Để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của trường
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tại hội thảo "Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học", ông Nguyễn Đức Cường - chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay:
Khi tổ chức thanh kiểm tra tại các trường đại học, nếu phạm vi nội dung liên quan đến việc duy trì ngành, mở ngành đào tạo, tất nhiên có kiểm tra danh sách giảng viên.
Các trường phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các văn bằng, hồ sơ của giảng viên. Khi tuyển dụng giảng viên, nhà trường phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan.
Hiện nay có nhiều công cụ để kiểm tra thông tin, xác minh văn bằng, nếu là văn bằng do nước ngoài cấp phải gửi cơ quan kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận.
Còn nếu nhà trường để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của trường. Khi các trường cung cấp thông tin về số liệu danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm… các trường phải chịu trách nhiệm.
* Trong năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu thanh tra việc mở ngành, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ của trường đại học. Qua công tác thanh tra, bộ có phát hiện điều gì bất thường không, thưa ông?
- Tất nhiên trong quá trình thanh kiểm tra rất nhiều năm chắc chắn có phát hiện các sai phạm. Từ năm 2022 và đến tháng 9-2023, số quyết định xử phạt tăng lên đến 94. Số trường hợp bị xử phạt đã tăng đột biến.
Các vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành.
Về việc xác định giảng viên ngành gần, ngành phù hợp, ngành đúng, bộ giao quyền cho các hội đồng khoa học nhà trường làm việc đó.
Về bằng cấp, qua quá trình lịch sử, trước đây có bằng không ghi rõ chuyên ngành cụ thể, chỉ ghi chung là "bằng khoa học kỹ thuật", "bằng khoa học xã hội"…
Nhiều văn bằng các trường nước ngoài cấp cũng vậy.
* Ông cho biết vừa qua Thanh tra bộ phát hiện thực tế hiện nay có những giảng viên đứng tên giảng viên ở nhiều trường đại học. Việc này sẽ xử lý thế nào?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phần mềm quản lý giáo dục, nên biết rõ danh sách đội ngũ của từng trường thế nào. Chẳng hạn, một người đang là giảng viên cơ hữu của một trường không thể là giảng viên cơ hữu trường khác.
Tuy nhiên có một thực tế, hiện nay việc quản lý ở hai hệ thống khác nhau, có những tiến sĩ ở trường cao đẳng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) nhưng đồng thời có tên ở trường đại học. Bên cạnh đó, số giảng viên về hưu cũng có tên ở nhiều trường.
Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống phần mềm để xác định rõ tình trạng này. Từ đó mới có cơ sở xử lý.
* Liên quan đến vụ giảng viên dùng bằng thạc sĩ, tiến sĩ là bằng giả để giảng dạy ở nhiều trường đại học, cao đẳng, Thanh tra bộ có chỉ đạo thanh tra, kiểm tra lại đội ngũ giảng viên các trường?
- Trong công tác thanh tra, các chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch. Việc thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, báo chí phản ánh, cơ quan quản lý chỉ đạo…
Trường hợp cụ thể trên, chúng tôi sẽ yêu cầu các trường liên quan báo cáo, giải trình và xử lý trước. Sau đó chúng tôi sẽ có kiểm tra. Vấn đề này cần có nhiều cơ quan vào cuộc.
Trường được giao quyền tự chủ cao cần phải thanh tra
* Ông nhiều lần nhấn mạnh việc cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ... Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch ra sao và giải pháp gì để tăng cường hiệu quả thanh tra nội bộ ở các cơ sở giáo dục đại học?
- Qua nhiều ý kiến tại hội thảo hôm nay cho thấy để hoàn thiện hệ thống thanh tra nội bộ là yêu cầu bức thiết. Thực tế với gần 300 trường đại học với số lượng giảng viên, quy mô của mỗi trường rất lớn nên sự cần thiết và nhu cầu thanh tra nội bộ là rất lớn.
Để làm tốt việc này trước hết cần có cơ sở pháp lý. Sau khi Luật Thanh tra năm 2022 ra đời và nghị định 43 đã giao thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định về thanh tra nội bộ. Có nghĩa là thủ trưởng các trường đại học phải làm chuyện đó.
Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang đợi nghị định thanh tra chuyên ngành. Chúng tôi mong muốn có nội dung giao cho bộ trưởng quy định vấn đề này. Trên cơ sở đó từng trường có quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý thống nhất.
Khi các trường được giao quyền tự chủ rất lớn tất nhiên cần phải thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó cần có chế độ chính sách cho cán bộ thanh tra. Bây giờ hầu hết thanh tra ở các trường đại học đều là giảng viên kiêm nhiệm, nên cần có quy định quy đổi giờ làm công tác thanh tra sang giờ giảng.
Chúng tôi đã chỉ đạo các trường xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học 2023 - 2024 theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trọng tâm, trọng điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận