06/12/2006 11:27 GMT+7

Xoá bỏ rào cản đối với lao động nhập cư

Theo Thời báo Du lịch
Theo Thời báo Du lịch

Trên thực tế, vị thế và cơ hội của lao động nhập cư so với lao động địa phương không phải luôn luôn giống nhau.

QaTPsWXd.jpgPhóng to
Người lao động nhập cư thường coi nhẹ yếu tố ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động. Ảnh: Việt Tuấn

Vì thế, cần thiết phải thu hẹp khoảng cách giữa lao động nhập cư và lao động địa phương.

Trong những năm gần đây, các dòng di chuyển lao động ở VN tăng lên rất mạnh do nhu cầu đầu tư mới và tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Sự khác biệt về tiền công, tiền lương ở các địa phương và các khu vực kinh tế khác nhau là động lực chính tạo nên các dòng di chuyển lao động.

Nhiều rào cản đối với lao động nhập cư

Tình trạng thiếu việc làm và thu nhập thấp được xem như là những cản trở cơ bản nhất khi tìm việc. Bên cạnh đó, sức khoẻ và vấn đề thiếu thông tin về tuyển dụng tạo ra rào cản lớn hơn đối với người lao động nhập cư.

Người lao động nhập cư thường coi nhẹ yếu tố ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động. Thay vào đó, mối quan tâm hàng đầu của họ là tiền lương được trả và những lợi ích trước mắt. Đối với họ, điều kiện về ăn ở luôn là mối quan tâm lớn.

Theo kết quả điều tra mới đây thì gần 100% số người kể cả lao động nhập cư và lao động địa phương đều cho rằng điều kiện nhà ở là rất quan trọng. Điều này gây không ít bất lợi cho những lao động nhập cư, họ không thể mua nhà. Để tiết kiệm chi phí, họ thuê nhà với diện tích rất nhỏ, không đủ để đảm bảo các điều kiện vệ sinh.

Cơ hội thăng tiến của lao động nhập cư cũng ít hơn bởi các doanh nghiệp thường muốn tạo cơ hội đó cho những lao động địa phương vì họ tin tưởng lao động địa phương có tâm lý ổn định, yên tâm với công việc hơn. Mối quan hệ giữa lao động nhập cư với chính quyền nơi làm việc cũng như với doanh nghiệp có nhiều hạn chế, do đó ảnh hưởng không nhỏ tới việc xử lý các vấn đề liên quan đến lợi ích chung của các bên.

Bình đẳng hoá lao động nhập cư và lao động địa phương

Theo ông Đào Quang Vinh, Viện phó Viện khoa học lao động xã hội thì nên có một cơ quan chuyên trách đối với vấn đề di dân và lao động di cư. Trong những điều kiện như nhau lao động nhập cư có quyền được đối xử bình đẳng để đảm bảo rằng lao động là nguồn lực được phân bố một cách hiệu quả.

Về cơ bản, cần đảm bảo nơi ở ổn định cho lao động ngoại tỉnh hiện đang khoán trắng cho tư nhân. Vấn đề tuỳ thuộc vào nhiều khả năng phối hợp từ 3 phía: người lao động, doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi họ đến, đặc biệt có an cư thì mới lạc nghiệp, nên trong vấn đề nhà ở khi xét duyệt dự án hoặc mở mang các khu công nghiệp, nên quy định chủ doanh nghiệp phải dành một quỹ đất nào đó làm nơi ăn, nghỉ, xây nhà cho người lao động.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên hỗ trợ về mặt chăm sóc sức khoẻ. Về phía chính quyền địa phương nên tạo điều kiện về nhà ở, đăng ký tạm trú đối với công nhân ngoại tỉnh. Ngoài ra chính quyền cũng cần phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo an ninh và giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh. Về phía người lao động, cần có trách nhiệm tuân thủ các quy định đặt ra, thực hiện các nghĩa vụ, cùng với người dân sở tại giữ gìn và bảo vệ môi trường sống. Đây là một vấn đề có thể dẫn tới những hệ luỵ xã hội lớn, cần có sự quan tâm đúng mức của các ngành hữu quan.

Nên tăng cường phổ biến thông tin về thị trường lao động cũng như các chính sách và luật pháp về lao động cho các đối tượng lao động nhất là lao động nhập cư. Điều này sẽ giúp người lao động có được thông tin về các cơ hội việc làm, thông tin về quyền và nghĩa vụ của người lao động, giúp họ có được vị thế cần thiết khi đàm phán về các hợp đồng lao động.

Đối với những trường hợp lao động có đủ điều kiện định cư lâu dài, cần nhanh chóng chính thức hoá tình trạng cư trú của họ ở địa phương để giúp họ an tâm trong công việc và cuộc sống.

Không nên có các biện pháp hành chính cứng nhắc hạn chế di cư, chính sách phát triển đồng đều các vùng cần được trú trọng để giảm bớt mức độ di chuyển lao động và vì vậy sẽ giảm bớt gánh nặng về các vấn đề kinh tế và xã hội của địa phương. Mặt khác, tại các khu công nghiệp cần có chế tài để các đơn vị thực hiện nghiêm việc dành một phần quỹ đất xây dựng các khu dân cư cho người lao động.

Nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động, đặc biệt với nhóm lao động nhập cư và lao động nghèo để các yếu tố về nguồn vốn con người của họ được nâng cao, giảm bớt mức chênh lệch về thu nhập và đời sống với các nhóm lao động khác.

Theo Thời báo Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên