20/09/2017 15:46 GMT+7

Phải rút kinh nghiệm về sự dễ dãi trong đánh giá, bổ nhiệm

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, các cán bộ lão thành nhận định các vi phạm mà Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận đối với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bộc lộ sự dễ dãi, chủ quan trong công tác cán bộ.

Phải rút kinh nghiệm về sự dễ dãi trong đánh giá, bổ nhiệm - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Thưởng - Ảnh: TT

Ông Lê Quang Thưởng (nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương): Dễ dãi đề bạt, thiếu giám sát và rèn luyện cán bộ

Tôi quan sát dư luận từ sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận về vi phạm diễn ra tại Thành ủy Đà Nẵng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và một số vụ việc khác, thấy có những ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung là hoan nghênh quyết tâm và sự quyết liệt khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

Nhân dân cũng thấy rõ quyết tâm, bản lĩnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, tha hóa và bước đầu cảm nhận cuộc đấu tranh này đúng là "không có vùng cấm".

Riêng về vi phạm của bí thư Thành ủy Đà Nẵng, chúng ta đều biết đây là một người còn rất trẻ, con của một vị từng là ủy viên Bộ Chính trị giữ trọng trách lớn trong Đảng. Có lẽ xuất thân của người này khiến những người làm công tác tổ chức có phần nể nang, châm chước trong đánh giá khi đề bạt, bổ nhiệm. 

Có thể có tư tưởng chủ quan rằng là con một gia đình như vậy thì tốt rồi, chuyện bằng cấp yên tâm, nên không xem xét, rà soát kỹ.

Đà Nẵng là một TP trực thuộc trung ương, có vị trí rất quan trọng, vậy mà bố trí một cán bộ trẻ như vậy, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng như vậy, là bài học rất lớn trong công tác cán bộ.

Trước hết phải rút kinh nghiệm về sự dễ dãi trong đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm. Một người còn trẻ, học hành như vậy, mà trong thời gian ngắn đã kinh qua hết chức vụ này đến chức vụ khác, "lên" nhanh như diều, ngồi ghế lãnh đạo TP lớn dễ dàng quá. Một cán bộ trẻ như vậy đã trải qua quá trình rèn luyện, rèn giũa thế nào? 

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Những cơ quan, những người làm công tác tổ chức cán bộ của Đảng, trực tiếp là với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, đã làm tròn trách nhiệm chưa, có vấn đề gì không?

Đây cũng là bài học về dân chủ trong Đảng: Cần phải phát huy dân chủ mạnh mẽ hơn nữa, tiếng nói của các thành viên trong ban chấp hành, trong thường vụ, các đảng viên bình thường, cần được lắng nghe, tôn trọng hơn. Việc giám sát quyền lực ngay trong nội bộ Đảng cũng cần được đề cao, làm thực chất. Từ dân chủ trong Đảng, phải mạnh mẽ mở rộng dân chủ trong nhân dân. 

Tôi có thể khẳng định, cán bộ sống thế nào, phẩm chất ra sao, người dân sống xung quanh họ biết cả đấy.

Ông Lê Quang Thưởng

Phải rút kinh nghiệm về sự dễ dãi trong đánh giá, bổ nhiệm - Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: TT

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội): Bằng cấp không được công nhận, sao bây giờ mới biết?

Những động thái, kết quả làm việc, kết quả xử lý cán bộ vi phạm gần đây của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đem lại niềm tin cho người dân, cho đảng viên về sự quyết tâm và công minh của trung ương. 

Về trường hợp cụ thể ở Đà Nẵng, tôi thấy tiếc cho cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh, tiếc cho Đà Nẵng, nơi được nhiều người quan tâm, yêu mến, gọi là "thành phố đáng sống". 

Tôi nghĩ Trung ương cần làm rõ, nhìn nhận lại về quá trình đề bạt, thăng tiến hết sức nhanh chóng của ông Nguyễn Xuân Anh. Thử hỏi, với một người bình thường có xuất phát điểm tương tự, có thể thăng tiến nhanh như vậy không?

Tôi nhớ rằng trước khi ông Nguyễn Xuân Anh trình ra bằng cấp của cơ sở đào tạo không được kiểm định và không được Bộ Giáo dục - đào tạo công nhận, đã từng có những trường hợp tương tự và dư luận, cơ quan chức năng đã lên tiếng. 

Cả quy trình kiểm tra, xác minh tiêu chuẩn của một ủy viên Trung ương Đảng lại dễ dàng để lọt vấn đề bằng cấp như vậy, tại sao bây giờ mới biết và xử lý?

Tôi nghĩ rằng khi đăng ký học ở những trường như vậy, người học biết rõ chất lượng tấm bằng mình nhận được. Tôi chỉ lưu ý một chi tiết là học online chỉ trong một thời gian ngắn như vậy làm sao mà thành tiến sĩ tốt được? 

Với những cơ sở giáo dục không được kiểm định như vậy, người ta gọi nôm na là trường "bán bằng". Vậy tại sao ở VN nhiều người cứ đăng ký học? Trước hết là do xã hội ta quá coi trọng bằng cấp, nhất là trong tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là bằng sau đại học. Thế nên không ít quan chức cố gắng lo cho được một tấm bằng tiến sĩ.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Đề nghị tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ

Ủy ban Tư pháp Quốc hội chính thức đưa ra đề nghị này trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, vừa được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (19-9).

Ủy ban Tư pháp nhận định có tình trạng một số cán bộ, công chức có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng "lợi ích nhóm", "sân sau" mới chỉ là nghi ngờ trong dư luận, thì qua một số vụ án lớn gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương, thực tế cho thấy nghi ngờ đó là có căn cứ.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ xây dựng và hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực.

Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên