Bị cáo Hoàng Đình Quyết được dẫn giải đến tòa - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Ngày 23-8, ngày tiếp theo của phiên xử Phạm Công Danh và 35 đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng xảy ra tại VNCB, HĐXX TAND TP.HCM tiếp tục nghe phần tự bào chữa của các bị cáo.
Không sai trong việc cho vay
Bào chữa cho hành vi “vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bị cáo Quyết phản đối luận tội của VKS về việc Quyết lập hồ sơ cho vay theo đề nghị của Danh.
Quyết khẳng định tất cả các hồ sơ vay của khách hàng gửi đến đều hợp pháp, có hồ sơ pháp lý, có phương án sử dụng vốn, có phương án trả nợ, có tài sản đảm bảo, vốn đối ứng 30% đã được thực hiện… nên VKS cho rằng bị cáo không thẩm định hồ sơ là không đúng.
Về việc thu hồi khoản vay nếu thiệt hại xảy ra, bị cáo Quyết cho rằng các luật sư đã làm rõ về thiệt hại, chỉ còn lại là phán quyết của HĐXX. Theo đó, nếu cho rằng 2.600 tỉ đồng này là số tiền trực tiếp trong nguồn nâng vốn điều lệ lên 4.500 tỉ đồng thì tiền này nằm trong VNCB, do đó không cần phải thu hồi ở đâu.
Ngoài ra còn một nguồn tiền nữa có thể thu hồi là khoản vay 220 tỉ đồng từ Công ty Thành Trí sau đó ông Nguyễn Tấn Lộc (nhân viên của Bích) đã rút ra 119 tỉ đồng. Quyết đưa ra công thức tính tại tòa cho thấy 119 tỉ đồng này là tiền lãi Thiên Thanh trả cho nhóm Bích nên cần phải thu hồi.
Bào chữa cho hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi Quyết thực hiện việc chuyển đi 5.190 tỉ đồng khỏi tài khoản của bà Bích khi không có sự đồng thuận của bà, Quyết tiếp tục khẳng định khoản tiền này hoàn toàn là quan hệ vay mượn giữa cá nhân bị cáo Danh và nhóm bà Bích chứ không liên quan gì đến VNCB.
Về việc bà Bích nhất quyết từ chối quan hệ vay mượn với ông Danh, bị cáo Quyết tố cáo với HĐXX việc bà Bích đã lợi dụng ngân hàng để chiếm đoạt tiền của Danh rồi đẩy rủi ro cho ngân hàng.
Ngoài ra, theo bị cáo Quyết, nếu tranh luận về việc Bích đã gửi tiền này vào ngân hàng, thì sau khi các khoản vay của 5.190 tỉ đồng đến hạn tất toán (tháng 8-2013), nếu Bích không trả thì ngân hàng hoàn toàn có thể tất toán các khoản vay này trên cơ sở các cuốn sổ tiết kiệm đã được thế chấp nên tài khoản của Bích cũng không thể còn tiền.
Do đó, bị cáo Quyết khẳng định người thiệt hại trong số tiền 5.190 tỉ đồng là ông Danh chứ bà Bích và VNCB chưa thiệt hại gì.
Mong muốn có một phán quyết lịch sử trong ngành tố tụng
Về hướng khắc phục hậu quả, bị cáo Quyết cho rằng phiên tòa này mới xét xử giai đoạn 1 của vụ án với thiệt hại 9.000 tỉ đồng, còn hồ sơ xác định, hậu quả của vụ án là thiệt hại 18.000 tỉ đồng, vì thế cần phải xem xét toàn bộ vụ thiệt hại.
Quyết phân tích nếu HĐXX mạnh dạn xác nhận những tình tiết đã được làm rõ tại tòa và coi số tiền 5.490 tỉ đồng của Trần Ngọc Bích là quan hệ dân sự, thì số tiền thiệt hại của cả hai giai đoạn còn lại là 13.300 tỉ đồng.
Từ con số này, Quyết làm phép tính: Hiện ngân hàng giữ 4.500 tỉ đồng (Danh nộp vào để tăng vốn điều lệ); 3.600 tỉ đồng bị cáo Danh đã trả bà Hứa Thị Phấn (chuyển vào tài khoản của bà Phấn ở VNCB); 619 tỉ đồng đã trả cho bà Bích (thể hiện trong cáo trạng từ tiền rút của VNCB); 2.700 tỉ đồng là tiền lãi mà bị cáo Danh đã trả lãi cho nhóm Trần Ngọc Bích bằng tài sản riêng của Danh; khoản tiền định giá tài sản các lô đất ở sân Chi Lăng (Đà Nẵng) tạm chấp nhận 2.600 tỉ đồng thì tổng số tiền thu được đã là 14.000 tỉ đồng.
Số tiền này dư để khắc phục hậu quả cả hai giai đoạn của vụ án.
Cuối phần tự bào chữa, bị cáo Quyết nói với những bằng chứng được làm rõ, những diễn biến tại phiên tòa, bị cáo mong HĐXX sáng suốt, lật rõ bức tranh về vụ án này để có một phán quyết mang tính lịch sử trong ngành tố tụng Việt Nam.
Hoàng Đình Quyết bị truy tố xét xử về hai tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Mức án mà VKS đề nghị đối với Quyết là 20- 22 năm tù. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận