08/10/2016 08:26 GMT+7

Xử lý rác Đa Phước phải đảm bảo môi trường an toàn

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Quản lý và xử lý rác thải là vấn đề rất quan trọng đối với một đô thị hơn 9 triệu người như TP.HCM.

Bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Công ty VWS cần thực hiện cả hai cam kết: đảm bảo nhận rác để xử lý và đảm bảo an toàn cho môi trường, sức khỏe cộng đồng trong quá trình xử lý rác

PGS.TS Lê Văn Khoa

Đây không chỉ là làm sao cho môi trường sạch đẹp, đảm bảo sức khỏe người dân mà còn phải luôn đảm bảo bài toán an ninh môi trường (ở đây là chất thải).

Vì vậy trước đề nghị của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư khu xử lý rác Đa Phước (đặt tại H.Bình Chánh, TP.HCM) - tạm ngưng nhận 2.000 tấn rác/ngày từ 10-10 đã đặt ra một thực tế: bài toán an ninh môi trường được đảm bảo như thế nào?

"Không có gì là trở ngại"

Giới chuyên môn rất quan tâm đến việc UBND TP.HCM quyết định chuyển 2.000 tấn rác/ngày đang chôn lấp tại khu chôn lấp rác Phước Hiệp (H.Củ Chi) đến chôn lấp tại khu chôn lấp rác Đa Phước (H.Bình Chánh) từ hơn một năm nay.

Tuy nhiên ngày 5-10, VWS có văn bản đề nghị UBND TP xem xét cho tạm ngưng nhận khối lượng rác tăng thêm 2.000 tấn/ngày sau hơn một năm công ty nhận lượng rác này để chôn lấp. Nội dung đề nghị của VWS đề cập nhiều vấn đề, trong đó có cho rằng quá trình nhận thêm 2.000 tấn rác nói trên đã gặp phải tình huống khó khăn, phức tạp bởi những định kiến sai lệch của không ít cơ quan truyền thông.

Điều này dẫn đến sự hiểu sai về bản chất sự việc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp... Ngoài ra, nội dung đề nghị của VWS còn nêu tình trạng nước thải phải xử lý (nước rỉ rác, nước mưa lẫn nước rỉ rác) bị tăng lên đột ngột, trong khi nhà máy xử lý nước thải mở rộng công suất 2.000 m3/ngày hoàn tất xây dựng và bắt đầu chạy thử nghiệm vào đầu tháng 2-2017. Việc tạm ngưng nhận lượng rác 2.000 tấn rác/ngày cũng được công ty giải thích là để đảm bảo an toàn cho quy trình vận hành, tránh không để xảy ra sự cố...

Trong khi đó tháng 8-2014, VWS có văn bản gửi UBND TP cam kết lộ trình tiếp nhận thêm rác. Công ty khẳng định dựa trên công suất thiết kế tiếp nhận sẵn có của khu xử lý rác Đa Phước là 10.000 tấn/ngày, VWS cam kết có thể nhận ngay 2.500 - 3.000 tấn rác/ngày (lượng rác nhận thêm), bắt đầu từ ngày 1-9-2014 là... không có gì trở ngại.

Ông Lê Văn Cựu (ấp 3, xã Đa Phước) chỉ con rạch sau lưng bãi rác Đa Phước bốc mùi hôi rất khó chịu - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Ông Lê Văn Cựu (ấp 3, xã Đa Phước) chỉ con rạch sau lưng bãi rác Đa Phước bốc mùi hôi rất khó chịu - Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Việc nâng công suất nhận rác đã được thẩm định

Đến tháng 2-2015, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước - nâng công suất tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày” đã được Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt. Như vậy, việc nâng công suất nhận rác của VWS đã được bộ này thẩm định, đánh giá là đảm bảo các điều kiện theo các hạng mục, công trình xử lý môi trường hiện có của dự án.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lê Văn Khoa (khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng VWS với tư cách là chủ đầu tư đã làm các thủ tục nâng công suất tiếp nhận rác từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày, trong đó có đánh giá tác động môi trường và một số thủ tục liên quan khác.

Tất cả thủ tục liên quan đều đã được thẩm định, thông qua. Điều này cho thấy VWS đã sẵn sàng và cam kết rằng đủ năng lực trên mọi phương diện cả về phương tiện kỹ thuật, các công trình hạ tầng, nhân lực... để có thể tiếp nhận thêm rác. Vì thế tại thời điểm này, VWS không thể lấy lý do không kham nổi lượng rác nhận thêm 2.000 tấn/ngày, đòi trả lại cho TP. “Việc VWS nhận rồi đòi trả lại 2.000 tấn rác/ngày làm cho TP bị động trong vấn đề đảm bảo an ninh chất thải” - ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, việc xử lý rác cho cả đô thị lớn như TP.HCM không hề đơn giản. Tuy nhiên, VWS đã cam kết thì nay phải thực hiện trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, ông Lê Văn Khoa còn lưu ý việc TP đã chuyển rác ở TP (ngoại trừ lượng rác giao cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty VietStar làm phân vi sinh) đến chôn lấp tập trung tại nơi do một nhà đầu tư, quản lý, vận hành... có thể tạo ra thế độc quyền ở lĩnh vực này trong một số điều kiện, hoàn cảnh nhất định nào đó. Và cũng có thể dẫn đến tình trạng khi nhà đầu tư không đạt được mong muốn, kỳ vọng của họ (chẳng hạn như giá cả xử lý rác, yêu cầu mặt bằng, hay phát sinh thêm một số chi phí...) thì họ từ chối thực hiện cam kết.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên