22/04/2015 06:00 GMT+7

Ý kiến trái chiều quanh chuyện áp giải HS ngay trong trường

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - TRÀ MY - TÀI PHONG

TTO - Dư luận mấy ngày qua phản ứng nhiều xung quanh chuyện công an vào trường áp giải một học sinh lớp 12.

Công an TP Buôn Ma Thuột đến Trường THPT Buôn Ma Thuột áp giải Đ.Q.T. - Ảnh gia đình T. cung cấp

Có ý kiến cho rằng việc áp giải là cần thiết, đúng luật, nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng việc áp giải kiểu này là không nên, nhất là trong môi trường sư phạm.

Đ.Q.T. là học sinh lớp 12A2 Trường THPT Buôn Ma Thuột, bị công an vào trường áp giải ngày 2-4.

Công an không thể trì hoãn thi hành án?

Thượng tá Vũ Tiến Thăng - phó trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột - cho biết cơ quan thi hành án đã làm thông báo gửi Tòa án nhân dân TP Buôn Ma Thuột - cơ quan ra quyết định thi hành án về sự việc của T.. 

"Hội đồng pháp chế trả lời rằng bản án có hiệu lực ngay sau khi tòa tuyên", ông Thăng nói. Vì thế, cơ quan thi hành án đã tiến hành các biện pháp để áp giải chứ không thể trì hoãn việc thi hành án đến khi T. thi xong tốt nghiệp. 

>> Thượng tá Vũ Tiến Thăng

Theo lời kể của một lãnh đạo Trường THPT Buôn Ma Thuột thì sáng 2-4, công an mặc sắc phục cùng xe đặc chủng đến trường. Thấy xe như thế vào trường không hay lắm nên trường mời đưa xe đặc chủng ra ngoài.

“Tôi thấy cách ứng xử của công an trong việc áp giải em T. cũng không hay. Công an có nhiều biện pháp, sao lại chọn trường học để áp giải…?”, cán bộ này đặt câu hỏi.

Cải tạo giáo dục hay làm tổn thương?

Đó là nhận định của luật sư Phan Trung Hoài về câu chuyện cán bộ thực thi pháp luật vào trường học áp giải học sinh.

Luật sư Phan Trung Hoài phân tích trong quy định pháp luật nói chung và tố tụng hình sự nói riêng có chương riêng về chính sách dành cho người chưa thành niên phạm tội. Lứa tuổi này còn non nớt, chưa có sự phát triển đầy đủ về mặt thể chất cũng như trạng thái tâm lý.

Người thực thi công vụ luôn phải cân nhắc giữa thực hành chức năng tố tụng: triệu tập, khám xét, dẫn giải... và môi trường tiến hành.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, việc vào trường áp giải là không sai nhưng chưa tính đến những yếu tố như điều kiện tâm lý, sự tác động đối với học sinh trong nhà trường.

“Chủ yếu là nhận thức giữa quy định luật pháp và biện pháp áp dụng. Nhận thức giữa chính sách nhà nước và người thực thi phải tính đến các điều kiện, tránh những hành động phản cảm và gây bức xúc trong gia đình, cùng những tổn thương đến học sinh”, luật sư Phan Trung Hoài nói.

Luật sư Phạm Thanh Bình nhận định việc áp giải là đúng pháp luật nhưng cách làm và thời gian tiến hành chưa thật sự hợp lý, còn thiếu thận trọng.

“Không phù hợp về thời gian vì đây là thời điểm các em học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp. Điều không phù hợp thứ hai là tội mà em T mắc phải là tội vô ý, ít nghiêm trọng nên cũng không nhất thiết phải bắt thi hành án ngay”, luật sư Phạm Thanh Bình phân tích.

>> Luật sư Phạm Thanh Bình 

Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng việc vào trường áp một học sinh lớp 12 đang trong giờ học sẽ gây nên những tác động tâm lý đối với giáo viên và học sinh của nhà trường.

>> Luật sư Phạm Thanh Bình 

Đồng quan điểm, LS Đàm Quốc Chính - giám đốc Công ty luật Chính Nhân chi nhánh Tây nguyên cho biết việc áp giải T. trước mặt thầy cô giáo, bạn bè cùng trang lứa sẽ để lại hậu quả tâm lý vô cùng lớn đối với học sinh này.

>> Luật sư Đàm Quốc Chính

Cần thận trọng vì vấn đề tâm lý

Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng có thể có những cách làm tế nhị và mang tính giáo dục cao hơn. “Công an có thể chọn cách tế nhị hơn để thực hiện”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc vào trường áp giải có thể làm tổn thương danh dự của em học sinh ấy.

“Càng giảm sự tổn thương đi bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, bởi không chỉ xét trên khía cạnh pháp luật mà còn là sự nhân văn giữa con người với con người”, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

>> TS Nguyễn Tùng Lâm

[AUDIO id=1429601985748 alt=]//static.tuoitre.vn/tto/r/2015/04/21/OZwnrNpw.mp3&_site=tuoitre" data-width="650px" data-height="255px" id="audioid_1429606201602" audioid="1429606201602" style="position: relative; z-index: 100; left: 0px; top: 0px;">

Chuyên gia tâm lý - xã hội học Phạm Thị Thúy cũng có cùng nhận định. Bà Thúy cho rằng việc áp giải học sinh ngay tại trường có ảnh hưởng rất lớn đến tập thể. Danh dự và hình ảnh của nhà trường rõ ràng sẽ bị ảnh hưởng từ hành động áp giải học sinh này.

>>  ThS Phạm Thị Thúy 

ThS Phạm Thị Thúy cho rằng những tác động tâm lý đến cá nhân học sinh bị áp giải mới là điều đáng lo hơn cả.

ThS Phạm Thị Thúy nói: “Sự dán nhãn của xã hội rất kinh khủng, đôi khi có thể khiến cơ hội hoàn lương, cơ hội sửa đổi chính mình của em học sinh ấy bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Cũng theo Th.S Thúy, pháp luật có tính răn đe và giáo dục nhưng việc áp giải này đôi khi lại gây hại nhiều hơn đối với các bạn học sinh và tương lai của người phạm tội.

>>  Th.S Phạm Thị Thúy 

Nhiều bạn đọc chưa đồng ý việc công an áp dụng hình thức áp giải ngay trong giờ học của học sinh.

Bạn đọc Ngô Mạnh Tuấn nói: "Học sinh này không phải là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, em vẫn đi học bình thường chứng tỏ không có dấu hiệu bỏ trốn. Như vậy có cần phải áp dụng hình thức bắt khẩn cấp tại trường học không?".

Bạn đọc Phamhoang viết: Có thể bắt tội phạm bất cứ đâu nhưng bắt tội phạm trong môi trường giáo dục có nên không? Công an có cách nào áp giải ngoài nhà trường được không? Nhiều cách khác hay hơn sao không thực hiện?

Bạn đọc Thiên Tuế cho rằng muốn cải tạo tốt một con người hãy bắt đầu từ phương pháp giáo dục thân thiện, việc bắt một học sinh giải đi giữa tất cả bạn bè của em này sẽ gây nên cú sốc tâm lý cho người bị bắt và học sinh trong trường.

Sự việc T. bị bắt đi thi hành án bắt đầu vào một buổi trưa hơn hai năm trước. Khoảng 11g15, trên đường đi học về đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Trường Chinh (TP Buôn Ma Thuột), T. chạy xe 50cm3 vượt lên xe ông Lê Phước Thọ (70 tuổi, ở P.Thành Công, TP Buôn Ma Thuột).

Bất ngờ ông Thọ rẽ trái mà không xin đường, va quẹt vào xe của T.. Cả hai cùng té ngã ra đường, ông Thọ bất tỉnh, T. bị sây sát nên đưa nạn nhân đi bệnh viện.

Bản kết luận pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk ngày 8-10-2012 xác định ông Thọ bị chấn thương sọ não, liệt 1/2 người trái, thương tích 50% (tạm thời ba tháng).

Khoảng sáu tháng sau, ngày 25-3-2013, T. bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột khởi tố về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (cho tại ngoại).

Bản kết luận điều tra của Công an TP Buôn Ma Thuột nhận định nguyên nhân gây ra tai nạn là do T. điều khiển xe máy khi vào đường giao nhau (Trần Hưng Đạo - Trường Chinh, có vòng xuyến) đã vượt xe ông Thọ lưu thông phía trước không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, ông Thọ cũng có lỗi khi điều khiển môtô chuyển hướng bất ngờ đã thiếu quan sát nên gây tai nạn giao thông.

Ngày 20-5-2014, TAND TP Buôn Ma Thuột đã tuyên phạt T. 6 tháng tù cho hưởng án treo, bồi thường cho gia đình ông Thọ hơn 56 triệu đồng.

Ngày 8-8-2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm tuyên phạt T. 9 tháng tù giam và bồi thường cho gia đình ông Thọ hơn 56 triệu đồng.

Ngay sau đó gia đình T. có đơn gửi Viện KSND, TAND tối cao để kêu oan. Gia đình T. cũng có đơn gửi chánh án TAND TP Buôn Ma Thuột xin cho T. được hoãn thi hành án để tiếp tục học tập, thi cử và chờ phúc đáp của tòa án, Viện KSND tối cao.

Tuy nhiên, chánh án TAND TP Buôn Ma Thuột đã từ chối cho T. được hoãn thi hành án và yêu cầu Công an TP Buôn Ma Thuột phải thực hiện quyết định.

HÀ BÌNH - TRUNG TÂN

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên