15/03/2022 20:37 GMT+7

Xuất khẩu điều sang Ý nguy cơ bị lừa đảo: Lấy lại không dễ, tốn nhiều chi phí

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cập nhật mới nhất tình hình 74 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ lừa đảo. Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn khi hãng tàu đòi thu phí ở mức cao, và việc xử lý lô hàng (được lấy lại) sẽ không dễ.

Xuất khẩu điều sang Ý nguy cơ bị lừa đảo: Lấy lại không dễ, tốn nhiều chi phí - Ảnh 1.

Thu mua điều thô tại Bình Phước - Ảnh: N.TRÍ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 15-3, ông Bạch Khánh Nhựt - phó chủ tịch thường trực Vinacas - cho biết:

- Theo giải trình từ chủ công ty Kim Hạnh Việt (đơn vị môi giới) vừa gửi đến cơ quan chức năng và Vinacas thì đơn vị này chính thức thực hiện môi giới 74 hợp đồng, tương ứng 74 container. Trong 74 container này, hiện có 36 container đã và đang trên đường tới Ý được xác nhận mất bộ chứng từ gốc, khoảng 5-6 container được doanh nghiệp kịp thời giữ lại ở Singapore, và số còn lại đang trên đường vận chuyển đến Ý.

* Ngoài 36 container đã xác định mất bộ chứng từ gốc, tình hình các container còn lại hiện nay ra sao?

- Hiện nay khoảng 5-6 container tại Singapore khả năng sẽ được doanh nghiệp chuyển trở lại Việt Nam an toàn, còn số lượng hơn 30 container (thông tin bộ chứng từ gốc chưa được công bố cụ thể) sẽ cập cảng tại Ý an toàn nếu bộ chứng từ gốc không bị thất lạc, hoặc người bán kiểm soát được.

Xuất khẩu điều sang Ý nguy cơ bị lừa đảo: Lấy lại không dễ, tốn nhiều chi phí - Ảnh 2.

Ông Bạch Khánh Nhựt - phó chủ tịch thường trực Vinacas - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Thưa ông, việc xử lý những container điều sẽ như thế nào khi chúng ta nhận định người mua theo hợp đồng là lừa đảo?

- Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi 5-6 container dù đang được giữ lại ở Singapore nhưng một số hãng tàu đòi doanh nghiệp phải trả đủ 14.000 USD/container phí vận chuyển đi Ý theo hợp đồng mới chuyển hàng về lại Việt Nam.

Còn với lượng lớn container đã và đang trên đường đến Ý, trường hợp doanh nghiệp lấy lại được hàng thì cũng gặp khó vì chở về Việt Nam sẽ tốn nhiều chi phí, còn tìm người mua mới ở thị trường khác sẽ không dễ vì số hàng này thuộc phân khúc điều nhân chất lượng cao.

Ngoài ra, do bán trong hoàn cảnh bị động nên người bán dễ bị người mua mới ép giá, chưa kể những chi phí phát sinh về vận tải, phí cảng, thay đổi bao bì... theo yêu cầu người mua. Do đó, thiệt hại là về nhiều mặt.

Vai trò và trách nhiệm của đơn vị liên quan trong việc giữ lô hàng tại cảng là như thế nào? Cơ sở nào để doanh nghiệp Việt Nam sớm lấy lại hàng?

- Về cơ bản, các hãng tàu và cơ quan chức năng của Ý đã có hỗ trợ để phong tỏa một số container khi cập cảng. Tuy nhiên, theo quy định, việc phong tỏa này có giới hạn về thời gian. Do đó, cái cần là chúng ta phải có chứng từ gốc để lấy lại hàng.

Trường hợp không tìm được chứng từ gốc, chúng tôi cần sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị như hãng tàu, ngân hàng, cơ quan chức năng... để sớm xác nhận doanh nghiệp Việt Nam là chủ lô hàng. Hoặc hãng tàu phải thông báo hủy bỏ vận đơn cũ của lô hàng, thay bằng vận đơn mới, và giao lại cho doanh nghiệp Việt Nam để đối chiếu, chứng minh mình là chủ lô hàng.

Ngoài ra, Chính phủ, bộ ngành cần hỗ trợ để tác động đến cơ quan chức năng tại Ý để xem xét vấn đề này trên phương diện hình sự để dễ can thiệp, vì thực tế đã có một khách hàng tại Ý được cho là lừa đảo đến cảng trình chứng từ gốc và xin nhận hàng.

Vinacas sẽ làm gì để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp? 

- Chúng tôi đã có văn bản khẩn cầu cứu đến Chính phủ, và tiếp tục phối hợp bộ ngành, hãng tàu... để giải quyết. Ngày 16 và 17-3, Vinacas sẽ làm việc trực tiếp với đại diện của Bộ NN&PTNT, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) để chia sẻ tình hình, và bàn các giải pháp.

Đây là một trong số vụ có dấu hiệu lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều, cũng như lĩnh vực nông nghiệp, và rủi ro vẫn sẽ còn. Thời gian tới Vinacas sẽ đưa ra nhiều cảnh báo, tư vấn cho doanh nghiệp về thị trường, người mua, nhà môi giới. Đồng thời, qua việc này, Chính phủ cần có những chính sách thực tế về pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đó, theo công điện số 1583, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp với Vinacas và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân. Từ đó có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: điều