25/06/2013 07:06 GMT+7

Xuất lậu quặng sắt, thất thu 1.700 tỉ đồng/năm

CẦM VĂN KÌNH - KIỀU HƯƠNG
CẦM VĂN KÌNH - KIỀU HƯƠNG

TT - Đó là số liệu trong báo cáo của Hiệp hội Thép VN gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có báo cáo gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu một nghiên cứu cho thấy lượng xuất khẩu khoáng sản thô của Việt Nam sang Trung Quốc thực tế vượt xa mọi thống kê của hải quan Việt Nam, khiến Việt Nam thất thu thuế trên 3.560 tỉ đồng trong hai năm 2011, 2012.

BI5VLPcL.jpgPhóng to
Dây chuyền khai thác quặng sắt của một doanh nghiệp khai thác quặng ở Hà Giang - Ảnh: Cầm Văn Kình

Khi được Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo, Bộ Công thương cũng chưa thể bác bỏ thông tin này...

Hai năm mất hơn 3.000 tỉ đồng

Theo báo cáo gửi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhóm nghiên cứu của VSA cho biết số liệu của hải quan Trung Quốc và Việt Nam có sự chênh lệch khá lớn về khối lượng quặng sắt Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Theo số liệu được hải quan Trung Quốc công bố năm 2011, nước này nhập 2,8 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam với giá 106 USD/tấn.

Trong khi đó, “Báo cáo về việc xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc” của hải quan Việt Nam cho biết năm 2011 Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc 1,3 triệu tấn quặng sắt với giá trung bình chỉ 52 USD/tấn, ít hơn 1,5 triệu tấn và giá cũng thấp hơn 54 USD/tấn so với số liệu từ phía Trung Quốc.

Năm 2012, chênh lệch giữa số liệu của Trung Quốc và Việt Nam càng lớn hơn. Theo báo cáo, Việt Nam chỉ ghi nhận được 23.600 tấn quặng sắt được xuất sang Trung Quốc, trong khi phía Trung Quốc cho biết đã nhập từ Việt Nam tới 1,74 triệu tấn, chênh nhau trên 1,7 triệu tấn. Giá cũng có mức chênh lệch lớn. Trong khi giá xuất được Việt Nam áp thuế xuất khẩu là 46 USD/tấn thì phía Trung Quốc cho biết giá nhập từ Việt Nam lên tới 92 USD/tấn.

Từ sự chênh lệch này, nhóm nghiên cứu cho rằng đang tồn tại hai vấn đề lớn về xuất khẩu quặng sắt. Thứ nhất, số lượng quặng xuất lậu rất lớn, từ 1,5-1,7 triệu tấn/năm. Thứ hai, bản thân giá xuất khẩu của các đơn vị xuất khẩu Việt Nam khai với hải quan thấp hơn nhiều so với giá thực xuất sang Trung Quốc, khiến ngân sách “thất thu cực kỳ lớn”.

Chỉ tính riêng hai năm 2011-2012, theo báo cáo này tính ra Việt Nam thất thu khoảng 1.700 tỉ đồng thuế mỗi năm do không kiểm soát được hết số lượng quặng sắt thực xuất khẩu. Chưa hết, với việc kê giá thấp cho số lượng quặng sắt có khai báo, riêng năm 2011 Việt Nam thất thu gần 600 tỉ đồng tiền thuế.

Bộ Công thương nói chưa có điều kiện kiểm tra

Điểm mặt những địa chỉ xuất lậu quặng lớn là cảng Việt Trì (Phú Thọ), Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh với “hàng vạn xe tải, hàng nghìn tàu, thuyền, sà lan lớn nhỏ”..., báo cáo đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng chảy máu tài nguyên, đồng thời sớm áp giá tối thiểu tính thuế đối với hoạt động xuất khẩu quặng sắt. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, khẳng định báo cáo đã được thực hiện nghiêm túc và ông sẽ chịu trách nhiệm khi gửi báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nhận được báo cáo của VSA, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra làm rõ, đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên, trong báo cáo vừa được gửi lên Thủ tướng, Bộ Công thương cho rằng số lượng và giá nhập khẩu quặng sắt từ Việt Nam theo thống kê của phía Trung Quốc bộ này “chưa có điều kiện kiểm tra, vì vậy chưa có cơ sở xác định tính xác thực của thông tin trên”.

Bộ Công thương cũng cho biết tại cuộc họp về vấn đề này do bộ tổ chức ngày 13-6, đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định hải quan Việt Nam và Trung Quốc chưa có hiệp định về trao đổi thông tin, nên cơ quan này không có điều kiện kiểm tra tính xác thực số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc...

Quá nhiều nguyên nhân

Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Công thương thừa nhận trên thực tế “có tồn tại sự sai lệch về số lượng cũng như giá xuất khẩu quặng sắt giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc”. Và theo bộ này, nguyên nhân là do Trung Quốc quy định quặng sắt bao gồm cả xỉ lò, đuôi quặng có chứa sắt; chưa kể một số trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc qua con đường tạm nhập tái xuất và cuối cùng là xuất lậu...

Giải thích về sự chênh lệch giá quá lớn giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Công thương cho rằng theo quy định hiện hành, giá tính thuế hàng xuất khẩu căn cứ hợp đồng mua bán do doanh nghiệp tự khai và tự chịu trách nhiệm. Hơn nữa, vì không có quy định biểu giá tính thuế các loại khoáng sản thống nhất trên toàn quốc, nên doanh nghiệp Việt Nam có thể có khai báo giá thấp hơn thực tế để giảm thuế. Tuy nhiên, hải quan vẫn phải cho thông quan, nếu việc hậu kiểm phát hiện gian lận trong khai báo sẽ truy thu và xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, theo Bộ Công thương, không loại trừ trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc khai giá cao hơn để tăng giá thành, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và nhận tiền hỗ trợ, khuyến khích từ chính phủ khi nhập khoáng sản từ nước ngoài (Trung Quốc có chủ trương khuyến khích và hỗ trợ việc nhập khẩu khoáng sản).

Cũng theo báo cáo, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương rà soát lại quy trình, thủ tục xuất khẩu khoáng sản, có biện pháp hữu hiệu quản lý chặt chẽ số lượng và giá khoáng sản xuất khẩu...

Thất thu thuế của Việt Nam hai năm 2011 và 2012

(do chênh lệch về số lượng và giá giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc)

STT<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Các loại thuế, phí

Mức thất thoát 2011

Mức thất thoát 2012

1

Thuế xuất khẩu

1.377 tỉ đồng

1.332 tỉ đồng

2

Thuế tài nguyên

186 tỉ đồng

207 tỉ đồng

3

Phí bảo vệ môi trường

93 tỉ đồng

103 tỉ đồng

4

Phí bảo trì đường bộ

124 tỉ đồng

138 tỉ đồng

CẦM VĂN KÌNH - KIỀU HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên