15/04/2020 18:35 GMT+7

'Xù' hợp đồng cung cấp gạo dự trữ sẽ bị tịch thu toàn bộ tiền bảo lãnh

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Theo quy định, số tiền bảo lãnh dự thầu là 1,5-2% giá trị gói thầu. Doanh nghiệp trúng thầu gạo quốc gia mà từ chối ký hợp đồng sẽ bị tịch thu vào ngân sách toàn bộ tiền bảo lãnh. Nhiều doanh nghiệp đã bị sung quỹ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.

Xù hợp đồng cung cấp gạo dự trữ sẽ bị tịch thu toàn bộ tiền bảo lãnh - Ảnh 1.

Tổng cục Dự trữ cho biết doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia sẽ bị tịch thu toàn bộ tiền bảo lãnh dự thầu - Ảnh: TTO

Ngày 15-4, trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Đỗ Việt Đức, tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ, cho biết như vậy.

Theo ông Đức, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã mở đợt thầu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020.

Đợt mở thầu từ ngày 12-3, có 28 doanh nghiệp đã trúng thầu với 178.000 tấn gạo. Tuy nhiên, đến nay cơ quan dự trữ mới mua được 7.700 tấn gạo dự trữ.

Nhiều doanh nghiệp đã được Tổng cục Dự trữ Nhà nước phê duyệt và thông báo kết quả trúng thầu nhưng lại gửi văn bản từ chối ký hợp đồng.

Nguyên nhân giá gạo tại thời điểm đấu thầu hồi tháng 3 thấp hơn so với giá thị trường hiện nay.

Trong 3 ngày qua, cục dự trữ 22 khu vực đã ra thông báo hủy kết quả trúng thầu các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia.

Đơn cử hôm nay 15-4, Cục Dự trữ khu vực Cửu Long đã thông báo hủy các gói thầu cung cấp 4.500 tấn gạo của 4 doanh nghiệp gồm Công ty CP lương thực Cao Lạng, Công ty TNHH Đức Thắng; Công ty TNHH xuất nhập khẩu lương thực Bình Minh Hai; Công ty lương thực Đông Bắc với lý do nhà thầu từ chối thương thảo, hoàn thiện ký kết hợp đồng.

Tổng số tiền bảo lãnh dự thầu của 4 doanh nghiệp này bị tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 775 triệu đồng.

Cục Dự trữ khu vực Nghĩa Bình cũng thông báo hủy kết quả trúng thầu mua 8.500 tấn gạo với lý do 4 doanh nghiệp tham gia trúng thầu nhưng hủy hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

Do đó, toàn bộ số tiền bảo lãnh dự thầu mà 4 doanh nghiệp này nộp là hơn 1,4 tỉ đồng sẽ bị Cục Dự trữ khu vực Nghĩa Bình nộp vào ngân sách nhà nước.

Cục Dự trữ khu vực Tây Nam Bộ cũng thông báo hủy thầu và hủy kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp 4.500 tấn gạo dự trữ của 4 doanh nghiệp. Toàn bộ tiền bảo lãnh dự thầu mà 4 doanh nghiệp này nộp là hơn 309 triệu đồng sẽ bị tịch thu nộp vào ngân sách.  

Trong số các doanh nghiệp trúng thầu gạo mà không ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia có các đơn vị tham gia nhiều gói thầu và ở nhiều cục dự trữ như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang; Công ty CP lương thực Đông Bắc; Công ty CP lương thực Cao Lạng, Công ty TNHH xuất nhập khẩu lương thực Bình Minh Hai; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc…

Đáng chú ý có Công ty TNHH Phát Tài đã trúng thầu 17.940 tấn gạo ở nhiều cục dự trữ nhưng từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo quốc gia. Đây là doanh nghiệp đã đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu 13.000 tấn gạo hôm 12-4.

Hay Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã trúng thầu 4.500 tấn gạo nhưng từ chối thương thảo ký hợp đồng. Trong khi đó ngày 12-4, doanh nghiệp này đã đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với 7.200 tấn gạo.  

Để đảm bảo mua đủ lượng gạo dự trữ quốc gia của năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Đức cho biết Tổng cục Dự trữ đã báo cáo Bộ Tài chính cho phép 22 cục dự trữ trên cả nước đấu thầu tiếp trong thời gian tới đây. 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo 'xù' hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia

TTO - Ông Âu Anh Tuấn - cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan - cho biết nhiều doanh nghiệp bỏ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia có tên trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo tháng 4.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên