Bộ Công thương thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới với Trung Quốc - Ảnh: N.K
Thông tin được bà Nguyễn Cẩm Trang - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - đưa ra tại họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 12-1.
Theo bà Trang, nguyên nhân gây nên tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc là do nước bạn tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu, đặc biệt là những cửa khẩu mở thì quy trình giao nhận kiểm soát chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh.
Đánh giá năm 2020 - 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng với sự vào cuộc của bộ ngành địa phương thì việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng tích cực. Song theo bà Trang, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát phía Bắc, Trung Quốc có quan ngại nên kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.
Trong khi đó, những điểm yếu cố hữu được lãnh đạo Bộ Công thương chỉ ra như sản xuất chưa bám sát tín hiệu, nhu cầu thị trường nhập khẩu; chất lượng và bao gói chưa được quan tâm đúng mức để đáp ứng yêu cầu; việc truy nguồn gốc đáp ứng nhu cầu vẫn còn hạn chế nên khó xuất khẩu chính ngạch và chủ yếu sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới.
Chúng ta đã có đàm phán về thuế nhưng đàm phán quản lý chất lượng còn hạn chế khi chỉ có 9 sản phẩm trái cây đáp ứng yêu cầu, trong khi 100% sản phẩm trái cây xuất sang Trung Quốc phải kiểm dịch.
Trong bối cảnh đó, các bộ ngành và địa phương đã tích cực tháo gỡ và khuyến cáo doanh nghiệp điều tiết về mặt tiến độ, tháo gỡ cho hàng hóa bị ùn ứ. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng tổ chức các đoàn công tác đến tỉnh biên giới; trao đổi với phía bạn để có giải pháp kịp thời, ngay trước mắt.
Theo bà Trang, đến nay, tình hình có tiến triển tích cực và nhiều cửa khẩu được thông quan trở lại, chính quyền Quảng Tây cho phép mở cửa khẩu Đông Hưng; mặt hàng thanh long bắt đầu được thông quan qua Lào Cai…
Về giải pháp căn cơ, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng cần nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây, nông sản, đa dạng hóa thị trường để khai thác tối đa các FTA đã ký kết. Địa phương cần xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu, giao thương giữa các bên để tránh ùn tắc. Tiếp tục đàm phán về chất lượng và kiểm dịch để có nhiều loại quả hơn xuất sang Trung Quốc.
Khai thác hiệu quả các FTA giúp thúc đẩy xuất khẩu
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu là khá tích cực trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bà Trang cho biết khi nhu cầu tiêu dùng ở nước ngoài phục hồi, doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác hiệu quả các FTA. Đơn cử với EU, ngay từ năm đầu tiên thực thi đã có kết quả tích cực dù thị trường này gặp khó khăn, khi 5 tháng đầu tiên thực hiện đã có mức tăng trưởng 3,8% thay vì tăng trưởng âm và 7 tháng tiếp theo đạt 17%.
Để khai thác hiệu quả, Bộ Công thương đã rất chú trọng công tác thông tin thị trường, tuyên truyền phổ biến cơ hội, các quy định và quy tắc xuất xứ, quy định của thị trường nhập khẩu liên quan thị hiếu, dung lượng, mặt hàng nhập khẩu.
Việc xúc tiến thương mại được quan tâm, đổi mới về hình thức, áp dụng số hóa, trực tuyến phù hợp tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp. Song bà Trang cho rằng điều kiện cần là doanh nghiệp tự đổi mới, nâng cao, đặc biệt là năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả nhất các ưu đãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận