14/11/2012 11:55 GMT+7

Xin cấp sổ đỏ khi đất bị tranh chấp

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG(www.shlaw.vn)
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG(www.shlaw.vn)

TTO - * Ba tôi có mảnh đất tại Bình Dương và bắt đầu sống tại đó từ năm 1964. Đất hiện chưa có sổ đỏ, chỉ có giấy chứng nhận công nhận quyền sở hữu nhà cửa do Sở Xây dựng tỉnh Sông Bé cấp cho ba tôi đứng tên.

Thời Pháp thuộc, ba tôi có cho gia đình chú tôi sống chung (khoảng 20 năm) bằng cách dựng một căn nhà nhỏ kế bên. Sau giải phóng, chú tôi mua đất và ra riêng. Căn nhà đó sau này gia đình tôi sử dụng để kinh doanh và sinh sống cho tới nay. Khi chúng tôi chuẩn bị xong giấy tờ để xin cấp sổ đỏ và nhân viên nhà đất đang đo đạc thì bị người nhà chú tôi đến ngăn cản. Họ nói phần diện tích đất mà họ đã sống là đất của họ nên không cho đo.

Nhân viên nhà đất nói chỉ cấp sổ đỏ sau khi giải quyết tranh chấp. Hai gia đình đã thử hòa giải nhưng không thành.

Xin hỏi trong trường hợp này chúng tôi nên làm thế nào, liệu có đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ không? Ba tôi định khiếu nại gia đình chú tôi thì cần những thủ tục gì? Có cơ hội thắng kiện không?

Cám ơn luật sư.

MTram Van (mtram.van@... )

- Trả lời:

Theo thư của ông, tôi hiểu cha ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa và có ghi nhận phần diện tích đất mà gia đình chú ông đang tranh chấp.

Cũng theo trình bày, tôi cho rằng nhà đất hiện tại thuộc chủ quyền hợp pháp của gia đình ông. Theo quy định của Luật đất đai thì trường hợp của ông chỉ là việc cấp đổi chủ quyền (vì giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa là 1 trong các giấy tờ hợp pháp mà Luật đất đai công nhận). Tuy nhiên, việc cấp đổi gặp phải tranh chấp của gia đình chú ông, nên để được cấp đổi giấy chứng nhận (giấy đỏ) trước nhất phải giải quyết xong vấn đề tranh chấp đó.

Theo quy định của Luật dân sự và đất đai hiện hành, việc tranh chấp của gia đình ông sẽ do tòa án giải quyết. Các thông tin đã nêu trong thư, ông có thể trình bày với tòa án để làm căn cứ giải quyết. Trong quá trình giải quyết ông nên trình bày và trưng ra các chứng cứ như:

- Nguồn gốc do ai tạo lập khu đất;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cửa;

- Các chứng cứ cho thấy gia đình ông đã sử dụng liên tục từ năm 1975 cho tới nay không có ai tranh chấp (chiếm hữu công khai ngay tình liên tục trên 30 năm thì người chiếm hữu sẽ là chủ sở hữu không phụ thuộc vào các tình tiết khác).

Trình tự thủ tục khởi kiện:

Hòa giải cơ sở trước khi khởi kiện: theo Điều 135 và 136 Luật đất đai thì việc tranh chấp đất đai phải được hòa giải cơ sở. Theo đó, một trong các bên tranh chấp có thể gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất để yêu cầu hòa giải tranh chấp. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải tranh chấp đất đai.

Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ) kể từ ngày nộp đơn. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Trường hợp các bên tranh chấp không thể hòa giải được hoặc UBND xã, phường, thị trấn không thể tiến hành hòa giải được (do vắng mặt các bên liên quan) thì sẽ lập biên bản và hướng dẫn các bên nộp đơn khởi kiện tại tòa án để giải quyết.

Một trong các bên tranh chấp có quyền làm đơn khởi kiện theo mẫu, nộp cho tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Kèm theo đơn khởi kiện là các chứng cứ và trình bày hợp lý nhằm chứng minh rằng mình là người có quyền sử dụng đất hợp pháp.

Thân ái chào ông.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: diaoc@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

Địa ốc Tuổi Trẻ Online

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG(www.shlaw.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên