02/01/2015 13:24 GMT+7

​Xúc động với Cây bàng vuông

LINH ÐOAN
LINH ÐOAN

TT - Với Cây bàng vuông, kịch chính trị dường như đã được khoác chiếc áo mới: nói chuyện yêu nước mà không lên gân, vở mang màu sắc trẻ trung, hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối.

Cảnh trong vở Cây bàng vuông - Ảnh: NGuyễn Lộc

Ðược Thành ủy TP.HCM đầu tư với mục đích phục vụ chính trị, Cây bàng vuông (tác giả: Trần Kim Khôi, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) dài khoảng 120 phút với nội dung xoay quanh cuộc sống, chiến đấu của những người lính và ngư dân nơi đảo xa.

Từ ngày đầu khởi động vở diễn bằng buổi casting các diễn viên trẻ tại Hội Sân khấu TP.HCM hồi tháng 11-2014, đạo diễn Hoa Hạ đã tiết lộ tuy là vở diễn chính trị nhưng Cây bàng vuông sẽ mang màu sắc mới, khác lạ với sự kết hợp nhiều loại hình như múa, hát, kịch, ca cải lương, hát rap, nhảy hip hop...

Dù biết Hoa Hạ vốn là một đạo diễn dày dạn kinh nghiệm nhưng vẫn có một vài lo lắng, chẳng biết quá nhiều loại hình như thế sẽ kết hợp như thế nào để vở diễn không bị chỏi, không bị chênh phô?

Cây bàng vuông ra mắt chào mừng 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN. Theo đạo diễn Hồng Dung - phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, từ nay đến 30-4-2015 vở sẽ có khoảng 20 suất diễn phục vụ học sinh - sinh viên, có thể đến với các chiến sĩ ở đảo, Trường Sa...

Thế nhưng trong buổi ra mắt vở diễn vào ngày 29-12 tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Cây bàng vuông thật sự đã đem lại những cảm xúc đặc biệt cho người xem.

Các màn múa xuất hiện đúng lúc, được sắp đặt để đẩy mạnh cao trào, cảm xúc của người xem chứ không làm rối mắt.

Có khi các diễn viên múa hóa thân thành các chiến sĩ trẻ trung trên đảo, lúc họ hóa thành những con sóng, khi khác lại là những người “người lạ” quấy rối ngư dân Việt Nam cùng những chiếc tàu xé toạc màn đêm với ý đồ chiếm biển...

Những pha đụng độ giữa ngư dân, các chiến sĩ biển đảo và “người lạ” cũng được dàn dựng với hình thức múa kết hợp hiệu ứng ánh sáng tạo nên kịch tính, sự gay cấn như những “xen” quay chậm trên phim ảnh. Các loại hình như ca cải lương, hát rap, nhảy hip hop... được sử dụng khéo léo qua sự thể hiện của những anh chàng lính trẻ tếu táo, yêu đời, yêu tự do.

Cây bàng vuông, những ai yêu thích ca khúc về biển đảo sẽ được nghe thật “đã tai” những bài hát quen thuộc như: Gần lắm Trường Sa, Nơi đảo xa, Biển nỗi nhớ và em, Tổ quốc nhìn từ biển, Tiếng gọi non sông... và còn bởi những ca khúc này được thể hiện qua giọng ca của những ca sĩ “xịn” như Hồng Hạnh, Quốc Ðại. Các ca sĩ dù diễn xuất đôi chỗ còn hạn chế nhưng khi họ cất tiếng hát đầy tình cảm, trái tim người xem đã thổn thức...

Chuông vàng vọng cổ Minh Trường, Vân Trang, Bá Cường, Chánh Trực, Nhã Thi... và toàn bộ diễn viên trong vở ở vai trò nào cũng có hát, múa dẫn dắt người xem qua các cung bậc khác nhau của vở diễn - từ không khí vui vẻ, lạc quan, lãng mạn đến căng thẳng nghẹt thở hay chùng xuống vì những mất mát tang thương.

Nếu hình thức thể hiện của Cây bàng vuông làm người xem bất ngờ thì nội dung vở có những cảnh khiến những trái tim yêu nước phải dâng trào niềm xúc động như những tiếng gọi thúc giục: Hãy hành động, hãy bảo vệ Tổ quốc! Ðó là khi những ngư dân Việt Nam nhỏ bé, tàu bè thô sơ phải chịu sự uy hiếp, ngang ngược của “tàu lạ”.

Họ, nhỏ nhoi giữa dông gió của biển, giữa lòng người nham hiểm, xảo quyệt. Giữa lằn ranh sống chết mỏng manh, họ phải đấu tranh tư tưởng hoặc hạ mình van xin, hoặc đương đầu với cái ác.

Con giun xéo lắm phải oằn, những ngư dân lương thiện cuối cùng không thể chịu đựng được sự chà đạp lên tình yêu hòa bình. Và bài hát Nam quốc sơn hà được cất lên rùng rùng, hừng hực khí thế giữa mịt mù đêm đen, những ngư dân mình trần, da thịt rách bươm, mắt sáng quắc dong thuyền tiến lên phía trước... Hình ảnh ấy đọng lại từ vở diễn như một lời hiệu triệu từ trái tim, hào sảng và sắc bén!

LINH ÐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên