Phóng to |
Ông Bùi Văn Ga - Ảnh: T.HÀ |
- Ban soạn thảo luật đã tiếp thu ý kiến, cân nhắc kỹ lưỡng cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn để đưa vào dự thảo luật những điều khoản bao quát tất cả vấn đề bức xúc hiện nay của giáo dục ĐH ở các mức độ khác nhau.
* Xã hội đang đặt kỳ vọng rất lớn sự tác động của luật vào chất lượng giáo dục ĐH. Liệu những nội dung trong dự luật có đáp ứng được kỳ vọng này?
- Dự thảo Luật giáo dục ĐH đã đưa vào những điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Để tốt nghiệp một bậc học, người học phải đạt chuẩn tối thiểu về kiến thức, kỹ năng theo quy định chứ không phải chỉ cần học hết chương trình theo khung quy định của Luật giáo dục.
Để khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH huy động ngày càng nhiều các nguồn lực đầu tư cho các điều kiện bảo đảm chất lượng, cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo hài hòa cơ cấu nhân lực, nâng cao tính cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, khoản 6 điều 59 dự thảo Luật giáo dục ĐH quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.
Chính phủ có chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; khuyến khích cơ sở giáo dục ĐH đầu tư, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nước ngoài.
Dự thảo luật cũng đưa ra khung pháp lý của việc tổ chức, hoạt động công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Trong điều kiện thực tiễn nước ta hiện nay, Nhà nước còn phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các cơ sở giáo dục ĐH, các trường chưa tự chủ hoàn toàn. Do đó quy định kiểm định chất lượng giáo dục ĐH được thiết kế theo hướng khuyến khích, tự nguyện. Trong tương lai, khi cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ hoàn toàn và hệ thống kiểm định chất lượng đã phát triển đủ mạnh, việc kiểm định chất lượng giáo dục là bắt buộc đối với mọi cơ sở giáo dục ĐH để bảo vệ quyền lợi người học.
Phóng to |
Theo dự thảo Luật giáo dục ĐH, quy định kiểm định chất lượng được thiết kế theo hướng khuyến khích, tự nguyện. Trong ảnh: tân cử nhân Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Trong rất nhiều cuộc góp ý kiến cho dự thảo luật, việc đòi quyền tự chủ đã được các trường đặt ra khá gay gắt. Ban soạn thảo đã tiếp thu vấn đề này như thế nào?
- Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục ĐH là một yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục ĐH hiện nay. Vấn đề này được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các chương của dự thảo luật. Tuy nhiên việc giao quyền tự chủ ngay lập tức ở mức độ như nhau cho tất cả các trường sau khi Luật giáo dục ĐH ra đời là hoàn toàn không khả thi trong điều kiện hiện nay.
Vì vậy, việc giao quyền tự chủ cho các trường cần có lộ trình phụ thuộc vào: 1) vị trí, vai trò, nhiệm vu, 2) năng lực thực hiện quyền tự chủ, 3) cam kết trách nhiệm khi thực hiện quyền tự chủ, 4) kết quả kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Điều 28 quy định cụ thể quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH gồm: 1) tổ chức và nhân sự, 2) tài chính và tài sản, 3) hoạt động đào tạo, 4) hoạt động khoa học và công nghệ, 5) hoạt động hợp tác quốc tế, 6) bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Dự thảo luật cũng cho phép cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Quyền tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm của cơ sở. Trách nhiệm lớn nhất của cơ sở giáo dục đối với xã hội là bảo đảm chất lượng của sinh viên tốt nghiệp. Chất lượng này phụ thuộc từng trường. Do đó dự thảo luật quy định cơ sở giáo dục ĐH được in ấn phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học, công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH (điều 34).
Như vậy nếu Luật giáo dục quy định giá trị pháp lý của văn bằng do các trường cấp là như nhau thì trong dự thảo Luật giáo dục ĐH, giá trị văn bằng được cụ thể hóa thông qua chất lượng đào tạo gắn liền với tên tuổi của nhà trường. Khi cơ sở giáo dục ĐH không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thì quyền tự chủ bị thu hồi.
* Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật giáo dục ĐH đã né tránh vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận trong giáo dục ĐH, trong khi đây là một xu hướng không thể phủ nhận?
- Đây là vấn đề được thảo luận tại nhiều diễn đàn và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Để tránh tình trạng một cơ sở giáo dục ĐH nào đó muốn lợi dụng danh nghĩa phi lợi nhuận để mưu cầu lợi nhuận, tại khoản 3 điều 60 về quản lý tài chính của cơ sở giáo dục ĐH đã quy định: Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục ĐH tư thục được dành một phần hợp lý để đầu tư cho hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội...
Mặt khác, để đảm bảo sự phát triển lâu dài của nhà trường, dự thảo luật quy định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục ĐH tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
Tài sản và đất đai Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục ĐH tư thục quản lý và tài sản cơ sở giáo dục ĐH tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với cơ sở giáo dục ĐH tư thục thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của cơ sở giáo dục ĐH.
Nhà nước và xã hội không dựa vào lời tuyên bố của chủ đầu tư hay cơ sở giáo dục ĐH là họ hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, mà dựa vào cân bằng thu chi tài chính trong hoạt động của nhà trường để có chính sách phù hợp.
Việc phân tầng ĐH đã được xử lý trong dự thảo luật theo hướng củng cố chất lượng đào tạo của các trường ĐH theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên, đồng thời tập trung đầu tư phát triển các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu để xây dựng một số trường thật sự trở thành ĐH nghiên cứu trong tương lai. Các ĐH nghiên cứu này có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức khi nước ta hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận