Bị cáo Phạm Công Danh bị dẫn giải sau phiên tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Việc mua lại ngân hàng 0 đồng là không phù hợp với pháp luật?
Luật sư phân tích rằng theo kết quả thẩm vấn tại phiên tòa và hồ sơ vụ án cho thấy Phạm Công Danh (chủ tịch HĐQT VNCB, tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) trong điều kiện nó đang lỗ, mà trước đó nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn đại diện) muốn chuyển nhượng cho ông Hà Văn Thắm với chỉ một điều kiện duy nhất “cốt sao các thành viên HĐQT được bình yên”.
Luật sư cho rằng bị cáo Danh đổ tiền vào cứu Đại Tín và cuối cùng sa lầy ở ngân hàng này. Sau đó không thể rút chân ra do đầu tư quá nhiều tiền vào đây.
Đồng thời, theo kết luận của cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước thì trước thời điểm khởi tố vụ án (26-7-2014) vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.000 tỉ đồng, tổng nợ phải trả 38.000 tỉ đồng, tổng tài sản là 16.000 tỉ đồng, trong khi đó, báo cáo của Tỉnh ủy Long An cho thấy dư nợ của nhóm Phương Trang với ngân hàng này lên đến 15.000 tỉ đồng, vậy nguyên nhân chính gây âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế của VNCB đã tính đến các khoản dư nợ còn tồn đọng cực lớn nêu trên?
Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh hỏi và cũng trả lời: “Làm rõ được vấn đề này sẽ làm sáng tỏ được nguyên nhân VNCB âm vốn, bị coi là thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng và sẽ lý giải được tận gốc rễ nguyên nhân ông Phạm Công Danh có các hành vi sai phạm nhằm “giải cứu” Ngân hàng Đại Tín theo sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước”.
Liên quan đến số phận của ngân hàng này, luật sư cũng phân tích và cho rằng khi Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông VNCB với giá 0 đồng/1 cổ phần chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của VNCB mà chưa được giải thích thỏa đáng cho 554 cổ đông, đặc biệt có liên quan đến xử lý các quyền lợi và tài sản đảm bảo của Tập đoàn Thiên Thanh và của ông Phạm Công Danh.
Luật sư cho rằng biện pháp mua lại 0 đồng trong bối cảnh vụ án hình sự liên quan VNCB đã được khởi tố điều tra là không hợp pháp bởi không có quy định nào đề cập về biện pháp mua bắt buộc bằng 0 đồng.
Điều khiến luật sư thắc mắc chính là khi mua bằng 0 đồng thì các tài sản VNCB đang nắm giữ để bảo đảm cho các dư nợ tín dụng xử lý như thế nào và các cổ đông có quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước công bố tổng giá trị số tài sản thế chấp (là những tài sản hợp pháp của cổ đông) hiện nay tại VNCB vào thời điểm xảy ra vụ án hay không?
Chưa xem xét cân đối các khoản tiền
Ngoài những vấn đề trên, luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cũng cho rằng các cơ quan tố tụng chưa xem xét cân đối các khoản tiền khắc phục hậu quả của vụ án. Theo phần luận tội thì bị cáo Danh gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng cho VNCB.
Do đó, luật sư đề nghị số tiền 4.500 tỉ đồng được nộp vào tài khoản để tăng vốn điều lệ kèm tính lãi đến nay khoảng 500 triệu cần được xem xét.
Thứ 2, số tiền 3.600 tỉ đồng do ông Danh đã chuyển vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn nhưng hợp đồng chưa được bà Phấn thực hiện nên cần phải được xem xét thu hồi số tiền này. Nếu các cơ quan tố tụng không xem xét các khoản tiền này thì phải tính toán đến các tài sản là giá trị quyền sử dụng đất 9 ha tại quận 2 và 24 ha đất tại huyện Nhà Bè, TP.HCM cho việc khắc phục hậu quả vụ án.
Riêng về khoản tiền 5.490 tỉ được cho là bị cáo Danh chỉ đạo rút ra khỏi tài khoản của khách hàng Trần Ngọc Bích khi chưa được sự đồng ý của khách hàng này, tại tòa ông Danh cho rằng đây là khoản tiền vay của ông Danh và nhóm bà Bích.
Tuy nhiên, nếu nhóm bà Trần Ngọc Bích phủ nhận mối quan hệ vay này, sử dụng 3 hợp đồng tiền gửi giả cách nhằm yêu cầu VNCB tất toán và hoàn trả 124 sổ tiết kiệm thì yêu cầu này cần được giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự như cách mà nhóm Trần Ngọc Bích đã khởi kiện VNCB ra Tòa án nhân dân quận 3.
Danh phạm tội thì Bích là đồng phạm?
Luật sư cũng lập luận rằng nếu quy buộc bị cáo Phạm Công Danh có hành vi cố ý làm trái, vi phạm Luật kế toán năm 2003, Luật các tổ chức tín dụng khiến cho đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 5.490 tỉ đồng bị coi là thiệt hại thì bà Trần Ngọc Bích và các cộng sự của bà Bích chính là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh trong hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nếu cho rằng không thể xem xét trách nhiệm của bà Bích thì là không công bằng về mặt đánh giá chứng cứ.
Đồng thời, nếu xác định nhóm Trần Ngọc Bích không có dấu hiệu đồng phạm thì rõ ràng, bản chất là giao dịch giữa hai bên là giao dịch dân sự, không có yếu tố hình sự và VNCB không bị thiệt hại vì hiện nay VNCB vẫn đang nắm giữ 124 sổ tiết kiệm.
Do đó, luật sư đề nghị cần tách khoản tiền 5.490 tỉ đồng ra khỏi phạm vi xác định hậu quả thiệt hại liên quan hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy buộc cho ông Phạm Công Danh.
Như vậy, luật sư đề nghị hoặc là HĐXX xem xét toàn diện vụ án để đánh giá thiệt hại, hoặc nếu không thể làm rõ tại phiên tòa thì HĐXX cần trả hồ sơ để điều tra lại.
Đề nghị áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho Nguyễn An Vinh Trong phần bào chữa chiều nay, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn An Vinh (giám đốc Công ty Nhất Nhất Vinh, được cáo trạng xác định đã ký khống vào các hợp đồng vay tiền của VNCB. Vinh bị VKS đề nghị mức án 3 năm tù cho hưởng án treo) đề nghị HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với Vinh. Vinh là cháu nội của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, có cha là Nguyễn An Định là họa sĩ. Bản thân Vinh là họa sĩ nên không biết gì về hoạt động kinh doanh, khi được vợ nhờ làm giám đốc thì làm chứ không biết gì. Luật sư đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Đồng thời, luật sư cũng đề nghị HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng mà giảm nhẹ mức án cho vợ của Vinh là Bùi Thị Hà Thu (bị đề nghị mức án 3-4 năm tù) được hưởng án treo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận