện của ông Minh là tìm được một người trong sạch, không tai tiếng, nắm vững luật và cho ông Minh đích thân… coi tướng trước. Chắc ông Minh là người hay coi tướng rồi mới bổ nhiệm.

Tôi được ông Trần Ngọc Liễng giới thiệu với ông Dương Văn Minh hai tuần trước khi ông Minh làm tổng thống. Lúc này anh em dân biểu đối lập tán thành, tín nhiệm tôi. Tôi còn nhớ khi đang ngồi ở tòa Gia Định, giáo sư An Cư - dạy Văn khoa Cần Thơ - đến nói với tôi rằng “chắc chắn tình hình này sẽ thay tổng thống (ông Hương), ông Minh muốn mời anh Mạnh giữ vị trí chỉ huy cảnh sát...”.

Tôi nói ngay: “Không, không đâu bác Cư, không bao giờ tôi nhận”. Nhưng sau đó tôi chạy ra nhà ông Liễng, nói với ổng là “tui không tin ai hết, ngoài ông ra, những người khác tôi ngại lắm, cho nên ông làm ơn nói với đại tướng là tôi nhận”.

Đến sáng 29-4 tôi mới chính thức nhận chức, nhưng thật ra nhiệm vụ thì tôi nhận trước đó từ mấy ngày rồi. Đại tá Lâm Chánh Nghĩa đi tìm cho tôi bộ sắc phục để chỉ huy ngay, nhưng loay hoay thế nào vẫn không tìm ra. Tôi chỉ có chiếc áo trắng nhưng không có cặp lon tướng. Ông Dương Văn Minh nói với tôi đeo cà vạt vô là được. Đại tá Nghĩa lật chiếc phù hiệu sao vàng trên chiếc xe tướng lên, như vậy là đi chỉ huy được rồi.

Không nổ súng và án binh bất động

Tôi vào Đảng năm 1966, kết nạp tại mật khu Gò Đen, tỉnh Long An. Lúc đó việc vô khu để kết nạp Đảng mới là cái khó của tôi.

Thời đó làm sao vô khu được, một thẩm phán của chính quyền Sài Gòn đâu thể tự do đi về vùng cách mạng, huống hồ là vô khu.

Tôi nghĩ phải làm công tác chuyên môn cho thật tốt, rồi xin nghỉ phép mới có thể đi được vài ngày. Tôi làm bản đóng góp ý kiến về tòa án lưu động trong kế hoạch bình định.

Bản góp ý đó được đánh giá cao và tôi được nghỉ phép. Thế là tôi vô khu. Người giới thiệu tôi vô Đảng là ông Năm Hà, tức là Phạm Văn Diêu.

Người thứ hai giới thiệu tôi là Châu Long - bí thư chi bộ của mật khu Gò Đen. Châu Long bệnh chết tại trại số 7 - Côn Đảo trước giải phóng.

Sau khi kết nạp tôi, anh Tám Võ dẫn tôi về chiến khu Phong Thạnh ở Bến Tre, anh nói: “Mạnh ơi, tôi được lệnh điều ông lên gặp mấy ông ở trên”, lúc đó tôi mới gặp ông Dương Quang Trung.

Như vậy là tôi từ cánh thanh niên vũ trang thuộc Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định được bắt liên lạc với cánh trí vận của ông Dương Quang Trung.

Tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia Sài Gòn - Gia Định. Khi bổ nhiệm tôi thì đài BBC có loan tin nhiều lần. Việc đầu tiên của tôi là trấn an mấy “hung thần” cảnh sát.

Tôi nói: “Tôi được lệnh của tổng thống, đến đây chỉ huy mấy anh và báo cho mấy anh biết là khả năng thương thuyết tại trại David là 60%, cho nên bây giờ nhất cử nhất động là mấy anh phải nghe tôi, đây là thời chiến”.

Sau khi triệu tập các chỉ huy cảnh sát lên phổ biến như vậy, tôi ra lệnh giải tán các lực lượng F - lực lượng cảnh sát đặc biệt. Và tôi ra một lệnh nữa: “Kể từ giờ phút này, nếu bắt được bất kỳ một cán binh Việt cộng nào thì đều giao cho tôi giải quyết, vì lý do: nhu cầu thương lượng”. Tôi nói điều này với khoảng 10 chỉ huy trưởng cảnh sát của các quận.

Tới đây thì tôi bắt đầu thấy căng thẳng. Có điều mọi người tin và chấp hành lệnh. Tôi kêu đại tá Lâm Chánh Nghĩa đi lập danh sách tất cả tù chính trị hiện đang biệt giam, với lệnh là “không được thiếu một người”.

Trong khi kêu Nghĩa đi lập danh sách tù, tôi giành lấy quyền điều khiển đài tác chiến. Bên cạnh tôi lúc bấy giờ còn một đại úy ghi tin điện các quận đưa lên, lúc này tin đưa lên liên tục.

Ngồi vào vị trí chỉ huy tác chiến qua đài, tôi lên tiếng: “Giờ này, các anh phải nghe lệnh tôi, phải bảo toàn lực lượng tối đa”. Như vậy là hơi khác lúc nãy, khi mà đại tá Nghĩa cứ “bắn, bắn đi” liên tục.

Từ khi giành đài điều khiển, tôi cứ lệnh phải bảo toàn lực lượng, không được nổ súng trước, cứ lệnh như vậy hoài. (Mãi đến sau này tôi gặp được một bác tên Nguyễn Hữu Thiện nhà ở đường Nguyễn Thiện Thuật nói lại rằng: “Mạnh ơi, ở trong nhà “moa” nghe tụi cảnh sát ngoài đường chửi: Đ.M, chỉ huy cái gì kỳ vậy”).

Bởi vì các đơn vị cảnh sát lúc đó liên hệ với nhau đòi chi viện, nhưng tôi lệnh “án binh bất động, bảo toàn lực lượng tối đa, đây là giờ thương thuyết, không được nổ súng”. Thỉnh thoảng có đơn vị đòi điều binh thì tôi vẫn lệnh án binh bất động, không được nổ súng trước. Đài chỉ huy lúc đó chỉ huy hết toàn bộ lực lượng cảnh sát của Sài Gòn - Gia Định, tổng cộng khoảng 17.000 quân. Sau này tôi không ngờ con số quân lớn như vậy.

Khi đại tá Nghĩa đưa lên danh sách tù chính trị, tôi liếc qua chứ không có thì giờ đếm, chỉ hỏi: “Đủ chưa?”. Nghĩa nói: “Dạ, còn một số người ở dưới an ninh quân đoàn 4 mượn, một số thì an ninh quân đội ở đây mượn”. Tôi lệnh: “Chuẩn bị thả hết những người này”. Tôi đọc cho đại tá Nghĩa viết lệnh. Lúc đó đại tá Nghĩa quì một chân viết trên một cái bàn thấp vì trong phòng chỉ huy chật quá. Tổng số khoảng 300 người. Tôi trực tiếp xuống kiểm tra lúc thả tù.

Lúc đó, Nguyễn Khắc Bình bên bộ tư lệnh cảnh sát đã chạy mất rồi. Khi thả tù xong rồi thì Lâm Chánh Nghĩa dao động, xin phép tôi về thăm gia đình một chút. Trong bụng tôi mừng quá vì loại được cha này. Biết là Nghĩa sẽ chuồn luôn nhưng tôi vẫn dặn: “Đại tá về, nhớ trở lại nghen”.

Sau khi thả hết tù chính trị, tôi lên chiếc xe Jeep đặc biệt và chỉ huy qua đài tác chiến trên xe. Lúc đó, kỹ sư Nguyễn Ngọc Hồ, là cơ sở cách mạng, đến gặp tôi, nói “mấy ổng sợ anh bị tụi nó giết rồi không ai cho mấy ổng hay”. Tôi kêu ông Ngọc Hồ lên xe Jeep chỉ huy lưu động luôn. Tôi hét: “Không nổ súng! Án binh bất động...” một hồi thì mệt quá, kêu ông Hồ hét chỉ huy phụ. Thật ra là cũng chỉ ra lệnh án binh bất động, bảo toàn lực lượng, không được nổ súng trước. Vậy thôi.

Tới xế chiều, tôi sực nhớ, vội ra lệnh cho cận vệ: “Mấy anh xuống bịt cái sao tướng của chiếc xe lại, chớ lúc này bị bắn một quả thì chết tui”. Sau đó tôi quay về gặp ông Dương Văn Minh để báo cáo: “Bác Hai à, cháu mới thả anh em tù rồi”. Ông chỉ nói: “Thả hết rồi hả?”.

Tới chiều, nghe lệnh xin thưa thớt, tôi quay lại nói với ông Hồ: “Vậy là tiêu rồi đó!”. Sau đó, tới xế chiều thì thấy quần áo cảnh sát, quần áo quân đội lột bỏ gốc cây cũng hơi nhiều. Đến tối thì lệnh chỉ còn xin lẻ tẻ. Tôi cho anh em lính cận vệ về với gia đình, nhưng yêu cầu để súng lại, để cả chiếc xe Jeep chuẩn tướng của tôi lại đằng sau dinh Hoa Lan.

Đêm 29-4 thật căng thẳng. Đó cũng là đêm cuối cùng của chiến tranh. Tôi không dám về nhà, vì sợ cảnh sát bực bội có khả năng “thịt” mình, hơn nữa bên cách mạng không nhận ra cũng có thể “thịt” cảnh sát trưởng luôn. Tôi phải qua tá túc ở một ngôi nhà trên đường Kỳ Đồng.

--------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 3: Đường đến với “phía bên kia”- Kỳ 2: Thời khắc lịch sử- Kỳ 1: Trở lại Sài Gòn

TRIỆU QUỐC MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên