Nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền và nhà ở xã hội tại TP.HCM đang rất lớn. Ảnh ĐĂNG NGUYÊN
Thêm giải pháp tín dụng kiểu gói 30.000 tỉ đồng
Trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng từ năm 2008 - 2009, 2011 - 2013, hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản rất nghiêm trọng. Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng mà trong đó dành 70% để hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp đô thị mua căn hộ nhỏ và vừa có giá trị dưới 1,05 tỉ đồng, đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ hơn 56.000 người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở.
Đây được đánh giá là chính sách kích cầu và hỗ trợ người tiêu dùng rất hiệu quả, là một nguyên nhân quan trọng giúp cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng.
Trên cơ sở đó, HoREA vừa qua đã gửi tới Ngân hàng Nhà nước kiến nghị thực hiện gói chính sách tín dụng nhà ở với quy mô phù hợp, tương tự như cách làm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng trước đây.
Mục đích của đề xuất này là để kích cầu tiêu dùng nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỉ đồng/căn với điều kiện có cơ chế kiểm soát rủi ro để đảm bảo nguồn vốn tín dụng này được sử dụng đúng nơi đúng chỗ.
Ưu đãi tín dụng cho nhà ở xã hội
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kết thúc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Cụ thể, chấm dứt giải ngân đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội kể từ ngày 1-6-2016 và chấm dứt giải ngân đối với người mua nhà ở xã hội kể từ ngày 1-1-2017. Từ đó đến nay, chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016 do dự án chưa hoàn thành, thì kể từ ngày 1-1-2017 không còn được tiếp tục giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng.
Về lâu dài, cần có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội. Đây là giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA
Sau đó cũng chưa có nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác thay thế nên các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội này lâm vào hoàn cảnh không thể thực hiện tiếp hợp đồng, hoặc phải vay thương mại với lãi suất cao kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp, hoặc phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao.
Về phía chủ đầu tư, do thiếu vốn, nhiều trường hợp đã phải giãn tiến độ thực hiện công trình, dẫn đến công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí của cải xã hội, bào mòn nguồn lực của chủ đầu tư, người mua không được nhận nhà đúng theo tiến độ đã thỏa thuận.
Do vậy, HoREA đã nêu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phân bổ khoảng 1.000 tỉ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỉ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho các tổ chức tín dụng để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Đơn vị này cũng kiến nghị phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 4,8%/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận