07/03/2007 07:36 GMT+7

Xóm nghèo bốc vác

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Nhiều người vẫn thường gọi khu xóm nghèo bên bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM) là xóm bốc vác. Ở đó tập trung một lượng lớn lao động địa phương và dân nhập cư mướn nhà làm bốc vác kiếm sống. Những con người cùng khổ sống cùng với nhau.

z1pUDryX.jpgPhóng to
TT - Nhiều người vẫn thường gọi khu xóm nghèo bên bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM) là xóm bốc vác. Ở đó tập trung một lượng lớn lao động địa phương và dân nhập cư mướn nhà làm bốc vác kiếm sống. Những con người cùng khổ sống cùng với nhau.

Áo ướt thì no, áo khô thì đói

Mặt trời chưa ló dạng, tôi đã cùng nhóm bốc vác ở P.14, Q.8 đổ ra tụm năm tụm bảy bên bờ sông đen ngòm của bến Bình Đông. Dân bốc vác ở đây chủ yếu sống nhờ vào việc lên xuống hàng cho các chủ ghe từ miền Tây lên. Một số ít thì vô bao, sắp xếp hàng cho các kho dọc bến, số còn lại ai thuê gì làm đó, miễn là ngày có hai bữa cơm sống tạm.

Vậy mà đợi đến chiều nhóm chúng tôi mới được một chủ ghe gọi lên hàng. Công việc của mấy anh em là khuân 5 tấn gạo từ ghe lên bến và chuyển 3 tấn hàng hóa đủ loại xuống ghe. Chỉ sau vài chuyến lên xuống hàng, áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Một số anh em không chịu được nóng, đánh trần ra mà khuân, để lộ những hàng xương sườn gầy còm. Thấy tôi đứng thở hổn hển, anh Long vỗ vai cười: “Còn may là hàng này nhẹ, chứ bợ phải sọt trái cây thì chú em quị như chơi, nhiều anh lực lưỡng làm lâu năm ở đây mà còn quị giò tại chỗ nữa huống là chú em”.

8BbcxMeN.jpgPhóng to

Đối với cư dân xóm bốc vác, chỉ khi áo ướt đẫm mồ hôi mới có được chén cơm qua ngày - Ảnh: T.ANH

Sau gần ba giờ đồng hồ vật lộn với gần 10 tấn hàng, chúng tôi nhận được 80.000 đồng tiền công cho năm người. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Thảo nói: “Chú em tưởng dễ lấy tiền thiên hạ lắm hả, mỗi tấn chỉ được 10.000 đồng thôi”.

Theo anh Thảo, thu nhập mỗi ngày của anh em ở đây khoảng 30.000-40.000 đồng, tức là họ phải khuân 3-4 tấn hàng mỗi ngày mới được như vậy. Tôi nhẩm tính: làm bốc vác nếu đều đặn như vậy suốt 25 năm ròng thì ít ra cũng phải cõng trên lưng gần nửa triệu tấn hàng. Thế mới hiểu vì sao số đông cư dân của xóm bốc vác đều bị bệnh vẹo cột sống hay đêm về tức ngực khó thở.

Tuy mệt nhưng mấy anh em vẫn cảm thấy vui. Dù sao chúng tôi vẫn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp cùng xóm, quanh đó vẫn còn nhiều người khác từ sớm đến giờ đang dài cổ ra chờ người thuê mà không có. Khuân xong hàng, chúng tôi tự thưởng cho mình mỗi người một tô cháo lòng, 2.000 đồng/tô. Tô cháo của xóm nghèo bốc vác cũng khác, chỉ vài ba miếng dồi và một ít cháo lõng bõng.

4DFvgKYf.jpgPhóng to
Tuy già yếu nhưng bác Phú vẫn phải bốc vác để kiếm sống - Ảnh: T.ANH

Anh Nam, quê ở miền Tây lên, gia nhập xóm bốc vác được mấy năm, cho biết từ sáng đến giờ chờ mãi chưa có việc gì làm, tiền không có mà bụng thì đói nên anh vào ăn thiếu tô cháo dằn bụng. Lân la bắt chuyện, anh kể: “Mấy bà bán hàng ở đây tinh lắm, thấy anh bốc vác nào áo ướt đẫm mồ hôi là biết vừa có tiền, còn thấy ai khô ráo là biết ngay cả ngày không có đồng xu nào. Áo ướt thì no, áo khô thì đói”.

Chuyện xóm nghèo

Bác Bùi Văn Phú mới 52 tuổi mà trông như một ông cụ ngoài 70, gầy gò và ốm yếu. Bác bị ngọng bẩm sinh, vì thế mỗi lúc trò chuyện với bác tôi phải nhờ đến những người bạn lâu năm của bác “phiên dịch”. Bác kể rằng nghề bốc vác đã nuôi bác từ hồi mới mười mấy tuổi. Nhìn tấm thân gầy của bác cõng từng bao hàng đi xiêu vẹo mà ai cũng thấy ái ngại. Thỉnh thoảng bác lại đứng một mình thở dốc, vỗ tay lên ngực than đau.

Nơi cư ngụ của hai vợ chồng già bốc vác Lê Văn Lợi và Nguyễn Thị Liền nằm sâu trong con hẻm 43 Bình Đông (P.14, Q.8). Bà Liền kể: “Hai vợ chồng cả một đời làm bốc vác đến già cũng không đủ ăn, vậy mà còn phải mang tật vào thân. Ổng bị té gãy chân trong khi đi khuân hàng nên giờ chân yếu lắm, đi té lên té xuống hoài. Vậy mà cũng đâu có được nghỉ ngơi, vẫn phải đi bán vé số kiếm tiền nuôi thân”. Đâu chỉ thế, căn nhà hơn 20m2 này cũng bị ông đem đi cầm cho người ta mất rồi. Ông nói: “Mấy năm nay tui cứ bệnh lên bệnh xuống hoài, rồi đến lượt thằng con cũng đau liệt giường rồi chết. Để lo thuốc men, tang ma cho nó, vợ chồng tui phải cầm cái nhà này lấy mấy triệu bạc. Bây giờ thì cả vốn lẫn lãi lên đến mấy chục triệu, chưa biết người ta đến xiết nợ lúc nào”.

Nhà có ba người mà chỉ trông cậy vào chút sức còm của bác Phú, người em của bác cũng từng là bốc vác, nhưng không may trong một lần xếp hàng thuê đã bị gãy chân vì té từ trên cao xuống. Khi hỏi đến chuyện vợ con, bác Phú cười buồn: “Một mình mà còn bữa đói bữa no thì làm sao dám đèo bòng hả chú em”.

Ở xóm bốc vác này người dân vẫn thường gọi anh Quách Chánh Lệ là “người ngoại quốc”. Với mái tóc hung vàng, nước da trắng và mũi cao, trông anh khác hẳn dáng vẻ đen đúa của những cư dân nơi này. Anh nói từ ngày sinh ra đến nay chưa một lần được thấy mặt cha, chỉ nghe mẹ nói cha anh là một lính Mỹ nào đó từ thời chiến tranh. Anh cũng chẳng quan tâm đến gốc gác của mình, với anh, quê hương chính là cái xóm nước đen nghèo khó này.

Anh kể: “Có người đã mời chào tui với cái giá vài chục triệu đồng để xuất ngoại theo diện con lai nhưng tui không thể ra đi. Mẹ già đã một đời tần tảo nuôi tui khôn lớn, sao nỡ đành để mặc mẹ già mà ra đi”. Đứa con đầu lòng của anh đã 5 tuổi mà trông ngây ngô như một đứa trẻ lên hai, theo anh có lẽ đó là di chứng của chất độc mà ông nội nó mắc phải trong chiến tranh. Đã nhiều đêm anh gạt nước mắt vì thương con, nhưng với chút tiền ít ỏi của nghề bốc vác và người vợ bán vé số thì giấc mơ chữa trị cho con vẫn chỉ là ước mơ.

Những cảnh đời nghèo khó ở xóm bốc vác dọc bến Bình Đông lại càng buồn hơn khi chiều chiều thường vang lên những tiếng la mắng, nhiếc móc của những ông bà chủ cho vay nặng lãi...

________________________

Gồng mình “đánh” ma túy

Sơn La là nơi có tỉ lệ người nghiện ma túy cao, có nhiều “cửa khẩu” buôn bán và có những bản án nghiêm khắc về ma túy. Nhiều miền quê ở đây đang quyết chiến với ma túy bằng một chiến dịch và quyết tâm cao nhất từ trước tới nay, cắt đứt những “mạch máu tử thần”, tách những “bóng ma” lởn vởn khỏi hồn người...

Nhưng chống ma túy bằng bàn tay sắt với những hình phạt nghiêm khắc và kỷ luật kiên quyết vẫn chưa đủ. Có một bàn tay nữa vươn ra để tách bóng ma tội lỗi.

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên