![]() |
Để có thể hái được trái xoay, phải níu vào một sợi dây thừng rồi đu lên như... lính đặc nhiệm |
Tờ mờ sáng, từ phía trạm xăng dầu thị trấn Kbang, nhiều người dân đã tụ tập mang theo dây thừng, dao rựa, cơm nắm... Chị Đinh Thị Mốt, người dân ở thị trấn Kbang, cho biết mặc dù mùa quả xoay đến đầu tháng 9 mới chính thức bắt đầu nhưng từ thời điểm này, nhiều người đã tìm hái quả non đem về ủ để bán.
“Luật” rừng xoay
Cùng đi với chị Mốt là anh Lê Văn Quyết, chồng chị và một người hàng xóm. Anh Quyết cho biết muốn hái được xoay ngoài khả năng leo dây, thông thuộc đường rừng thì mỗi nhóm có ít nhất ba người và nhất thiết phải có đàn ông đi kèm. “Vào tít rừng sâu rất nguy hiểm, bất trắc xảy ra chỉ trong chớp mắt, nhóm nào cũng cần phải có một người đàn ông đi cùng để tránh gặp thú dữ và những nhóm hái xoay khác tranh giành” - anh Quyết nói.
Chị Mốt cho biết hai vợ chồng năm nào cũng lên rừng hái xoay. Đó là nguồn thu nhập đáng kể được ví như lộc của rừng giúp gia đình có cái ăn, cái mặc và tiền mua sách cho con bước vào năm học mới.
Không chỉ có nhóm chị Mốt mà tất cả người đi hái xoay khác đều là những người nghèo khổ. Anh Quyết bảo vì nghèo mới dám mạo hiểm vào rừng hái xoay, đối mặt với rất nhiều hiểm nguy chực chờ. Mỗi ngày, nếu may mắn hái được vài chục ký quả xoay chia nhau cũng được gần 100.000 đồng mỗi người.
Theo kinh nghiệm của dân trong nghề, trái xoay hầu như chỉ xuất hiện ở những cánh rừng thuộc xã Sơn Lang, tập trung nhiều nhất là rừng thuộc lâm trường Sơ Pai, lâm trường 3, lâm trường 4, K8, bến 11. Đây đều là những cánh rừng nguyên sinh có nhiều cây xoay đường kính lớn tới 2-3 người ôm và cao 40-50m.
Chỉ với một con dao buộc ngược lưỡi sau lưng, một sợi dây rừng chắc chắn buông xuống thòng lọng buộc từ đỉnh đọt xoay, hai anh Đoàn Ngọc Minh và Trần Sấu, nhà ở tổ 3, thị trấn Kbang, đu mình rồi leo phắt lên tận đọt cây xoay cao khoảng 40m! Ngay lập tức, liên tiếp những cành xoay to bằng bắp tay được đốn hạ và rụng xuống để người ở dưới kéo ra khoảng đất trống ngồi hái quả.
Anh Sấu cho biết những gốc xoay đã có người hái trước thường để lại dây leo thòng lọng hoặc “sào ken” (những cây gỗ nhỏ được buộc ôm sát vào thân cây để bấu tay leo lên ngọn). Nhưng nếu gặp một cây xoay chưa từng có người hái nằm ở khoảng trống, thẳng đuột và không có dây leo thì cách duy nhất để tiếp cận ngọn cây là phải dựa vào những cây nhỏ gần đó để leo lên ngọn. Từ ngọn, lợi dụng sức nặng để đu vươn qua áp sát ngọn cây xoay.
Dân hái xoay cho biết chuyện người hái xoay bị ngã năm nào cũng xảy ra, ít thì vài vụ, nhiều thì hàng chục vụ, có năm chết đến năm người. “Chủ yếu là do trượt chân, đứt dây, đổ ngọn và gãy “ken” buộc. Cây xoay nào cũng cao từ 30m trở lên, chỉ cần trượt chân là ngã và coi như banh xác” - anh Đinh Văn Tiến, người dân ở làng Buôn Lưới, Sơ Pai, kể. Cách đây hai năm, câu chuyện một người đàn ông quê ở Nam Định rơi từ đọt xoay cao 35m, chết nát người tại cánh rừng Sơ Pai vẫn là nỗi kinh hoàng trong ký ức của nhiều người đi rừng.
Ngoài đối mặt với cái chết cận kề, người hái xoay còn phải đối diện với những “đại ca”, “đầu gấu”, “cai xoay”... ở khu vực các bìa rừng. Anh Sấu cho biết trước đây anh thường hái xoay ở khu vực lâm trường 3 nhưng giờ không dám bén mảng đến đó nữa vì ở khu vực cổng rừng luôn xuất hiện những tay “đầu gấu” hình xăm đầy mình, vác mã tấu chặn ở bìa rừng chờ gặp người đi hái xoay là trấn lột, bắt chia đôi, nếu không sẽ bị “xử”...
“Vào rừng ai cũng phải hiểu “luật” là gốc nào đã có chủ rồi thì đừng có đụng vào, nếu không choảng nhau như chơi. Có người độc chiếm cây xoay cả chục năm. Hằng năm, khi xoay đơm hoa đã có người đến khắc tên đánh dấu cho biết xoay đã có chủ để người đến sau chớ có đụng vào. Dân ở xa đến đây chỉ có đi mót lại những cây nào đã hái, còn cây nguyên thì hầu như những trùm xoay đã xí phần từ trước” - anh Trần Hiếu Toản, một người dân hái xoay, kể.
![]() |
Anh Đoàn Ngọc Minh vặt những trái xoay vừa được đốn xuống - Ảnh: Bá Dũng |
Khóc... xoay
Xoay là thứ đặc sản dùng ăn sống hay ngào chung với đường rất ngon nên dân thành thị rất ưa chuộng, thương lái lùng sục, thu gom nên dòng người lên rừng hái xoay mỗi năm càng nhiều. Những cánh rừng xoay vì vậy thi nhau bị vặt trụi, trơ ngọn. Dọc các cánh rừng, nhiều cây xoay bị cưa trụi, những cành lớn bằng bắp chân nằm héo quặt dưới những gốc cây cổ thụ. Các rừng xoay đang bị vắt kiệt khả năng cho quả, “lộc rừng” cũng ngày một khan hiếm dần.
“Mấy năm trước, có ngày gặp may chúng tôi kiếm được cả triệu đồng vào mùa xoay nhưng ngày càng ít dần. Năm nay xoay được mùa nhưng người ta đã hái sắp hết rồi, những người đi sau xem như trắng tay” - một người hái xoay nói.
Ông Vũ Đình Hiền, giám đốc lâm trường Sơ Pai, cho biết cây xoay thuộc nhóm lâm sản phụ được phép khai thác nên không thể cấm người dân vào rừng hái. Lâm trường chỉ cử cán bộ vào tận nơi tìm gặp người dân để quán triệt việc không triệt đốn những cành chủ, ảnh hưởng đến cây xoay.
Còn theo ông Võ Ngọ - phó giám đốc Công ty lâm nghiệp Krôngba (Lâm trường 3), đối với số xoay trong khu vực quản lý của lâm trường đều đã được giao cho dân quản lý và khai thác, quán triệt không để người dân lạ từ bên ngoài tràn vào, đồng thời vận động dân khai thác đúng quy cách để bảo vệ rừng xoay.
Bà H’Ngân, phó chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết UBND huyện đã chỉ đạo các lâm trường và các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác bảo vệ, quản lý và giám sát rừng để hạn chế tình trạng khai thác xoay không đúng cách, ảnh hưởng hệ sinh thái rừng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận