27/04/2013 00:07 GMT+7

Yêu nhầm kẻ ác

QUỲNH ANH
QUỲNH ANH

TT - “Vì sao bị cáo giết chị T.?”. “Bị cáo hết tiền”. “Chỉ vì chiếc xe máy mà bị cáo đang tâm giết người mình yêu thương?”.

Bị cáo lặp lại: “Vì hết tiền...”. Không gian đang yên lặng của phòng xét xử như nứt toác ra bởi hàng trăm người tham dự phiên tòa ồ lên bày tỏ nỗi kinh sợ tội ác.

Xwru46Uk.jpgPhóng to
Bị cáo Lê Phước Tuấn - Ảnh: Quỳnh Anh

Phòng xét xử lưu động tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế ken chặt người. Ngoài hành lang cũng không còn khoảng hở. Nhưng không người thân nào của bị cáo có mặt. Cha mẹ, anh chị em của nạn nhân N.T.H.T. ngồi sát vào nhau. Người cha hốc hác, tiều tụy. Người mẹ loang lổ nước mắt. Người chị gục vào di ảnh em gái...Dường như họ đã bị nỗi đau đông cứng lại. Con gái nhỏ xíu của T. nép trong lòng người cậu, ánh mắt ngơ ngác.

Bị dẫn giải vào phòng xét xử, khi ngang qua hàng ghế của người nhà nạn nhân, bị cáo bất giác cúi mặt.

Máu lạnh

Nạn nhân T., 25 tuổi, đã một lần lỡ làng. Chị cùng con gái 7 tuổi sống với cha mẹ tại TP Đà Nẵng. Cuối năm 2010, T. có quan hệ yêu đương với Lê Phước Tuấn, 32 tuổi, trú tại thôn Vân Trình, xã Phong Bình, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo cáo trạng, trên đường từ Đà Nẵng ra Huế, đến thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, T. kêu mệt nên Tuấn tìm khách sạn nghỉ. Tại đây, Tuấn nảy sinh ý định giết T. cướp xe máy. Cáo trạng ghi lại những hành vi giết người quyết liệt đến cùng của bị cáo, ghê sợ đến mức tôi không thể nào kể lại được ra đây, mặc dù nạn nhân đã gắng sức chống trả mong tìm cho mình một con đường sống.

Ánh mắt người bố trừng trừng. Mắt người mẹ dại đi. Cậu em trai nắm chặt tay thành nắm đấm, cố kìm nén. Chị gái nạn nhân uất nghẹn: “Giết em tôi xong hắn lấy xe vào Đà Nẵng, sau đó thản nhiên ra lại Lăng Cô, đem xe đi cầm lấy 15 triệu đồng đánh bạc. Khi ra nhận xác, thấy con thân thể mặt mũi máu me, bầm giập, mẹ tôi ngất xỉu. Em tôi chết tức tưởi quá...”.

Điều đau xót với những người trong gia đình nạn nhân là khi con mình đã thiệt mạng, đến phiên tòa nghiệt ngã này họ mới biết mặt mũi của người T. yêu. Theo lời kể của chị nạn nhân, do dang dở nên T. khao khát yêu thương. T. tâm sự có nhận lời yêu một thanh niên người Huế. T. nhiều lần mời người yêu về nhà chơi, ra mắt gia đình nhưng anh này chưa lần nào về. Mỗi lần thăm T., anh ta chỉ đến nơi T. làm việc hoặc gọi điện thoại hẹn hò.

Những tình tiết về nhân thân bị cáo được làm rõ tại phiên tòa. Theo đó, năm học lớp 9 thì bố mẹ ly hôn, Tuấn ở với ông bà nội. Tốt nghiệp THPT, Tuấn nhập ngũ và được đi học lớp trung đội trưởng tại Trường quân sự Quân khu 4 ở Nghệ An, sau đó chuyển về công tác tại tiểu đoàn 1 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cấp hàm trung úy, chức vụ trung đội trưởng. “Dính” bài bạc, Tuấn sa vào trộm cắp, bị xử phạt tù. Ra tù, Tuấn bị quyết định kỷ luật tước danh hiệu quân nhân. Từ đây thêm hai lần nữa Tuấn bị kết án vì trộm cắp. Ra tù giữa năm 2010 thì cuối năm ấy Tuấn được T. nhận lời yêu. Nhưng cùng lúc với T., Tuấn còn quan hệ với một cô gái khác ở tỉnh Quảng Ngãi và có con với cô này.

Ôm di ảnh con gái trong đó T. đang cười tươi rói, cha mẹ nạn nhân gục xuống, đau xót thêm bội phần. Day dứt của họ không bao giờ được giải đáp, rằng T. đã bao giờ biết chân tướng người mình yêu? Nếu biết, có thể T. đâu đến nỗi phải mất mạng.

Nhìn đứa trẻ mệt nhừ gà gật ngủ giữa bức bối, chiếc mũ tang tuột ra phía sau lộ lớp tóc dính bết mồ hôi, người dì ứa nước mắt: “Thời gian em tôi mới mất, nó nhớ mẹ khóc suốt. Mỗi lần như vậy người nhà tôi dỗ “mẹ đang ở trên trời”. Sau này cứ mỗi lần hỏi mẹ con đâu rồi, nó lại tự nói một mình: mẹ ở trên trời đang nhìn xuống con, rồi ngước mặt lên trời, giơ tay chào tạm biệt mẹ. Như vậy có xót xa không...”.

Xin được sống

Suốt quá trình hội đồng xét xử thẩm vấn, bị cáo khai nhận rành mạch hành vi phạm tội, mắt ráo hoảnh. Nhưng khi nghe vị đại diện viện kiểm sát luận tội, đề nghị mức hình phạt tử hình, bị cáo bất chợt khuỵu xuống, bật khóc. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng do ba mẹ ly hôn, Tuấn thiếu sự giáo dục nên dẫn đến hành vi sai lầm, mong tòa xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.

Thấm thía nỗi sợ hãi, bị cáo nói lạc giọng: “Bị cáo có một đứa con mới hơn 5 tháng tuổi. Bị cáo đã sống trong hoàn cảnh bị cha mẹ bỏ rơi nên mới như thế này. Nếu con bị cáo không có cha thì không biết sẽ ra sao? Xin cho bị cáo một cơ hội để con bị cáo không mất cha”. Chị gái nạn nhân kêu: “Con hắn không cha nhưng còn có mẹ. Cháu tôi đã không cha, bây giờ mẹ nó lại bị hắn cướp mạng sống, trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ thì sao?”.

Đại diện viện kiểm sát tranh luận với luật sư: Tuy có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, nhưng Tuấn được cho học hành tử tế, đã được tin tưởng, trao nhiều cơ hội. Để trượt dốc ngày càng nghiêm trọng là do bị cáo thiếu rèn luyện, sống bừa bãi, bản chất của bị cáo không có khả năng cải tạo nên cần áp dụng mức hình phạt thỏa đáng.

Chị gái nạn nhân cũng “yêu cầu xử bị cáo mức án cao nhất, để lấy công bằng cho em tôi, gia đình tôi và làm gương cho người khác”. Khi được cho phép nói lời sau cùng, bất ngờ bị cáo quay người về phía gia đình nạn nhân, quỳ sụp xuống lạy, nhưng đã bị công an ngăn lại. Cũng không vì hành động đó mà ánh mắt cha, mẹ... nạn nhân nhìn bị cáo bớt đi thù hận.

Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên bị cáo mức án tử hình. Bị cáo mặt tái mét, bủn rủn, lê những bước chân mụ mị ra xe “bít bùng”. Trong cái nắng quá trưa, cô bé 7 tuổi con nạn nhân vừa mệt vừa đói, mếu máo gọi mẹ. Bà ngoại bé lại rớt nước mắt: “Tội nghiệp cháu tôi mồ côi...”.

QUỲNH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên