09/09/2004 05:14 GMT+7

Nhân tài không thiếu, nhưng...

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TT - Trong số hơn 400 ý kiến đầy tâm huyết của bạn đọc gửi về tham gia diễn đàn “Nhân tài ở đâu?” (phát động từ ngày 2-8-2004), không có một ý kiến nào cho rằng VN hiện không có nhân tài.

Diễn đàn Nhân tài ở đâu?

Tổng kết diễn đàn "Nhân tài ở đâu?":

Thông minh, hiếu học, cầu tiến, cần cù, chịu khó..., những phẩm chất đó đã giúp người VN thời nào cũng có người tài giỏi đủ sức gánh vác việc lớn. Cứ hễ đất nước gặp cơn biến động cần người tài thì lập tức có ngay bao người xuất hiện, góp sức mình đưa đại cuộc đi lên.

Nhưng hầu như cũng không một ý kiến nào tin rằng dự án thí điểm đào tạo 700 nhân tài trong sáu năm tiêu tốn khoảng 325 tỉ đồng VN và từ 11 - 45 triệu USD sẽ thành công như ý, ít nhất về hai việc: tốn kém như thế nhưng thật sự sẽ cho ra được bao nhiêu nhân tài đây (học hàm học vị chưa chắc đã là nhân tài), và những nhân tài này rồi sẽ có về nước làm việc hay không, làm cho ai, và có làm được việc hay không trong một cơ chế chưa thật sự trọng dụng người tài như hiện nay.

Vâng, 30 năm sau ngày hòa bình, điều oái oăm là chúng ta vẫn chưa có được một định chế thật sự biết trọng dụng người tài để từ đó lôi kéo được thêm nhân tài đến với mình, gần như cũng là ý kiến đồng nhất gửi về.

Vấn đề là ở chỗ đó. Biết trọng dụng người tài chính là điều mà hầu như ý kiến nào cuối cùng rồi cũng động tới. Chúng ta đã cần trước hết là những người có quá trình, những người tốt, những người có thể tin cậy được... trong suốt một thời gian dài, để cuối cùng việc ưu tiên sử dụng những người như thế như đã trở thành quán tính. Tai hại hơn, ở khắp nơi hiện nay người ta đã coi những vị trí công việc như là món quà để dành sẵn, để ban phát, mà không hề chú ý người được thụ hưởng liệu có đủ năng lực để đáp ứng hay không.

Sự bao cấp đã bao lên mọi thứ, kể cả quyền lực. Hậu quả như thế nào thì mọi người đều biết: nó không chỉ gây tác hại cho công việc của chỉ một người mà còn có ảnh hưởng dây chuyền cho nhiều người, nhiều việc và cho cả lòng tin của thế hệ trẻ: tôi có tài mấy đi nữa nhưng nếu tôi không có thần có thế có tiền... thì cũng còn lâu cái tài của tôi mới tìm được nơi trọng dụng!

(Một số ý kiến cũng nhấn mạnh đến chuyện cái tâm, cái đức của người tài, nhất là trong thời buổi thực dụng ngày nay. Nhưng cũng có vài ý cho rằng người tài chân chính phải là người luôn có sẵn ý muốn phục vụ - ngày xưa vẫn gọi nhân tài là “người hiền” - và người tài thật ra không phải quan trọng lương cao bổng hậu - chỉ cần tương xứng - mà quan trọng ở chỗ được đối xử như thế nào, có được coi trọng và phát huy khả năng của mình hay không).

Thế thì một cơ chế biết sử dụng nhân tài phải như thế nào? Hầu hết ý kiến đều nói tới sự chuẩn mực, và quan trọng nhất là công bằng, công khai trong tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng... nguồn nhân lực. Chuẩn mực là ai muốn làm công việc nào thì phải đủ những tiêu chuẩn gì, công bằng là cứ ai đạt được chuẩn cao hơn thì sẽ được ưu tiên sử dụng, và công khai là việc tuyển dụng đó phải được công bố cho mọi người có đủ chuẩn đều được quyền tham dự, thi tài...

Diễn đàn “Nhân tài ở đâu?” cứ ngỡ rằng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, hóa ra cuối cùng hầu như cùng đạt sự đồng thuận cao nên quá khó chọn đăng. Xin tạm kết thúc ở đây và chân thành cảm ơn tất cả bạn đọc đã nhiệt tình tham gia diễn đàn.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên