13/04/2009 04:14 GMT+7

Phận cào nghêu thuê

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Nằm gần kề bãi biển 30-4 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM nhộn nhịp, tấp nập du khách sang trọng tới tắm biển, ăn nhậu mỗi ngày là làng “nghêu, ốc” của những người tha phương làm nghề cào nghêu thuê, đánh đổi sức lao động kiếm sống.

Gọi là làng nhưng thật ra chỉ là những căn chòi lá chơ vơ trải dài bờ đá dọc bãi biển. Cư dân chủ yếu là phụ nữ đến từ Bến Tre, Đồng Nai, Bình Phước... tụ lại làm thuê cho chủ các bãi nghêu.

O3b3XO5f.jpgPhóng to
Cặm cụi làm việc, những người phụ nữ cào nghêu thuê không biết sẽ lại phiêu dạt về đâu khi bãi nghêu hết việc - Ảnh: L.V.

Bãi nghêu mà họ thường cào chạy dài mấy chục cây số từ Cần Giờ đến tận Vũng Tàu. “Mấy ngày qua biển động, nghêu chết nên chỉ trông chờ vào những sân nghêu nuôi của các ông chủ lớn. Cả đêm thức trắng vật lộn với biển cạn, may mắn cũng chỉ kiếm được 20.000-30.000 đồng. Coi như đắp đổi qua ngày” - bà Ba Tình, một phụ nữ cào nghêu thuê, nhanh tay đẩy niềng cây cào nghêu, nói.

Bà Ba Tình năm nay 56 tuổi mà trông già như một bà lão 70. Bà trôi dạt từ Lộc Ninh, Bình Phước tới đây đã được năm năm. Cái duyên số của người phụ nữ lận đận hai đời chồng đều chia tay này nhọc nhằn hơn vì hai đứa con còn quá nhỏ. Túp lều lá giữa làng “nghêu, ốc” của ba mẹ con bà dễ nhận ra nhất, vì đã xiêu vẹo lại càng xiêu vẹo hơn trước những cơn gió biển thổi ù ù. Vừa cào nghêu thuê vừa đi nhặt ốc bán lại ở chợ, bà cố ky cóp nuôi con ăn học. Út Phúc, con trai bà, mới học lớp 4. Bé Diễm, con gái lớn, mới học lớp 7 nhưng đã bốn lần nghỉ học vì thiếu tiền học, lần này thì nghỉ học luôn. Diễm nói: “Nhà hết gạo hoài, con nghỉ học ra cào nghêu cũng kiếm thêm được ít đồng mỗi ngày phụ mẹ nuôi em”.

"Cả đêm thức trắng vật lộn với biển cạn, may mắn cũng chỉ kiếm được 20.000 - 30.000 đồng"

Cách chỗ bà Ba Tình không xa là chỗ cào nghêu của cô Yến “câm”. Lúc nào cô gái câm này cũng cười, mặc những giọt mồ hôi cứ túa ra rồi lại khô rang vì gió biển. Đã hơn hai năm nay, sáu chị em gái của Yến cùng với gia đình thay nhau rời Ba Tri, Bến Tre tới làng “nghêu, ốc” này làm thuê cho các chủ nghêu kiếm sống qua ngày.

Không nói được cũng không biết chữ, kênh giao tiếp duy nhất của cô chỉ là những câu nói ấm ớ và chỉ trỏ khiến người nghe lúc hiểu, lúc không. Từng có thời gian Yến lên TP.HCM rửa chén thuê cho một nhà hàng nhưng bị ông chủ dụ làm... vợ bé vì thấy cô xinh xắn. Yến không chịu nên bỏ phố về quê rồi trôi dạt tới đây...

Tờ mờ sáng, sau một đêm cào nghêu mệt lả, những người làm công trở về chòi giặt đồ, tranh thủ nhóm củi nấu mì gói ăn rồi thả màn trùm kín võng ngủ. Nhưng Yến vẫn tranh thủ đi nhặt thêm nghêu nhỏ, ốc để bán lại kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Vừa bước sang tuổi 27, cô gái câm của làng “nghêu, ốc” cặm cụi với công việc như cố quên đi những bấp bênh cũng như hoàn cảnh phiêu dạt của mình.

Những ngày gần đây nghêu chết hàng loạt, các chủ nghêu phải cắt giảm nhân công để tiết kiệm chi phí. Một số phụ nữ làm nghề cào nghêu thuê thất nghiệp phải gói ghém đồ đạc để về quê tìm việc khác. Những người còn lại ráng ở lại căn chòi xiêu vẹo để cầm cự chờ mùa nghêu mới.

Mỗi ngày bé Phúc thức dậy từ 5 giờ sáng để tới trường cách nhà gần chục cây số. Đoạn đường tới trường học của em tuy xa nhưng có lẽ không xa bằng con đường học hành vời vợi theo bước phiêu dạt của ba mẹ con em sắp tới.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên