16/08/2016 10:04 GMT+7

Đại án 9.000 tỷ: làm rõ nhiều nội dung sau phần thẩm vấn

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sau khi nhận tái cấu trúc, thành lập Ngân hàng xây dựng VNCB, Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã có  hàng loạt sai phạm trong hoạt động, cho vay khiến VNCB thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng.

Bị cáo Phạm Công Danh (bìa phải) tại phiên xử ngày 16-8 - Ảnh: Hoàng Điệp

Sau gần 1 tháng làm việc, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và 35 đồng phạm trong đại án thất thoát hơn 9.000 tỷ tại ngân hàng này đã chuyển sang phần luận tội. 

Việc xác định hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo sẽ được đại diện Viện KSND TP.HCM thực hiện trong ngày hôm nay 16-8.

Vì muốn có một ngân hàng Xây dựng

Gần 1 tháng làm việc vừa qua, các nội dung được nêu trong cáo trạng đã được hội đồng xét xử (HĐXX), đại diện Viện kiểm sát và các luật sư làm rõ.

Theo đó, bắt đầu từ cuối năm 2011 từ nhu cầu cần có một ngân hàng chuyên về xây dựng, Phạm Công Danh - tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh đề xuất thành lập một ngân hàng xây dựng. Tuy nhiên, đề xuất này của Danh đã không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Đồng thời, khi đó, ngân hàng Đại Tín (TrustBank) do nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn sở hữu đang rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ. Kết luận thanh tra cho thấy, ngân hàng này lỗ khoảng 11.000 tỷ đồng và có khoảng 11.000 tỷ đồng là nợ khó đòi.

Qua các mối quan hệ khác nhau, đầu năm 2012 Phạm Công Danh đã được “gợi ý” nhận tái cấu trúc ngân hàng Đại Tín. Thời điểm này, bà Phấn cũng có ý định chuyển giao ngân hàng lại cho ông Hà Văn Thắm - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương với điều kiện là giữ lại đội ngũ cán bộ nhân viên của TrustBank. 

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận phương án giao cho ông Hà Văn Thắm, bởi ngân hàng của ông Thắm cũng đang làm ăn thua lỗ.

Ngân hàng Đại Tín được chuyển giao cho Phạm Công Danh vào tháng 6-2012 với số tiền được Danh khai đưa cho ông Thắm là 500 tỷ đồng (môi giới) và Danh thỏa thuận trả cho nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn số tiền là 4.600 tỷ đồng để tiếp nhận cả nợ nần cũng như toàn bộ tài sản thế chấp của các khách hàng tại ngân hàng này.

Sau khi tiếp nhận Đại Tín, Phạm Công Danh và nhóm 20 cổ đông mới đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Lý giải về việc chấp nhận mua lại Đại Tín với giá cao như vậy, Phạm Công Danh cho rằng do toàn bộ tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng này phần lớn là bất động sản, nên bị cáo có thể được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo Danh khai, khi bắt tay vào tái cấu trúc ngân hàng, mới thấy rằng việc huy động vốn rất khó khăn mà lại phải chi cho chăm sóc khách hàng rất nhiều tiền. Phạm Công Danh đã lấy tiền từ tập đoàn Thiên Thanh và vay ngoài để trả cho bà Hứa Thị Phấn và chăm sóc khách hàng.

Do ngân hàng đang được tái cấu trúc nên được kiểm soát rất chặt bởi tổ giám sát, VNCB cũng không được cho vay đi, mà chỉ được huy động tiền gửi vào.

Theo tính toán của Phan Thành Mai - nguyên Tổng giám đốc VNCB, mỗi ngày ngân hàng này phải trả khoảng 6 tỷ đồng cả tiền lãi lẫn chăm sóc khách hàng.

Hàng loạt sai phạm do cần tiền tái cấu trúc ngân hàng

Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành, tái cấu trú VNCB, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật, phạm vào các tội: cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, việc Phạm Công Danh và các đồng phạm đã lập đề án khống về việc nâng cấp CoreBanking để rút từ Ngân hàng Xây dựng ra số tiền 63 tỷ đồng; lập hợp đồng khống thuê trụ sở cho VNCB để rút ra số tiền 601 tỷ đồng (gây thiệt hại 581 tỷ đồng);  

Qua ủy thác đầu tư tín dụng với Quỹ Lộc Việt để rút ra 900 tỷ đồng; thực hiện việc cho vay đối với 14 công ty (12 con thuộc tập đoàn Thiên Thanh) với số tiền được giải ngân là 4.700 tỷ đồng (được xác định gây thiệt hại 2.000 tỷ đồng); tự ý chuyển khỏi tài khoản của khách hàng Trần Ngọc Bích và các cộng sự số tiền 5.490 tỷ đồng.

Tổng cộng số tiền mà cáo trạng xác định Danh và các đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB là hơn 9.000 tỷ đồng.

Tại phần xét hỏi và thẩm vấn tại  phiên tòa, các bị cáo cho rằng, đề án nâng cấp CoreBanking là đề án có thật, các bị cáo chỉ sử dụng tiền đó sai mục đích chứ không phải là khống.

Việc cho ký hợp đồng thuê mặt bằng làm trụ sở của Ngân hàng cũng là nhu cầu có thật của ngân hàng; rút 900 tỷ ra khỏi tài khoản của ngân hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư vốn cũng để duy trì sự phát triển của ngân hàng chứ các bị cáo không được hưởng lợi gì;

Việc chuyển tiền khỏi tài khoản của khách hàng Trần Ngọc Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh là nhận được sự đồng thuận của khách hàng, các bị cáo chỉ sai ở chỗ để cho khách hàng nợ chứng từ và treo chữ ký.

Việc cho các doanh nghiệp của Thiên Thanh vay 4.700 tỷ đồng, theo các bị cáo cũng đều bảo đảm có tài sản thế chấp…

Mong muốn được khắc phục hậu quả

Tại phần xét hỏi, bị cáo Phạm Công Danh nhiều lần đề nghị được bán các tài sản để khắc phục hậu quả. Các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cũng cho thấy, ngoài số tiền được xác định là thiệt hại được nêu trong cáo trạng thì Phạm Công Danh đã nộp được 4.500 tỷ vào tài khoản Ngân hàng Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho VNCB; chuyển trả cho bà Hứa Thị Phấn 3600 tỷ; 

Các tài sản thế chấp tại Đà Nẵng được xác định là 2.600 tỷ và thực chất số tiền của khách hàng Trần Ngọc Bích 5.490 tỷ là quan hệ vay dân sự giữa Danh và nhóm bà Bích.

Về số tiền 5490 tỷ này, ngân hàng Xây dựng cho rằng, họ chưa bị thiệt hại bởi hiện họ đang giữ 124 sổ tiết kiệm có 5.881 tỷ của khách hàng. 

HĐXX làm rõ số tiền đóng góp của bị cáo Phạm Công Danh tại tập đoàn Thiên Thanh để xác định tài sản thuộc quyền định đoạt của bị cáo để có thể khắc phục hậu quả vụ án.

Đại diện VKS đang luận tội với các bị cáo.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên