25/03/2006 02:16 GMT+7

Thành đoàn - Một thời hoa lửa (Kỳ 3) - Chuyện tình thời lửa đạn

THÁI BÌNH - QUỐC LINH
THÁI BÌNH - QUỐC LINH

TT - Giữa cuộc chiến máu đổ, bắt bớ, tù đày..., tình yêu đôi lứa vẫn sinh sôi. Tình yêu đó đã động viên họ bước tới, đi qua những gian nan trong chốn lao tù. Và những lời thề chung thủy ngày nào cho đến bây giờ vẫn còn sắt son, dù người còn người mất.

49UMx6NW.jpgPhóng to
SVHS Sài Gòn xuống đường đấu tranh - Ảnh tư liệu
TT - Giữa cuộc chiến máu đổ, bắt bớ, tù đày..., tình yêu đôi lứa vẫn sinh sôi. Tình yêu đó đã động viên họ bước tới, đi qua những gian nan trong chốn lao tù. Và những lời thề chung thủy ngày nào cho đến bây giờ vẫn còn sắt son, dù người còn người mất.

Giữ trọn lời thề

Lê Quang Lộc và Huỳnh Quan Thư được tổ chức bí mật phân công chung liên danh tranh cử vào ban đại diện SV Trường ĐH Văn khoa niên khóa 1966-1967. Lúc mới gặp nhau, chị Thư thầm nghĩ: tay Lộc cứ như công tử bột, chẳng ra vẻ “cách mạng” gì ráo.

Dần dà thấy anh Lộc làm việc nhiệt tình, khiêm tốn, đứng đắn nên Thư bắt đầu “để ý”. Tuy vậy, ngoài những buổi làm việc chung, Thư cố ý tránh né vì nghi ngờ anh Lộc không phải “phe ta”.

Đùng một cái, anh Lộc đi gặp anh Ba Triết (tức Nguyễn Ngọc Phương, ủy viên thường vụ Thành đoàn kiêm bí thư Đoàn ủy SV) nói là đã “chấm” Thư và nhờ “giữ hộ”. Từ đó, họ âm thầm chấp nhận tình cảm và kín đáo chăm sóc cho nhau.

Sau Tết Mậu Thân, anh Lộc thoát ly. Được tin, lòng Thư dâng lên nỗi buồn man mác. Chị lên lầu ba ĐH Văn khoa nhìn về phía chân trời xa lắc.

Chính tại nơi này anh Lộc đã từng thổ lộ với chị: “Mình đã yêu mà không dám nói ra vì sợ mai mốt ở tù lâu người ta chờ tội nghiệp”. Lần đó, anh suýt nắm tay chị, nhưng anh dằn lòng rồi ngập ngừng bước xuống cầu thang.

Bẵng một tuần sau, truyền hình Sài Gòn phát lệnh truy nã anh Lộc vì anh nằm trong danh sách đại diện SV trong Liên minh Dân tộc dân chủ và hòa bình VN (cùng với Hồ Hữu Nhựt, Lê Hiếu Đằng, Trần Thiện Tứ...) được lập trong chiến khu.

Do hòm thư của liên minh đặt ở nước Pháp nên có khi hai, ba tháng họ mới nhận được thư nhau. Lá thư đầu tiên anh viết “rừng khuya lạnh, nhớ em nhiều”. Một ngày nọ, anh Lộc gửi thư “báo cho em mừng, bà già đã chịu em rồi!”.

Cuối năm 1968, chị bị bắt, sau đó một năm được thả do địch không có bằng chứng kết tội. Một ngày tháng 12-1970, chị nhận được tin vui bất ngờ “theo giao liên vào căn cứ Thành đoàn”. Họ đã trùng phùng trong nước mắt tại căn cứ Thành đoàn bên dòng sông Sở Thượng (giáp biên giới Campuchia).

Tháng 4-1971, đường dây bị lộ không thể đón cơ sở vào căn cứ học tập nên Thành đoàn khuyến khích các đôi tranh thủ lo “việc riêng”.

Vào ngày cưới của họ, những chùm hoa ô môi mộc mạc bên dòng Sở Thượng được kết đầy căn phòng tân hôn dã chiến. Một lần hành quân dời cứ bị máy bay địch tấn công, cả hai nhảy xuống một căn hầm, bất chợt họ nhìn nhau đầy lo lắng.

Sau lần đó vợ chồng rút kinh nghiệm: mỗi người nhảy xuống một hầm, lỡ có bề gì cũng còn một người nuôi con, rồi cũng phải sinh thêm một đứa con để lỡ cả hai hi sinh thì các con tự nâng đỡ nhau. “Còn nếu anh hi sinh?”, Lộc hỏi vợ. Thư trả lời: “Thì em ở vậy suốt đời”.

Ngày 15-4-1975, trên đường hành quân về Sài Gòn, đơn vị của anh Lộc lọt vào ổ phục kích của đối phương. Trước đó, anh viết thư về nhờ giao liên đưa con trai Vĩnh Linh, khi đó mới hơn 3 tuổi, vào cho anh thấy mặt, cha con quây quần với nhau được 10 ngày, lần đầu cũng là lần cuối. Anh đã hi sinh khi chưa biết mặt con gái Thanh An.

Chị Thư sau đó về công tác tại Quận đoàn Bình Thạnh, ban thiếu nhi Thành đoàn rồi Cửa hàng Bách hóa tổng hợp TP.HCM và hiện đang kinh doanh sơn mài ở Q.1, TP.HCM. Giữ vẹn lời thề thuở trước, chị vẫn ở vậy nuôi con, một lòng sắt son với người chồng liệt sĩ. Chị nói: “Với tôi, anh ấy không chết mà chỉ là đi xa chưa về”.

Đám cưới trong nhà tù

o8nVXSW0.jpgPhóng to
Ảnh: Q.Linh
Những kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Phương đã đồng hành cùng cô Quế Hương suốt 33 năm qua. Sau giải phóng, cô đi Nông trường Thái Mỹ (Củ Chi), đến năm 1978 về Đà Lạt sống cùng mẹ và công tác ở Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, rồi Mặt trận Tổ quốc tỉnh, hiện nghỉ hưu tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Bao nhiêu hình ảnh, kỷ vật, cả những mẩu báo phân ưu ngày ấy đều được cô lưu giữ cẩn thận, bởi đó là những gì thiêng liêng nhất với cô. Và còn nhiều lá thư khác giữa hai người mà chỉ mỗi cô dâu của “đám cưới trong nhà tù” được đọc.

Có lẽ đến hết cuộc đời mình chị Cao Thị Quế Hương không thể nào quên ngày 24-2-1968, ngày cô giáo triết học Trường Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) gặp anh Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết, bí thư Đoàn ủy SV).

Đó là người đại diện SV giải phóng mà chị nhớ mãi về khả năng đánh giá, phân tích tình hình chính trị uyên thâm. Thời gian này anh Ba Triết là lãnh đạo trực tiếp hỗ trợ chị Quế Hương phụ trách phong trào SV tại ĐH Văn khoa nên họ có nhiều cơ hội gặp nhau.

Năm 1969, anh Ba Triết bị bắt, bốn tháng xa nhau cũng là khoảng thời gian thử thách tình cảm của hai người. Chị nhận ra mình không thể thiếu anh trong cuộc đời.

Đường phố Sài Gòn những năm 1970 đầy cảnh sát, mật vụ vì hầu như ngày nào cũng có biểu tình. Có lần sau khi học xong bài “giữ gìn khí tiết cách mạng”, từ chiến khu trở về nội thành anh Ba Triết dặn người yêu: “Nếu chẳng may bị bắt, em cố gắng chịu đựng mà về với anh, dù em còn bộ da bọc xương cũng ráng mà về với anh”.

Ngày 5-3-1970, trên đường đi công tác, họ bị địch bắt đưa về nhốt chung với gần 40 anh em khác. Sau hai tuần đánh đập, 20 người được thả. Để giảm nhẹ tội cho chị, anh Ba Triết khai nhận chị là vợ, làm giao liên cho chồng chứ không biết gì về tổ chức. Ngày 20-4-1970, họ bị đưa ra tòa, 10 người được thả trong đó có chị.

Ra tù, mỗi tuần chị được 10 phút thăm chồng, gọi là chồng vì vào ngày họ bị bắt là còn đúng một tuần nữa hai người sẽ thành thân. Một ngày giữa tháng 6-1970, gia đình anh lên Đà Lạt xin nhận dâu.

Mẹ anh trao cho chị cặp nhẫn cưới, thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên xin chứng giám. Đó là một đám cưới không có chú rể cũng chẳng có quan khách, tiệc tùng. Lần thăm nuôi sau đó, chị cùng mẹ chồng và một vài người bạn mang theo chiếc bánh do em gái chú rể tặng để làm “cỗ cưới” cho anh trai.

Cũng chỉ kịp nhìn vào mắt nhau, trao cho nhau chiếc nhẫn cưới rồi phải ra về. Sau này, mẹ chồng, bạn bè và đồng đội có mặt hôm ấy gọi đó là “đám cưới trong nhà tù”.

Trong những lần thăm nuôi ngắn ngủi, họ đã lén trao nhau những lá thư chan chứa yêu thương. Đó là nhật ký của bao nỗi nhớ thương khắc khoải được viết từng ngày.

Bức thư ngày 2-6-1972, anh viết: “Tối nay lại mưa, mát nhưng buồn. Em ở nhà chỉ với mẹ thì vắng quá phải không, xa nhau đã vắng rồi. Em ráng chịu đựng với anh nghe, anh thì thương em một trăm kiếp, hẹn nhau kiếp sau, gặp nhau kiếp này không đủ đâu em. Nhiều lúc mơ mộng anh muốn mình trẻ mãi được trăm năm để sống với nhau”.

Và đây là nội dung bức thư đề ngày 5-6-1972: “Anh lại bắt đầu tháng thứ 28 trong tù và như vậy mình đã xa nhau hơn 800 ngày”.

Suốt ba năm đằng đẵng đợi chờ, người vợ trẻ chưa một lần được tựa vai chồng vẫn giữ niềm tin. Một ngày đầu năm 1973, khi vừa xách giỏ vào đến cổng nhà tù Chí Hòa, chị nhận được hung tin: anh Phương hôn mê và được đưa ra Bệnh viện Sài Gòn.

Trên đường lao ra bệnh viện, chị thầm nuôi hi vọng có cơ hội cùng chồng trốn đi. Nhưng niềm hi vọng mong manh của chị không thành sự thật. Người chiến sĩ dũng cảm đã ra đi...

Kỳ sau: Những đóa hoa bất tử

THÁI BÌNH - QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên