09/09/2015 10:48 GMT+7

Xét xử vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Hai bị cáo bị đưa ra xét xử về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em gồm Phạm Thị Nguyệt (45 tuổi, quê Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (người quản lý nhà mở tại chùa Bồ Đề)

Hai bị cáo Nguyệt và Trang tại tòa sáng 9-9

Sáng 9-9, TAND quận Long Biên, Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề hồi tháng 7-2014. 

Trước đó, ngày 28-8, phiên tòa đã phải hoãn xử một lần vì đại diện hợp pháp của bị hại và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Bị hại - trẻ bị mua bán trong vụ án là cháu Phạm Gia Bảo (đã mất, độ tuổi từ 7-8 tháng).

Phi vụ mua bán bé trai giá 35 triệu đồng 

Cháu Phạm Gia Bảo là con ngoài ý muốn của chị Trần Thị Thu Hà (24 tuổi) và anh Vũ Xuân Trường (31 tuổi). Sau khi sinh Bảo, chị Hà và anh Trường đã đem con đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.

Chị Hà nói dối sư trụ trì Thích Đàm Lan cháu bé là con của người khác. Sư trụ trì Thích Đàm Lan đã hướng dẫn chị Hà gặp Nguyễn Thị Thanh Trang là quản lý nhà mở (trông trẻ) ở chùa Bồ Đề để làm thủ tục tiếp nhận cháu bé.

Tháng 10-2013, trong một hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề, anh Nguyễn Thành Long (40 tuổi) đã gặp cháu Bảo và xin được nhận là cha đỡ đầu của cháu, đồng thời đặt tên cháu là Cù Nguyên Công.

Sau một thời gian qua lại và không thấy cháu Công ở trong chùa, nghi ngờ cháu bé bị bán, ngày 30-7-2014, anh Nguyễn Thành Long đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác minh và xác định Phạm Thị Nguyệt là người đã mua cháu Cù Nguyên Công từ chùa Bồ Đề vào tháng 1-2014.

Kiểm tra nơi ở của Nguyệt, cơ quan điều tra đã phát hiện Nguyệt đang nuôi 2 cháu bé là Phạm Đức Anh (sinh năm 2012) và Phạm Gia Hân (tức Trần Vũ Gia Hân, sinh năm 2013).

Cáo trạng xác định Phạm Thị Nguyệt không có việc làm ổn định, đang nhận nuôi hai cháu là Nguyễn Thế Huy (con của chị Nguyễn Tố Uyên) và cháu Phạm Gia Hân (con của chị Vũ Hậu Giang). Nguyệt thỉnh thoảng đi lễ tại chùa Bồ Đề nên đã quen Nguyễn Thị Thanh Trang.

Biết Trang làm quản lý nhà mở, Nguyệt đã nhờ Trang tìm cho một cháu trai khỏe mạnh để Nguyệt nhận làm con nuôi và hứa sẽ bồi dưỡng tiền cho Trang. Do cần tiền chi tiêu nên Trang đồng ý.

Trang cho Nguyệt biết anh Nguyễn Thành Long đã nhận làm cha đỡ đầu của cháu Công và hứa gửi công đức cho nhà chùa 50 triệu đồng, nếu Nguyệt muốn nhận nuôi cháu Công thì chi tiền. Nguyệt hứa sẽ đưa cho Trang 40 triệu đồng khi nhận được cháu bé.

Sau khi thỏa thuận xong với Nguyệt, Trang nói với chị Hà có người chị dâu của Trang muốn nhận cháu bé về làm con nuôi. Trang nhờ người đóng giả làm chị dâu đến thuyết phục chị Hà cho con và được chị Hà đồng ý.

Trang đã hướng dẫn chị Hà đến chùa Bồ Đề viết đơn xin lại con với mục đích đưa cháu Cù Nguyên Công ra khỏi chùa. Sau khi nhận cháu Công, Nguyệt đã đưa cho Trang 35 triệu đồng. Trang gửi 10 triệu đồng vào tài khoản của chị Hà, còn 25 triệu đồng để chi tiêu cá nhân.

Nguyệt mang cháu Công về nuôi dưỡng cùng 2 cháu Phạm Đức Anh và Phạm Gia Hân. Quá trình nuôi dưỡng, cháu Công bị mắc bệnh sởi nặng nên đã chết vào ngày 24-6-2014.

Cơ quan điều tra đã tiến hành khai quật tử thi cháu Cù Nguyên Công. Kết luận giám định ADN cho thấy cháu Cù Nguyên Công chính là Phạm Gia Bảo, con của chị Trần Thị Thu Hà và anh Vũ Xuân Trường.                                                         

Tại tòa, chị Trần Thị Thu Hà có mặt với tư cách là đại diện hợp pháp của bé Phạm Gia Bảo. Anh Vũ Xuân Trường vắng mặt. Tòa xét thấy việc vắng mặt anh Trường không ảnh hưởng đến nội dung vụ án nên vẫn tiếp tục xét xử.

Các cháu bé ở chùa Bồ Đề được đưa lên xe về Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật - Ảnh: Bá Quỳnh

Hành trình của cháu bé bị bỏ rơi

Trình bày trước tòa, bị cáo Phạm Thị Thanh Trang cho biết từ tháng 10-2010, bị cáo làm nhiệm vụ chăm sóc các trẻ em mồ côi bị bỏ rơi tại chùa.

Sư Thích Đàm Lan là người tổ chức việc nuôi trẻ và nhận bị cáo vào chùa để làm quản lý khu nhà Mở (nhà trông trẻ) với khoảng hơn 100 cháu bé và gần 90 cụ già. Bị cáo có nhiệm vụ phân công độ tuổi các cháu, phân công người chăm sóc, xin học cho các cháu, đi họp phụ huynh cho các cháu...

Tháng 10-2013, chị Hà và anh Trường mang cháu Cù Nguyên Công đến Chùa Bồ Đề gửi. Chị Hà làm đơn nói dối cháu Công là con của bạn, chỉ gửi tạm trong chùa, chờ bạn đến đón.

Biết số lượng trẻ trong chùa đã quá đông, sợ UBND quận Long Biên kiểm tra nên Trang không ghi tên cháu Công vào sổ.

Khi chia sẻ với chị Hà, Trang biết chị Hà  sinh cháu Công trong nhà nghỉ, không có giấy tờ gì, không có điều kiện nhận lại con nên muốn cho con đi làm con nuôi.

Tháng 8-2012, Trang quen biết Phạm Thị Nguyệt khi Nguyệt mang cháu bé bị nhiễm HIV đến chùa gửi. Đầu năm 2013, Nguyệt đặt vấn đề với Trang khi nào có bé trai bị bỏ rơi, khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV thì cho Nguyệt nhận làm con nuôi.

Sau đó, Trang nhờ một người tên Minh (không rõ họ, bán hàng ở chùa Bồ Đề) đóng giả làm chị dâu của mình để gặp chị Hà xin con.

Trả lời tòa về lý do không cho Nguyệt gặp Hà trực tiếp, bị cáo Trang cho biết vì Nguyệt không muốn sau này chị Hà gặp con trong quá trình Nguyệt nuôi dưỡng. Nguyệt hứa sau khi xin được con sẽ bồi dưỡng cho Trang và chị Hà 40 triệu đồng.

Được chị Hà đồng ý cho con, ngày 1-1-2014, cháu Công được đưa ra khỏi chùa để đi xét nghiệm HIV và viêm gan B. Sau khi có kết quả khỏe mạnh, cháu Công được giao cho Phạm Thị Nguyệt.

Sau khi nhận cháu Công, Nguyệt trả công cho Trang 35 triệu đồng. Trang chuyển vào tài khoản cho chị Hà 10 triệu đồng. Số tiền còn lại Trang tiêu xài hết.

“Việc nuôi cháu, chăm sóc cháu rồi lại mang cho Nguyệt, bị cáo nghĩ gì về hành vi của mình? Bị cáo không sinh ra cháu Công, sao mang bé đi bán, rồi còn nhận tiền?”- Tòa hỏi.

- “Lúc đó bị cáo không nghĩ gì, hơn 100 ngày bị giam trong trại, bị cáo rất hối hận về hành vi của mình” - Trang đáp. 

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên