Khoảnh khắc ăn mừng của cổ động viên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) vui và trật tự khi đội tuyển Việt Nam thắng Philippines trong trận bán kết lượt đi hôm 2-12 - Ảnh: HỮU THUẬN
Xuống đường ăn mừng là điều không xấu, cũng không ai phản đối khi đội tuyển chúng ta thành công. Hành vi đó chỉ bị lên án nếu nó thái quá, như xuống đường kèm theo là xả rác, vi phạm giao thông, trật tự xã hội…
Đó là chia sẻ của nhà xã hội học, TS Trịnh Hòa Bình với Tuổi Trẻ trước trận bán kết lượt về Việt Nam - Philippines sẽ diễn ra tối 6-12. Ăn mừng thành tích trong thể thao là điều bình thường, nhưng theo ông Bình, lợi dụng ăn mừng chiến thắng để có những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật là không nên.
Ông Trịnh Hòa Bình chia sẻ:
- Thời gian qua, việc một bộ phận dân chúng xuống đường ăn mừng thành tích của bóng đá Việt Nam đã không còn là chuyện xa lạ. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều cuộc xuống đường ăn mừng đã diễn ra khi đội tuyển giành thành tích tại VCK U-23 châu Á, Asiad 18 và giờ là AFF Suzuki Cup.
Nếu như trước kia người ta chỉ xuống đường ăn mừng khi đội tuyển đã vào sâu, giành huy chương ở những giải đấu tiêu biểu thì nay họ xuống đường ở hầu hết các trận đấu. Thành phần xuống đường ăn mừng chiến thắng cũng rất đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là các bạn trẻ.
Thậm chí có những trận thua tại Asiad 18 hay trận đấu vòng bảng với Malaysia, Campuchia tại AFF Cup người hâm mộ cũng xuống đường.
Có thể khẳng định tính sẵn sàng đi ăn mừng của những người này rất cao. Họ đã chuẩn bị từ trước cho việc xuống đường nên thắng thua đôi lúc không còn quá quan trọng, quan trọng là cái cớ để đổ ra đường.
* Vậy theo ông, ăn mừng thành tích của bóng đá chỉ là cái cớ để một bộ phận xuống đường, hò hét, nhảy múa, xả rác, thậm chí là đua xe gây mất trật tự?
- Đúng vậy. Cái vỏ là xuống đường ăn mừng chiến thắng, nhưng bên trong đó là cách để người ta khẳng định cái tôi. Khi xuống đường, họ có thể vượt qua lằn ranh của bản thân và xã hội, làm nhiều việc mà trong đời thường họ không làm như: chủ động xả rác ra đường, đi xe máy chở 3-4 người mà không đội mũ bảo hiểm, thậm chí đua xe thành các tốp lớn rất nguy hiểm...
Việc xuống đường ăn mừng của người dân cũng có vai trò tác động của mạng xã hội. Mạng xã hội là nơi trao đổi, tập hợp, ảnh hưởng lẫn nhau để cùng xuống đường mừng chiến thắng. Giờ không chỉ có dân các thành phố lớn đi "bão". Qua mạng xã hội và báo chí thì thấy các tỉnh lẻ, nông thôn người dân cũng đi "bão".
* Theo ông, người dân có nên xuống đường ăn mừng thành tích của bóng đá ầm ĩ như thời gian qua?
- Thể thao có sức mạnh kỳ diệu để kết nối mọi người với nhau, thể hiện niềm tự hào dân tộc, mà bóng đá là môn tiêu biểu nhất. Xuống đường ăn mừng là điều không xấu, cũng không ai phản đối khi đội tuyển chúng ta thành công, bởi người dân có quyền bày tỏ cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn của mình, miễn là không ảnh hưởng đến người khác.
Hành vi đó chỉ bị lên án nếu nó thái quá, như xuống đường kèm theo là xả rác, vi phạm giao thông, trật tự xã hội... Những người xuống đường sau chiến thắng cho rằng hành vi lệch chuẩn của mình sẽ không bị chính quyền để ý bởi có quá đông người giống mình. Vì vậy, nhiều người còn vô tư đua xe, vi phạm giao thông, xả rác...
Cổ động viên đốt pháo sáng ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trên đường Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM tối 2-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Tối 6-12, đội tuyển Việt Nam sẽ đấu trận bán kết với Philippines trên sân Mỹ Đình (Hà Nội), và cơ hội chiến thắng của đội tuyển Việt Nam rất cao. Ông có lời khuyên gì với những người đang chuẩn bị ra đường ăn mừng dịp này?
- Nghe rất buồn cười, nhưng tôi cho rằng vui thì mọi người cứ vui, chỉ đừng thái quá. Không nên có hành vi vượt qua chuẩn mực xã hội, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, môi trường sống. Sau khi vượt qua ranh giới xã hội thì sẽ đến vi phạm pháp luật. Chưa kể một số hành vi như đua xe có thể gây nguy hiểm cho bản thân họ, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của người xung quanh.
"Fan fest" phố đi bộ Nguyễn Huệ sôi động và văn minh
Trong các giải bóng đá gần đây như U-23 châu Á, Asiad 2018 và AFF Cup 2018 đang diễn ra, không gian tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) đã thực sự trở thành một khu "fan fest" sôi động không chỉ dành riêng cho cổ động viên Việt Nam.
Trước mỗi trận đấu nhiều tiếng đồng hồ, nhiều cổ động viên tại các quận ngoại thành đã tập trung trước các màn hình lớn chờ bóng lăn. Thậm chí, nhiều chuyến xe buýt đổ về trung tâm thành phố, như ở trận chung kết Giải U-23 châu Á đã chở theo các tốp cổ động viên là công nhân, sinh viên đến từ những tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Vũng Tàu...
Các cổ động viên mang theo còi kèn, trang phục cổ vũ biến không gian tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sôi động như một ngày hội bóng đá thật sự. Nhiều du khách quốc tế cũng cầm cờ hoa cùng đến phố đi bộ hòa vào không khí náo nhiệt trong mỗi trận bóng có đội tuyển Việt Nam.
Ở Asiad 2018 vừa qua, các kênh truyền hình của Hàn Quốc cũng mang cả êkip sang ghi nhận không khí bóng đá của người Việt Nam ngay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Điều đặc biệt là không gian "Fan fest" này thể hiện tình yêu bóng đá một cách văn minh với hàng ngàn cổ động viên ngồi xem trật tự, nhiều khán giả nán lại sau mỗi trận đấu để cùng nhau thu dọn rác. Chính vì thế, rất nhiều nhóm bạn trẻ không bỏ sót một trận nào và luôn tìm đến phố đi bộ Nguyễn Huệ mỗi khi tại đây có phát trực tiếp bóng đá.
NGỌC HIỂN
Cựu tuyển thủ TRẦN CÔNG MINH:
Hãy vui, nhưng đừng làm phiền người khác!
Nếu tôi nhớ không lầm, việc người hâm mộ trên cả nước đồng loạt xuống đường ăn mừng gắn với sự kiện bóng đá nước nhà đã bắt đầu từ SEA Games 18 năm 1995 ở Chiang Mai (Thái Lan).
Ngày ấy, anh em tuyển thủ chúng tôi cũng không giấu được sự bất ngờ, chen lẫn thú vị cũng như không thể hình dung được hình ảnh nhộn nhịp đến thế. Và chúng tôi càng cảm nhận được tình cảm mà người hâm mộ dành cho đội tuyển Việt Nam khi về nước với chiếc huy chương bạc SEA Games năm ấy.
Từ đó, những hình ảnh ấn tượng ấy xuất hiện đều đặn sau chiến thắng của đội tuyển U-23 hay đội tuyển quốc gia Việt Nam ở tất cả các giải đấu.
Là một cựu tuyển thủ từng được cổ vũ nồng nhiệt như thế, tôi rất cảm kích. Nhưng thật lòng mà nói, tôi cũng như các đồng nghiệp hiện tại cũng không khỏi nơm nớp lo âu, hay kém vui lúc nhận được những sự cố đáng tiếc từ những đêm "đi bão" như thế.
Chúng ta còn rất nhiều niềm vui chiến thắng trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung đang chờ đợi ở phía trước. Điều quan trọng là vui nhưng không làm phiền đến người khác và đặc biệt là không vi phạm pháp luật...
Ông NGUYỄN MẠNH HIỀN (nguyên chủ tịch Hội CĐV bóng đá Hải Phòng):
Ăn mừng thái quá, phô trương
Tôi có nhiều thời gian học tập tại Thái Lan nên hiểu không chỉ cổ động viên Việt Nam cuồng nhiệt mà Thái Lan, Malaysia cũng rất yêu bóng đá. Thế nhưng cách cổ vũ của cổ động viên Thái Lan, Malaysia văn minh, bài bản hơn chúng ta nhiều. Người dân Thái Lan thường tập trung ăn mừng sau các trận thắng quan trọng và họ biến nó thành ngày hội như lễ hội té nước rất vui vẻ.
Còn cổ động viên Việt Nam thường có thói quen đi xe máy xuống đường ăn mừng. Vui thì cũng vui, nhưng nói thật gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp, vất vả nhất chính là các anh chị lao công phải đi quét dọn đường phố sau mỗi cuộc vui của bóng đá.
Chưa kể nhiều cổ động viên còn mang pháo sáng ra đường đốt tràn lan, diễu hành trước và sau trận đấu rất phản cảm.
Một số thanh niên lợi dụng việc ăn mừng để có những hành vi quá khích như: cởi trần, đua xe máy rất nguy hiểm. Tôi cho rằng cách ăn mừng của chúng ta hiện nay là thái quá, phô trương, gây ảnh hưởng đến xã hội. Vui thì vui nhưng nên chừng mực, chứ đừng lố quá.
Ông TRẦN HỮU NGHĨA (chủ tịch Hội CĐV bóng đá VN):
Cổ vũ với hình ảnh đẹp
Thời gian qua Hội cổ động viên bóng đá Việt Nam (VFS) thường tổ chức xem offline các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại TP.HCM. Ở đây chúng tôi mặc đồng phục, mang dụng cụ, nước uống đến nơi cổ vũ, thuê lắp đặt màn hình lớn để cùng nhau tận hưởng.
Sau trận đấu, các thành viên VFS luôn dọn sạch sẽ rác do mình thải ra. Những hình ảnh này vừa đẹp, vừa có sức lan tỏa, khích lệ đội tuyển Việt Nam. Cá nhân tôi không xuống đường ăn mừng, sau trận đấu cùng anh em dọn dẹp rồi đi ăn tô phở.
K.Xuân ghi
Thăm dò ý kiến
Với lợi thế ở lượt đi, theo bạn đội tuyển Việt Nam nên chọn lối đá nào đêm nay?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận