Nhà đầu tư tạo tài khoản giao dịch trên sàn SSI ở quận 1 - ẢNH: TRẤN KIÊN
Ngày 26-6, cổ phiếu YEG niêm yết trên sàn HoSE với giá tham chiếu cao kỷ lục 250.000 đồng/cổ phiếu và sau đó còn tăng trần kỷ lục lên 300.000 đồng/cổ phiếu, vượt qua cả những "đại gia" như Sabeco và Vinamilk, đã không thể tránh khỏi những nghi ngờ từ phía thị trường và giới chuyên gia.
Sau gần một tháng giao dịch, cổ phiếu YEG có những phiên điều chỉnh với biên độ rất lớn, dao động từ trên 15.000 đồng - 24.000 đồng/cổ phiếu.
Đặc biệt, có những đợt giao dịch chứng kiến cổ phiếu YEG giảm sàn bốn phiên liên tiếp trước khi tăng trưởng trở lại.
Sau những diễn biến trên, ngày 12-7, Yeah1 đã chính thức phát đi thông cáo "đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả đầu tư" trong kinh doanh và được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố ngày 13-7.
Thông cáo khẳng định mức giá niêm yết là "mức giá phản ánh sự công nhận và kỳ vọng của các nhà đầu tư với hoạt động kinh doanh".
Cho đến ngày 13-7, ngoài tỷ lệ nắm giữ cổ phần của cổ đông sáng lập, có hơn 30 nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang nắm giữ cổ phần tại Yeah1, như DFJ Vinacapital, Ancla Assets Ltd và mới đây là Tập đoàn tài chính Macquarire của Úc.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT của Yeah1, khẳng định cổ phiếu YEG không phù hợp để lướt sóng và việc giải ngân các khoản đầu tư cũng được thông báo chi tiết trong bản cáo bạch công bố ngày 15-6.
Đại diện của Yeah1 cũng thừa nhận việc nhà đầu tư nước ngoài đã lấp đầy 49% room, vì thế lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường còn khá nhỏ do khối ngoại có "xu hướng đầu tư dài hạn".
Yeah1 công bố thông tin trên trong bối cảnh cổ phiếu YEG đã suy giảm hai phiên liên tiếp sau đợt tăng trần ngày 9-7.
Sau khi thông cáo của Yeah1 được HoSE công bố tại phiên giao dịch hôm nay (13-7) thì cổ phiếu YEG đã có cú lội ngược dòng thành công, từ trạng thái "đỏ sàn" chuyển sang tăng nhẹ 1.400 đồng, lên 245.400 đồng/cổ phiếu.
Sự hồi phục của cổ phiếu YEG vào cuối phiên thuận chiều với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán ngày 13-7 khi VN Index đã quay về ngưỡng 900 điểm ngay từ giữa phiên giao dịch buổi sáng và duy trì được thành quả này cho đến khi kết thúc phiên chiều.
VN Index tăng thêm 11,21 điểm, đạt 909,72 điểm nhờ các mã VN30 tăng trưởng áp đảo và thanh khoản toàn thị trường có cải thiện hơn phiên hôm qua (12-7).
Trái ngược với diễn biến của thị trường, mã VNM của Vinamilk lại có một phiên giảm mạnh 2.000 đồng, còn 166.300 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến này bất chấp quỹ ngoại Platinum Victory Pte.Ltd thu gom thành công gần 130.000 cổ phiếu VNM khi kết thúc phiên giao dịch tăng điểm ngày 12-7 và đăng ký mua thêm 14,5 triệu cổ phiếu VNM vào tháng 8.
Mặc dù VN Index hồi phục về sát ngưỡng 910 điểm nhưng các chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư cần quan sát thêm thị trường trong thời gian tới và chờ thông tin từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận