09/06/2006 17:05 GMT+7

"Tàn" hay "khuyết"

THS VÕ T. HOÀNG YẾN (Giám đốc Chương trình khuyết tật và phát triển - Đại học Mở TP.HCM)
THS VÕ T. HOÀNG YẾN (Giám đốc Chương trình khuyết tật và phát triển - Đại học Mở TP.HCM)

TTCT - Tôi có dịp tham dự một số cuộc hội thảo và hết sức ngạc nhiên khi nghe một số cán bộ trung ương dùng cụm từ “người tàn tật khuyết tật”. Khi hỏi ra mới biết rằng các bộ vẫn chưa thống nhất là sẽ dùng từ “tàn tật” hay “khuyết tật”.

o0Hav0T9.jpgPhóng to
TTCT - Tôi có dịp tham dự một số cuộc hội thảo và hết sức ngạc nhiên khi nghe một số cán bộ trung ương dùng cụm từ “người tàn tật khuyết tật”. Khi hỏi ra mới biết rằng các bộ vẫn chưa thống nhất là sẽ dùng từ “tàn tật” hay “khuyết tật”.

Bộ Giáo dục & đào tạo ủng hộ từ “khuyết tật”. Bộ Lao động - thương binh & xã hội muốn giữ từ “tàn tật”. Bộ Y tế thì không nêu chính kiến.

Hiện nay, Bộ Lao động - thương binh & xã hội đang xây dựng bộ luật liên quan đến người khuyết tật (NKT) nhưng vẫn chưa thống nhất được sẽ gọi “tàn tật” hay “khuyết tật”. Cộng đồng NKT đang lo rằng nếu bộ luật được gọi là “Luật tàn tật” thì cụm từ “tàn tật” sẽ mãi mãi đi theo họ.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, có ba mức độ: khiếm khuyết (impairment), khuyết tật (disability) và tàn tật (handicap). “Khiếm khuyết” đề cập đến sự mất mát hoặc không bình thường của cấu trúc cơ thể, chúng có thể liên quan đến tâm lý, sinh lý hoặc giải phẫu học. “Khuyết tật” đề cập đến sự giảm thiểu chức năng hoạt động, là hậu quả của sự khiếm khuyết.

Và “tàn tật” đề cập đến tình thế bất lợi hoặc thiệt thòi của NKT do tác động của môi trường xung quanh lên tình trạng khuyết tật của họ (WHO, 1999). Còn theo quan điểm của Tổ chức Quốc tế NKT, NKT trở thành “tàn tật” là do thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như thành viên khác của xã hội (DPI, 1982).

Có thể lấy ví dụ về một người bị sốt bại liệt để minh họa. Di chứng sốt bại liệt làm người này bị yếu và teo cơ chân: đây là sự khiếm khuyết. Chân yếu nên người này không thể đi lại được: đây là sự khuyết tật (trong ví dụ này sự khuyết tật liên quan đến vận động). Nếu người này có xe lăn để di chuyển, đi học, rồi tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân mình giống như những thành viên khác của xã hội, anh ta chỉ là NKT.

Nhưng nếu anh ta không thể đi học được do không thể lên được những bậc thang lầu (rào cản về kiến trúc), và cũng không có chính sách phù hợp để hỗ trợ học sinh khuyết tật (rào cản cơ chế) hoặc nhà trường cũng không muốn tiếp nhận học sinh khuyết tật vì sẽ ảnh hưởng đến điểm thi đua của trường (rào cản về thái độ), anh ta trở thành người tàn tật. Tàn tật vì anh ta không được học hành để phát triển được hết khả năng của mình và có được nghề nghiệp ổn định. Tàn tật vì anh ta phải sống dựa vào các thành viên khác trong gia đình hoặc dựa vào trợ cấp xã hội trong khi vẫn còn khả năng cống hiến cho xã hội.

Sự tàn tật còn mang tính tình huống (handicap situation). Trong hoàn cảnh hay môi trường này anh là NKT, nhưng trong một hoàn cảnh hay môi trường khác, do những cản trở làm giới hạn hoạt động, anh trở thành người tàn tật. Thí dụ như một người khiếm thị ở tại nhà mình hay tại cơ quan mình, anh ta chỉ là NKT vì có thể tự mình làm tất cả mọi điều cần thiết. Nhưng ở một nơi công cộng thiếu những bảng chỉ dẫn bằng chữ nổi hay lề đường có chỉ báo, không thể xoay xở một mình, anh ta trở thành người tàn tật.

Nếu nhìn vào sự phân loại thì chúng ta thấy rằng các bộ đều có thể sử dụng khái niệm khuyết tật này cho ngành của mình. Ngành y tế có thể quan tâm “giới hạn chức năng” về thể lý. Ngành kinh tế có thể đo “giới hạn chức năng” trong việc thực hiện một vai trò hay công việc cụ thể nào đó. Các ngành liên quan đến chính trị, xã hội, giáo dục và môi trường có thể chú ý ngăn ngừa sự “tàn tật” bằng cách giảm bớt những rào cản trong môi trường để NKT có thể phát triển hết khả năng của họ mà hòa nhập xã hội.

Là một NKT, tôi rất khó chịu trước cụm từ “tàn tật”. Trong những lần trao đổi với bạn bè, tôi cũng từng thăm dò quan điểm của họ về hai cụm từ tàn tật và khuyết tật, các bạn tôi đều cho rằng từ tàn tật không mang tính tích cực. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chia sẻ rất hay của anh Trần Bá Thiện cách đây không lâu trên Tuổi Trẻ Online: “Tàn tật thì sẽ cùng nhóm với tàn phai, suy tàn... Tàn mang hàm ý suy kiệt dần, chết dần. Khuyết nói về một cái gì đó thiếu đi và không hoàn chỉnh.

Thế thì tàn tật sẽ mang hàm ý một cuộc đời không còn tương lai và sống chỉ để chờ chết. Khuyết tật lại mang hàm ý người ấy chỉ thiếu một chức năng và vẫn còn nhiều chức năng hữu ích khác”. Hay ý kiến của linh mục Phan Khắc Từ: “Tôi nghĩ rằng anh em khuyết tật vẫn còn tương lai. Nếu gọi họ là tàn tật thì cái chữ tàn nó giết mất tương lai của anh em”.

Trong qui chuẩn về việc tạo công bằng cơ hội cho NKT (UN, Resolution 48/96) có nhấn mạnh rằng NKT và đại diện của họ cần được tham vấn trước khi những nhà chính sách đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của NKT. Thế ở nước ta, NKT có thể đóng góp ý kiến của mình cho việc xây dựng bộ luật liên quan đến chính họ hay không?

TP.HCM, 3-6-2006

THS VÕ T. HOÀNG YẾN (Giám đốc Chương trình khuyết tật và phát triển - Đại học Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên