02/05/2007 05:43 GMT+7

Loạn thu phí và lệ phí ở nông thôn

VÂN TRƯỜNG - ĐỨC VỊNH
VÂN TRƯỜNG - ĐỨC VỊNH

TT - Đã cực khổ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người nông dân miền Tây Nam bộ còn chóng mặt với các khoản phí.

WUB7DMBf.jpgPhóng to
Một điểm thu phí, thuế, quĩ năm 2007 ở ấp Ba Rinh thuộc huyện Kế Sách (Sóc Trăng) - Ảnh: Ng.Diện
Người dân ở vùng nông thôn đang phải gánh trên lưng quá nhiều loại phí, lệ phí bên cạnh các loại thuế. Nhiều khoản thu do chính quyền địa phương tùy tiện đặt ra và gọi là vận động tự nguyện nhưng thật ra là ép đóng, ai không đóng thì khó... sống!

Tại huyện Phú Tân (An Giang), thỉnh thoảng vẫn gặp cảnh lực lượng xã, ấp lập chốt chặn tra xét các chủ xe gắn máy đã nộp phí giao thông nông thôn chưa, ai chưa thì... “alê, đưa về xã”. Về xã rồi thì khổ chủ chỉ có nước than trời: ngoài nộp 150.000 đồng/xe còn phải đóng hàng loạt thứ phí, quĩ do địa phương qui định...

Không thể nào hiểu nổi!

Cầm xấp biên lai thu tiền, anh Hà Văn Tiền ở tổ 12, ấp Hiệp Hưng, xã Hiệp Xương, thắc mắc: “Có những thứ mình không thể nào hiểu nổi”. Trong các khoản thu của năm 2006 đối với gia đình anh gồm có: lao động công ích (LĐCI) 120.000 đồng, an ninh quốc phòng (ANQP) 24.000 đồng, tiền kiên cố giao thông nông thôn (GTNT) 500.000 đồng, xe gắn máy (XGM) 150.000 đồng, phí sử dụng nguồn nước 240.000 đồng, quĩ khuyến học (KH) 20.000 đồng, quĩ phòng chống thiên tai (PCTT) 6.000 đồng, nhà đất... Những năm trước, có năm gia đình anh phải đóng phí thủy lợi 339.000 đồng, phí đê bao 598.000 đồng (240.000 đồng/công), thuế trồng cây hằng năm 336.000 đồng...

Nhưng đó cũng chỉ mới là mức thu với hộ chỉ có hai lao động chính với vài công đất ruộng. Với hộ có nhiều người trong độ tuổi lao động, có đất trong vùng qui hoạch làm đê bao vụ ba thì số tiền nộp hằng năm còn nhiều hơn. Chẳng hạn hộ bà Nguyễn Thị Hà ở ấp Hiệp Trung, có 12 công đất, “mỗi năm phải đóng đủ thứ phí, tổng cộng thường từ 2 triệu đồng”. “Lúa ngoài đồng vừa trổ thì xã đã gửi giấy bắt đóng trong vòng năm ngày sau khi thu hoạch. Vừa gặt xong lo bán lúa ngay tại ruộng để có tiền nộp. Bằng không xã cứ mời lên mời xuống. Khổ lắm!” - bà than.

Ở khắp địa phương này ai cũng chịu cảnh như anh Tiền, bà Hà. Ngoài ra, những người có phương tiện làm ăn khác đều phải đóng phí: đất trồng lúa đóng 25.000 đồng/công, ghe dành chở lúa ngoài đồng về nhà tải trọng chừng 5-6 tấn cũng phải nộp cả trăm ngàn đồng. Đối với hộ kinh doanh, cùng các khoản LĐCI, ANQP, phí XGM, quĩ KH thì họ phải đóng phí theo bậc môn bài, bậc I: 1 triệu đồng, bậc II: 700.000 đồng, bậc III: 500.000 đồng...

Còn đóng... 9 năm nữa (!)

Mỗi nơi đặt ra một loại phí và thu một kiểu, chẳng đâu giống đâu. Cũng thu phí giao thông nông thôn nhưng dân ở Đồng Tháp dễ thở hơn dân An Giang nhiều. Chẳng hạn như xã Định An (Lấp Vò, Đồng Tháp) thực hiện việc trải nhựa và bêtông hóa GTNT giai đoạn 2004-2005: trong ba năm xã này chỉ huy động từ dân 674 triệu đồng, giai đoạn 2006-2010 cũng chỉ huy động thêm 1,74 tỉ đồng để hoàn thành 13km đường, với mức thu: hộ SXNN 30.000 đồng/công, hộ phi nông nghiệp 60.000 đồng/hộ.

Trong khi đó nhiều xã ở Thoại Sơn, Phú Tân (An Giang) với địa hình, dân số, diện tích tương tự mà dân phải đóng góp 3-5 tỉ đồng; mặc dù một số xã đã được dự án GTNT 2 đầu tư cầu đường từ nguồn vốn WB. Trong dự án huy động xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2005-2006 của Thoại Sơn, phần đóng góp của dân chịu luôn từ kinh phí bồi hoàn, san lấp, xây dựng các công trình đến làm hàng rào, xây nhà vệ sinh, nhà văn hóa xã, làm các panô...

Theo ông Nguyễn Văn Cường - phó chủ tịch UBND xã Hiệp Xương, các khoản LĐCI, ANQP, PCLB nằm trong qui định chung. Còn việc thu các khoản khác là thực hiện đề án huy động dân đóng góp để trải nhựa đường GTNT, làm đê bao, phát triển giáo dục của xã. Ông cho biết giai đoạn 2004 - 2006 Hiệp Xương thu từ dân khoảng 4 tỉ đồng, hiện đã tráng nhựa 4km, làm đê bao vụ ba được 800ha và xã đang thực hiện đề án huy động dân đóng góp tiếp tục. “Cần thực hiện thêm ba đề án như vậy trong chín năm nữa để hoàn thành trải nhựa đường GTNT 14km toàn xã” - ông nói. Xem ra 2.030 hộ dân xã này sẽ è cổ nộp phí dài dài...

Mỗi xã ở Phú Tân (An Giang) đều có đề án với các khoản thu, mức thu cũng gần tương tự, và cứ xong đề án này xã lại tiếp tục huy động thực hiện đề án khác. Mới đây việc làm đường tuy chưa xong và có chủ trương không phát triển diện tích làm lúa ba vụ, nhưng xã Phú Hiệp lại chuẩn bị vận động dân đóng góp làm đê bao lúa vụ ba ở các cánh đồng nam kênh 26-3, với mức 500.000 đồng/công.

Tại huyện Thoại Sơn, các khoản thu, mức thu phí có phần... kinh khủng hơn. Giai đoạn 2000-2004, huyện đã thực hiện hai đề án xây dựng đê bao thủy lợi và bêtông hóa GTNT với tổng kinh phí thực hiện 143 tỉ đồng, trong đó dân đóng góp 60%. Giai đoạn 2005-2009 Thoại Sơn tiếp tục thực hiện đề án xây dựng cơ sở hạ tầng huy động từ dân 58,649 tỉ đồng. Theo đó, mức thu theo từng đối tượng như sau: hộ có đất SXNN 25.000 đồng/công, hộ SXKD bằng 100% thuế môn bài, nhà có đường rộng 2m đi qua 14.000 đồng/mét ngang, XGM động cơ từ 90cc 200.000 đồng, XGM động cơ nhỏ, máy cày, máy xới, máy tuốt lúa 100.000 đồng/chiếc...

Tuy nhiên thực tế ở các xã, thị trấn, ngoài mấy khoản thu đó và các khoản LĐCI, PCLB... thì mỗi năm bà con phải nộp thêm nhiều thứ phí như phí an ninh trật tự 48.000 đồng (hộ kinh doanh 120.000 đồng/hộ), phí xây dựng hệ thống đèn đường 25.000 đồng, phí tiền điện chiếu sáng 60.000 đồng; rồi đủ thứ quĩ đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện, khuyến học, xây dựng ký túc xá sinh viên... Ngoài ra nào là phí xây dựng đê bao, phí tuần tra gia cố đê bao, nhà đất, bơm rút nước vụ đông xuân, bơm rút nước vụ thu đông...

Cầm bảng thông báo các khoản phải nộp gửi cho từng hộ dân chúng tôi thấy... chóng mặt: tới 18 khoản! Những hộ có nhà, đất nằm dọc các con đường 2m, trong khu qui hoạch tiểu vùng đê bao thường tổng các khoản quĩ và phí phải nộp hằng năm từ 2-3 triệu đồng!

“Trên” vận động, “dưới” ép!

MerjEPBL.jpgPhóng to
Một phiếu thông báo nộp các khoản thu năm 2007 của một xã ở Sóc Trăng. Thông báo có câu: “Yêu cầu ông (bà) nộp đủ theo thời hạn trên. Nếu không chấp hành sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật”
Trong khi đó tại Tiền Giang, phong trào thu tiền đầu xe, tiền đầu công đất cũng bắt đầu khoảng 2-3 năm nay. Mặc dù bị người dân phản đối kịch liệt nhưng “phong trào” chẳng những không dẹp được mà còn được nhân rộng một cách nhanh chóng ra toàn tỉnh.

Ở huyện Gò Công Tây, những ai lỡ sắm được cái máy cày ra đồng dãi nắng dầm mưa kiếm sống cũng bị bắt đóng 300.000 đồng/năm. Tương tự, một chiếc máy tuốt lúa được ấn định mức 300.000 đồng/năm; xe tải nhỏ: 300.000 đồng/năm, xe tải lớn: 500.000 đồng/năm; đất ruộng, đất vườn: 300.000 đồng/ha/năm, XGM: 20.000 đồng/năm... Mới đây, thị xã Gò Công cũng ra nghị quyết vận động đóng góp xây dựng giao thông nông thôn tới năm... 2010!

Mặc dù chủ tịch UBND thị xã cho biết chủ trương chung là vận động nhân dân đóng góp tùy khả năng, nhưng thực tế không phải vậy. Chẳng hạn, ở xã Long Thuận người ta ấn định mức nộp: 20.000 đồng/XGM, 300.000 đồng/ôtô và xe tải nhỏ, 500.000 đồng/xe tải lớn và xe khách. Người dân có đất sản xuất sẽ đóng 300.000 đồng/ha. Mức thu của những hộ kinh doanh sẽ được căn cứ vào thuế môn bài, thấp nhất là 50.000 đồng/hộ/năm. Đối với những hộ không có xe, không có đất sản xuất thì mức thu được ấn định tối thiểu 50.000 đồng/hộ/năm.

Tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, nhiều người đưa đò qua sông, qua kênh cũng bị thu khoản tiền này để... làm đường GTNT. Ông Nguyễn Văn Hùng, phó Ban pháp chế HĐND tỉnh Tiền Giang, cho biết HĐND tỉnh đã nhắc nhở các địa phương ít nhất hai lần về việc này.

Theo ông Hùng, việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng GTNT là chủ trương đúng, nhưng phải đúng nghĩa vận động, nghĩa là ai có khả năng bao nhiêu thì ủng hộ bấy nhiêu. Đằng này có nhiều địa phương ra nghị quyết ấn định mức thu đối với từng hộ, từng loại phương tiện là không đúng. Thậm chí có nơi ra phiếu thu hẳn hoi như thu phí làm người dân không hài lòng. “Cũng vận động dân đóng góp, nhưng cách làm của xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo lại được dân đồng tình. UBND xã họp dân thông báo năm nay làm đường ở ấp nào, kinh phí bao nhiêu, Nhà nước đầu tư bao nhiêu, dân đóng góp bao nhiêu. Người dân sẽ đưa ra hình thức đóng góp sao cho đủ kinh phí làm đường. Làm như vậy là dân chủ. Nếu đặt ra mức thu rồi ép dân đóng là không đúng, phải sửa liền chứ không nên để kéo dài như vậy” - ông Hùng nói.

Vô khu công nghiệp cũng phải nộp phí

aZAjGEsI.jpgPhóng to
Ảnh: V.TR.

TT - Rất nhiều tài xế xe tải cho biết khi đến khu vực Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho và Cụm công nghiệp (CCN) Trung An của tỉnh Tiền Giang, họ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tấm biển to tướng qui định mức thu phí đặt tại đường nội bộ KCN Mỹ Tho. Giang - một tài xế xe chở cá - nói rằng trước đây anh chỉ phải nộp phí qua cầu, qua phà hay đường (có trạm thu phí), nhưng đây là lần đầu tiên anh phải nộp thêm loại phí khi... vào khu vực KCN! Bảng thông báo ghi rõ mức thu phí này do Công ty Phát triển hạ tầng các KCN Tiền Giang tự qui định, áp dụng đối với các phương tiện vận tải trung chuyển hàng hóa và đậu đỗ qua đêm tại KCN Mỹ Tho và CCN Trung An.

Mức thu được ấn định: phương tiện vận tải bốc dỡ hàng hóa từ ghe, tàu lên xe và ngược lại thu 20.000 đồng/chuyến đối với xe 7 tấn; 50.000 đồng/chuyến đối với xe dưới 15 tấn và 100.000 đồng/chuyến đối với xe trên 15 tấn. Các phương tiện đậu đỗ (kể cả qua đêm) trên đường nội bộ KCN Mỹ Tho và CCN Trung An phải nộp 10.000 đồng/xe.

__________________________

Kỳ sau:Chạy trời không khỏi nắng

VÂN TRƯỜNG - ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên