21/03/2015 11:17 GMT+7

​Xin lỗi và phải sửa lỗi

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - Huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) vừa có 400 thư xin lỗi do trễ hẹn trong việc giải quyết hồ sơ nhà đất. Động thái này khiến người dân hết sức bất ngờ nhưng rất hài lòng.

Giải quyết hồ sơ nhà đất tại quận Gò Vấp,TP.HCM - Ảnh: Tuổi Trẻ

Thật ra thì việc lãnh đạo chính quyền xin lỗi dân không phải là không có, nhưng cùng một lúc có tới hàng trăm thư xin lỗi dân, nhất là xin lỗi về chậm trễ trong thủ tục hành chính - một lĩnh vực rất bức xúc hiện nay - có lẽ chưa nơi nào làm.

Xin lỗi dân là biểu hiện văn minh, các nước vẫn coi đây là điều bình thường. Ở nước ta, chuyện xin lỗi dân cũng đang dần trở thành một biểu hiện quen thuộc. Các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh (thành phố) hoặc các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thường xin lỗi dân trên phương tiện thông tin đại chúng.

TP Đà Nẵng đã có văn bản quy định các cơ quan trực thuộc phải xin lỗi công dân, tổ chức khi giải quyết trễ hẹn hồ sơ thủ tục hành chính, nếu lỗi thuộc về công chức, viên chức trực tiếp xử lý hồ sơ mà không có lý do chính đáng thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật hoặc thay đổi vị trí công tác.

Đáng tiếc các vị lãnh đạo cấp cơ sở, nơi gần dân và sát dân, ít khi làm chuyện này. Không phải tất cả, nhưng sự thật là có nhiều nơi người dân rất khó gặp lãnh đạo, thậm chí khi có oan ức, đơn thư gửi liên tục nhưng chờ “dài cổ” mà vẫn bặt vô âm tín.

Cả đời chủ yếu chỉ thấy ông lãnh đạo kiểu “xa xa trông lờ mờ” tại các cuộc tiếp xúc cử tri, hoặc nhìn thấy trên tivi trong chương trình truyền hình địa phương để nói “những lời có cánh”. Thực tế này cho thấy chẳng mấy người dân dám mơ có một ngày nào đó lại nhận được thư xin lỗi từ các vị đang ngồi sâu trong chiếc ghế quyền lực.

Từ một tình trạng như vậy, chuyện lãnh đạo huyện Nhơn Trạch có hàng trăm thư xin lỗi dân “bỗng dưng” trở thành của hiếm. Cái của hiếm này rất dễ làm rung động lòng người, dễ làm thỏa mãn nỗi niềm dai dẳng ẩn chứa bấy lâu.

Đây mới chỉ bước đầu sơ khởi, nhưng là một tín hiệu tốt trong cách hành xử với dân của chính quyền địa phương. Nó không chỉ khẳng định nếp sống văn hóa của cơ quan công quyền mà đằng sau lời xin lỗi còn là sự xác định trách nhiệm trong tinh thần trọng thị dân.

Điều quan trọng hơn là những việc làm tiếp theo sau lời xin lỗi. Đó là chính quyền sẽ sửa lỗi như thế nào? Nếu không sửa được lỗi thì lời xin lỗi cũng chẳng có mấy giá trị nếu không muốn nói là còn tệ hơn không xin lỗi.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên