26/04/2010 07:25 GMT+7

Chiếc Boeing đơn độc giữa Sài Gòn

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Chiếc máy bay Boeing B707 Hãng hàng không Pan Am (hãng hàng không quốc tế chính của nước Mỹ trong những năm 1930-1991) đã đến VN để làm hai nhiệm vụ: chở quân và bán cà phê.

Vg9mCr0R.jpgPhóng to
Dưới cánh của chiếc Boeing B707 là quán cà phê - Ảnh: M.Đ.

“Cà phê Boeing” là tên gọi của một quán cà phê nhỏ nằm trong Câu lạc bộ (CLB) thể thao hàng không thuộc Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) tại đường Hồng Hà, Q.Tân Bình, TP.HCM.

“Ngài Boeing” đầu tiên tại VN

Quán cà phê này ở ngay dưới cánh chiếc máy bay Boeing 707 cũ được đặt tại đây từ nhiều năm trước. Ngay cả nhiều nhân viên của Trung tâm huấn luyện bay thuộc Tổng công ty Hàng không VN đặt tại TP.HCM, nơi quản lý chiếc máy bay này, cũng không rõ lai lịch của nó. Người ta chỉ biết rằng ít lâu sau ngày đất nước thống nhất, xác chiếc Boeing này đã được kéo tới đây. Đó cũng là lần đầu tiên cà phê Boeing xuất hiện và người Sài Gòn thời đó được tiếp cận với những dịch vụ có một không hai tại TP.

Sau năm 1975, Tổng cục Hàng không dân dụng VN (tên gọi cũ của Hãng hàng không quốc gia VN) chủ yếu sử dụng các loại máy bay IL18, Yak-40... của Liên Xô với sức chuyên chở chỉ trên 30 hành khách. Trong khi đó, đường bay quốc tế còn chưa được khai thác nên nhu cầu đi lại của hành khách bằng đường hàng không bị hạn chế rất nhiều. Lúc này, tại Mỹ đã lần lượt xuất xưởng tới ba chiếc máy bay của Hãng Boeing có sức chuyên chở từ 156-450 hành khách/chuyến bay. Thời đó, Boeing 707 cũng là một trong những máy bay được các nước sử dụng làm chuyên cơ cho các nguyên thủ quốc gia với sức chuyên chở 156 người.

Câu chuyện di chuyển “ngài Boeing” từ đường băng trong sân bay về khu vực thuộc CLB hàng không cũng “dài kỳ” vì thời đó Hãng hàng không dân dụng VN chưa có nhân viên kỹ thuật có thể tháo, lắp ráp máy bay như bây giờ. Để di chuyển được máy bay phải nhờ các chuyên gia của Hãng Boeing tháo cánh máy bay và lắp bánh xe kéo nó về vị trí bây giờ.

Vì vậy, sự kiện chiếc Boeing B707 xuất hiện tại VN vào năm 1977 trong điều kiện tài chính eo hẹp của ngành hàng không là điều ít ai tưởng tượng nổi.

Ông Phan Tương, nguyên tổng giám đốc Cục Hàng không dân dụng khu vực phía Nam, kể lại câu chuyện đưa Boeing B707 về sân bay Tân Sơn Nhất: “Trước 30-4-1975, chính quyền Sài Gòn cũ bị Hãng Pan Am thu nợ một chiếc máy bay trên đường bay quốc tế tại Hong Kong. Sau ngày đất nước thống nhất, đường bay A1 của VN lúc bấy giờ vẫn cấm các chuyến bay của các hãng hàng không Mỹ và Israel. Do vậy, phía Mỹ đã thương thuyết với thiếu tướng Trần Mạnh, nguyên tổng cục trưởng Cục Hàng không dân dụng, để được bay qua vùng trời VN theo luật hàng không quốc tế. Ngoài việc đóng các loại thuế theo luật hàng không quốc tế, Mỹ tặng lại VN một chiếc máy bay mà theo họ, Pan Am đã thu nợ của VN tại Hong Kong. Đó là lý do mà lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không VN đón nhận một trong những chiếc máy bay hiện đại nhất thời đó”.

Nhiệm vụ ít ai biết

Hành trình đến VN của chiếc máy bay Boeing B707 không chỉ “đơn độc” bởi nó là chiếc Boeing duy nhất ở VN lúc đó, mà còn vì việc tìm ra người lái được chiếc Boeing hiện đại này khó như “bói sao trên trời”. Ông Trịnh Đình Thu, “hành khách” đầu tiên được cử đi đón chiếc Boeing B707 từ sân bay Gia Lâm về sân bay Tân Sơn Nhất, kể lại: “Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác ngỡ ngàng và thích thú khi lần đầu được bay đi, bay về chặng Hà Nội - Sài Gòn ngay trong ngày.

Năm 1977, tôi được anh Phan Tương nhờ làm giúp một công việc đặc biệt ở Hà Nội chỉ trong vòng một ngày. Không thể tin là mình có thể di chuyển từ Bắc vào Nam trong khoảng thời gian đó nên tôi cứ nghĩ anh Tương chỉ nói chuyện cho vui. Mãi cho tới khi vào sân bay Tân Sơn Nhất vào buổi chiều sau khi phái đoàn VN ký các giấy tờ nhận chiếc Boeing B707, tôi mới tin là mình vừa được bay thật sự! Khi đó, đoàn phi công lái chiếc máy bay Boeing này do phía Pan Am cử tới giao máy bay cho VN. Ở Tân Sơn Nhất lúc đó, anh Tương vẫn đang đau đầu vì chưa tìm ra phi công có thể lái chiếc Boeing sau khi đoàn phi công do Pan Am đưa Boeing tới”.

May mắn là ngay sau đó, ông Phan Tương tìm được một phi công có thể lái chiếc Boeing từ những người quen trong ngành. Đó là phi công trẻ Huỳnh Minh Bon, người từng được đào tạo lâu năm tại các trường hàng không danh tiếng của Mỹ và Pháp. Điều thú vị là Huỳnh Minh Bon chính là phi công đã lái chiếc máy bay bị “xiết nợ” ở Hong Kong mười ngày trước khi đất nước thống nhất.

Với sức chuyên chở và chứa hành lý được xếp hàng số một trong số các máy bay thời đó của hàng không VN, Boeing B707 được khai thác tối đa. Mỗi ngày nó có thể bay 3-4 chuyến từ Nam ra Bắc, thậm chí bay quá cảnh tới Bangkok (Thái Lan) trong các chuyến bay hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc.

A6UL6zkB.jpgPhóng to
Hình chiếc máy bay Boeing B707 trên Google Maps

Cà phê Boeing và những dịch vụ

Từ những năm 1980, do quá hao xăng nên chiếc Boeing phải dừng bay. Lúc này, ông Phan Tương và một số người trong ngành nghĩ ra một dịch vụ mới phục vụ nhu cầu người Sài Gòn chưa từng được đi máy bay.

Đó là mở dịch vụ cà phê Boeing và chụp hình lấy ngay lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn do ngành nhiếp ảnh VN cùng với Cục Hàng không dân dụng phía Nam kết hợp. Khoang chứa hành khách trong máy bay được sắp xếp lại thành những bàn cà phê nhỏ có thể ngồi 4-5 người/bàn. Đặc biệt, dịch vụ chụp hình lấy ngay thu hút rất đông khách Sài Gòn. Vì lý do an ninh nên những người thân của hành khách đi máy bay thường không được vào sân bay, vì vậy chiếc Boeing này được dân Sài Gòn chọn làm nơi chụp hình lưu niệm trước khi chia tay với người thân.

Chúng tôi tới quán cà phê Boeing, nơi hầu như tất cả học viên trong Trung tâm huấn luyện bay đều biết nhưng không ai biết rõ về lai lịch của nó. Bây giờ, người ta khó mà nhận ra “ngài Boeing” ngày nào vì bị các chậu cây cảnh của quán cà phê dưới hai cánh máy bay bao vây. Phần đuôi máy bay bị những bức tường đổ nát ôm sát mà theo người dân ở đây, trước đó là những quán nhậu, sau này lúc dời quán đã để lại khung cảnh bừa bộn như vậy.

Trong khoang chứa hàng của xác chiếc Boeing giờ chứa đầy xoong nồi và các dụng cụ gia đình lỉnh kỉnh. Trên thân máy bay còn những dòng chữ dán mờ: “Cơm thêm, trà đá miễn phí. Cơm sinh viên 4.000 đồng”. Dưới hai cánh máy bay là một quán cà phê nhỏ mà nếu nhìn lên sẽ thấy ngay dòng chữ in số hiệu VN-304.

“VN-304 là tên số hiệu chiếc Boeing mà khi đó chúng tôi lấy để kỷ niệm ngày thống nhất đất nước” - ông Phan Tương lý giải.

Chiều muộn một ngày cuối tháng 4, khi trở lại nơi đặt chiếc Boeing B707 tại CLB thể thao hàng không, ông Phan Tương loay hoay đi vòng quanh chiếc máy bay để xem có góc nào có thể nhìn toàn cảnh nó vì xung quanh “ngài Boeing” bây giờ là quán xá và những bức tường đổ nát. Chỉ còn chiếc ăngten dò tín hiệu trên phần đuôi máy bay là hướng lên bầu trời.

Có lẽ “nỗi buồn” của chiếc Boeing đúng như ông Phan Tương nói: “Lâu không gặp lại “cố nhân”, thấy tiếc và buồn vì ít nhất chiếc Boeing này đã khoác lên mình một vài sự kiện lịch sử đặc biệt, để rồi giờ phải đơn độc giữa Sài Gòn trong cảnh khá nhếch nhác này...”.

XHrSx17B.jpgPhóng to
Ông Phan Tương gặp lại “ngài Boeing” đầu tiên của VN - Ảnh: L.V.

Máy bay phản lực chở khách

Đầu những năm 1950, Hãng Boeing Airplane Company xuất xưởng chiếc Boeing mang số hiệu B707 tại Mỹ. Đây là máy bay phản lực chở khách dân dụng đầu tiên mà hãng sản xuất với những tính năng ưu việt có thể sử dụng trong quốc phòng và sức chứa hành khách lên tới 156 người (gấp năm lần so với một số máy bay của một số nước vào thời điểm đó).

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên