11/05/2016 09:48 GMT+7

Y án sơ thẩm vụ chiếm đoạt gần 1.000 tỉ của Agribank CN6

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Theo Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại TP.HCM, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ án này.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11-5 - Ảnh: Hoàng Điệp
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11-5 - Ảnh: Hoàng Điệp

Sáng 11-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo về phần dân sự của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), giữ nguyên bản án sơ thẩm vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… tại Agribank Chi nhánh 6 với số tiền thiệt hại gần 1.000 tỉ đồng.

Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo

Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án này.

Theo đó, tòa tuyên phạt Dương Thanh Cường - tổng giám đốc tập đoàn Bình Phát tù chung thân về 2 tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Hồ Đăng Trung - giám đốc Agribank CN6 lãnh 20 năm tù và Hồ Văn Long - cán bộ tín dụng ngân hàng Agribank CN6 19 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng.

Bị cáo Lê Thành Công - giám đốc công ty dệt kim Đông Phương 25 năm tù về 2 tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Agribank có thể khởi kiện vụ án dân sự

Đối với phần kháng cáo dân sự của Agribank đối với tài sản tại số 10 Âu Cơ, quận Tân Phú và 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bình Chánh, HĐXX cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Agribank.

Bởi đối với 23 giấy chứng nhận ở Bình Chánh, HĐXX cho rằng, trong hợp đồng thế chấp của Dương Thanh Cường đối với Agribank CN6 thì khi thế chấp, các giấy này vẫn mang tên các hộ dân, chưa được sang tên cho công ty Thanh Phát của Dương Thanh Cường, mà bên thứ 3 (các hộ dân) cũng không có cam hết, thỏa thuận nào đối với hợp đồng tín dụng này.

Sau đó, tài sản được lấy ra để thế chấp vay tiền của ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), khi không có tiền trả cho ngân hàng Phương Nam, Dương Thanh Cường đã làm hợp đồng chuyển quyền sử dụng cho Phương Nam nên tài sản này là của Phương Nam.

Do đó, cần phải dỡ bỏ kê biên với 23 giấy chứng nhận này, giao lại cho Phương Nam quản lý, sử dụng.

Đối với ý kiến của VKS cho rằng tài sản này được hình thành từ tiền của Agribank, HĐXX cho rằng, Ngân hàng Agribank Việt Nam có thể khởi kiện vụ án dân sự đối với khối tài sản này cũng như tài sản  tại số 10 Âu Cơ.

HĐXX cũng tuyên buộc Dương Thanh Cường phải có trách nhiệm hoàn trả lại 1.127 tỉ đồng cả gốc và lãi cho Agribank Việt Nam.

Trong vụ án này, có 2 khối tài sản liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Dương Thanh Cường.

Trong việc hợp tác xây dựng dự án với công ty Dệt kim Đông Phương (số 10 Âu Cơ, Q.Tân Phú) rồi từ việc hợp tác này, Dương Thanh Cường đã mang tài sản là quyền sử dụng 17.000m2 đất tại địa chỉ này thế chấp cho Agribank CN6 (do Hồ Đăng Trung làm giám đốc) để nhận 170 tỉ đồng.

Thế chấp xong, Cường mượn lại giấy tờ đã thế chấp đi sang tên cho công ty liên doanh Đông Phương Phát. Rồi tiếp tục mang giấy này đi thế chấp ở ngân hàng Phương Nam để vay tiền và đưa tài sản khác vào thế chấp bổ sung và thay thế cho Agribank CN 6.

Vụ lừa đảo thứ 2 đối với Agribank đó là Cường nói rằng mình có dự án xây nhà vườn ở Bình Chánh, và làm hồ sơ vay tiền của Agribank để giải tỏa mặt bằng. Tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai đối với 23 GCN quyền sử dụng đất tại Bình Chánh.

Ở hợp đồng này, Cường đã được Agribank CN6 giải ngân cho vay 628 tỉ đồng. Sau đó, Cường mượn lại giấy này, tiếp tục thế chấp cho ngân hàng Phương Nam để vay tiền rồi cấn trừ các giấy này để trả nợ.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên