27/12/2018 17:34 GMT+7

700 đại biểu ngành giáo dục cả nước họp bàn về lý tưởng, đạo đức

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ
MINH GIẢNG - NGỌC HÀ

TTO - Hơn 700 đại biểu đến từ các sở GD-ĐT và các nhà trường đã cùng nhau bàn về việc giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 27-12.

700 đại biểu ngành giáo dục cả nước họp bàn về lý tưởng, đạo đức - Ảnh 1.

Nhiều trường thiếu khuôn viên để học sinh tập thể dục như thế này mà phải tập ngay tại lớp học - Ảnh: D.P.

Bà Nguyễn Thị Thúy - phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho rằng muốn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh mà môi trường xã hội chưa thực sự an toàn sẽ rất khó.

Với Quảng Ninh, cùng với việc lọt vào top 4-5 toàn quốc về thu ngân sách quốc gia, thì mặt trái của sự phát triển có tác động mạnh đến giáo dục đạo đức lối sống là tình hình tội phạm cũng đứng thứ 4, thứ 5 cả nước.

"Môi trường xã hội còn nhiều phức tạp. Khi môi trường xã hội chưa an toàn, lành mạnh, thì làm sao môi trường trong nhà trường an toàn, lành mạnh được?" - bà Thúy trăn trở.

Thiếu cán bộ chuyên trách

Theo bà Thúy, trong thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Ninh triển khai nhiều hoạt động để tăng cường giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, nhưng khâu được chọn đột phá là tập trung bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Nếu so với các địa phương khác, thì Quảng Ninh "còn tiềm ẩn những khó khăn lớn hơn nhiều".

Đại diện sở GD-ĐT Quảng Ninh kiến nghị cần có sự quan tâm hơn nữa của Bộ GD-ĐT, các cơ quan để xây dựng đội ngũ cán bộ nhà giáo đầy đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Trong khi đó, vai trò giáo dục lý tưởng sống, kỹ năng sống để thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh của nhà trường rất quan trọng. Tư vấn trường học sẽ giải quyết hiệu quả các khó khăn trong đời sống tâm lý học sinh, phòng ngừa kịp thời những tác động tiêu cực có thể gây bất ổn cho học sinh.

Tuy nhiên cái khó của các trường hiện nay đó là việc thiếu đội ngũ cán bộ chuyên trách tư vấn học đường.

Bà Bùi Thị Diễm Thu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết từ năm 2008 sở đã chỉ đạo các trường bố trí giáo viên tư vấn chuyên trách nhưng đến nay rất ít trường thực hiện được. Bà Thu đưa ra 2 lý do: lực lượng giáo viên tâm lý tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu và chế độ đãi ngộ, lương chưa thu hút lực lượng có chuyên môn và nghiệp vụ.

Trong bối cảnh đó, nhiều trường đã vận động nguồn xã hội hóa ngay từ chính các phụ huynh để hỗ trợ công tác tư vấn. Ngoài việc trang bị cho các phòng tư vấn tại các trường, hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng thêm cho tư vấn viên, một số phụ huynh có chuyên môn về tâm lý, y khoa cũng trực tiếp tham gia tư vấn.

Cũng gặp khó khăn về đội ngũ cán bộ chuyên trách, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận - cho biết đội ngũ phụ trách đội còn thiếu, nhiều tổng phụ trách đội đã lớn tuổi nên sự năng động bị hạn chế. Trong khi đó cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động của học sinh còn thiếu.

"Cơ sở vật chất thiếu thốn, việc triển khai các hoạt động giáo dục, tuyên truyền triển khai khó khăn, chậm. Trong khi đó, đa số người dân lại có điện thoại thông minh và học sinh có thể tiếp cận nhanh hơn với các thông tin trên mạng, trong đó có nhiều thông tin không tốt, bạo lực ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của các em" - bà Thắng nói thêm.

Nhắc lại câu chuyện thời sự cô giáo ở Hà Tĩnh bị phát hiện sử dụng chất kích thích, thầy giáo ở Phú Thọ bị bắt vì nghi xâm hại học sinh, đại diện Ban Thanh niên quân đội cho rằng dù đó là số ít, nhưng rất đau lòng. Vì vậy, cần bổ sung, tăng cường hơn nội dung giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho đội ngũ "máy cái" bên cạnh việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các thầy cô…

"Khoán trắng" cho trường

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên không chỉ là câu chuyện trong khuôn viên nhà trường, mà cần sự hợp sức của cả gia đình và xã hội.

Theo ông Bùi Văn Linh - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị học sinh sinh viên Bộ GD- ĐT, một trong những trọng tâm của công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt thì ở nhiều nơi, sự phối hợp này chưa chặt chẽ do nhận thức và hoàn cảnh của các bậc phụ huynh, lãnh đạo địa phương, nhà trường là rất khác nhau.

"Vẫn có những phụ huynh học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của cơ sở giáo dục, nhất là còn tư tưởng "khoán trắng" con em mình cho thầy cô, trường học. Cá biệt còn có hiện tượng phụ huynh, người ngoài xã hội thâm nhập vào trường học uy hiếp, có hành vi bạo lực với thầy cô giáo, người học" - ông Linh nói.

Một số đại biểu cho rằng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên rất quan trọng, nhưng ở nhiều nhà trường việc này vẫn bị xem là thứ yếu, không được coi trọng đúng mức. TS Nguyễn Tất Thắng - ĐH Thái Nguyên, nhận xét ở cấp phổ thông, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình về cơ bản chủ yếu chỉ xoay quanh điểm số học sinh đạt được bao nhiêu.

Thành ra, chỉ cần học sinh bị điểm kém là nhà trường ép xuống, phụ huynh ép vào, bằng mọi giá để tìm cách để học sinh đạt điểm cao hơn. Áp lực ấy có thể dẫn đến việc học sinh bỏ nhà ra đi, rồi nhảy lầu… như đã từng xảy ra.

"Nếu chỉ chăm chăm điểm số là bao nhiêu thì sẽ không thể đạt được hiệu quả giáo dục" - ông Thắng nói.

Tập thể dục tại… lớp học

Ông Bùi Văn Linh cho biết cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở giáo dục đã được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập của học sinh. Tuy nhiên, nhiều trường còn thiếu cơ sở vật chất, phải học 2 ca/ngày, sĩ số mỗi lớp quá đông.

Nhiều trường phổ thông có khuôn viên hẹp, động học sinh nên việc tập thể dục giữa giờ được chia luân phiên theo khối lớp cho các ngày trong tuần, còn lại tự tập tại chỗ ở khu vực lớp học, hành lang, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu rèn luyện sức khỏe của học sinh.

Bao giờ giáo dục được ủng hộ Bao giờ giáo dục được ủng hộ 'cuồng nhiệt' như bóng đá?

TTO - Chỉ khi nào nhận được sự ủng hộ, đồng hành, chia sẻ của từng nhà giáo, từng phụ huynh và từng học sinh, nền giáo dục nước nhà mới thực sự chuyển biến mạnh mẽ.

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên