Sáu bị cáo là nhân viên ngân hàng Eximbank tại tòa - ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Sáu bị cáo trong vụ án là nhân viên ngân hàng này gồm: Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Thị Thi, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2017, Lê Nguyễn Hưng (nguyên phó giám đốc Eximbank TP.HCM) dùng thủ đoạn gian dối lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê, lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Bình tại Eximbank TP.HCM.
Đồng thời, Lê Nguyễn Hưng gian dối để các nhân viên Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ được giao, không đúng quy định của Eximbank dẫn đến việc Hưng chiếm đoạt tài sản của Eximbank TP.HCM.
Bằng thủ đoạn này, Lê Nguyễn Hưng đã rút tiền trong tài khoản tiết kiệm của bà Phùng Thị Phẩm (ngụ quận 7, TP.HCM) 10 tỉ đồng, bà Lê Thị Minh Quí (quận 7, TP.HCM) 9 tỉ đồng và 245 tỉ đồng từ các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình đang gửi tại Eximbank TP.HCM. Tổng cộng, Lê Nguyễn Hưng đã chiếm đoạt của Eximbank TP.HCM tổng cộng là 264 tỉ đồng.
Sau khi chiếm đoạt tiền của bà Phẩm và bà Quí, Hưng dùng để mua 850.000 USD của Công ty Anh Tùng. Hưng dùng 152 tỉ đồng chiếm đoạt của Eximbank TP.HCM trong tài khoản tiết kiệm của bà Bình để mua hơn 4.185 lượng vàng SJC của Eximbank TP.HCM. Số tiền còn lại Hưng rút ra chi tiêu cá nhân.
Ngoài ra trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định Lê Nguyễn Hưng có dấu hiệu thỏa thuận chi lãi ngoài cho khách hàng.
Hành vi của Lê Nguyễn Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do Hưng bỏ trốn, nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Lê Nguyễn Hưng. Đồng thời tạm đình chỉ điều tra vụ án, lúc nào bắt được Hưng thì sẽ xử lý sau.
Bà Chu Thị Bình được triệu tập đến tòa sáng nay - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Theo cáo trạng, việc bà Chu Thị Bình ký tên trên giấy ủy quyền và một số giấy tờ khống khác không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho Eximbank TP.HCM. Bởi vì dù có chữ ký của bà Bình trên giấy ủy quyền nhưng nếu nhân viên Eximbank thực hiện đúng quy định về trình tự thủ tục thì Lê Nguyễn Hưng không thể thực hiện hành vi rút tiền trong tài khoản của bà Chu Thị Bình do Eximbank TP.HCM đang quản lý.
Đối với bà Nguyễn Thị Hồng Lê, bà Lê không biết việc Lê Nguyễn Hưng giả mạo ký tên bà mở tài khoản và giao dịch chuyển, rút tiền, lập ủy quyền để chiếm đoạt tiền của ngân hàng Eximbank TP.HCM nên không đề cập xử lý.
Đối với hoạt động mua bán vàng, ngoại tệ của Công ty Anh Tùng, quá trình điều tra xác định các nhân viên công ty này đã giao dịch mua bán vàng và USD với Lê Nguyễn Hưng nhưng không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu trốn thuế.
Ngày 28-6, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Cục Thuế TP.HCM thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Công ty Anh Tùng, nếu có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển Cơ quan điều tra thụ lý giải quyết sau.
Hiện nay Eximbank TP.HCM đã tạm ứng toàn bộ số tiền bị mất cho bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm, Lê Thị Minh Quí.
Sáng nay, bà Chu Thị Bình được TAND TP.HCM triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà - phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM - làm chủ tọa. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 23-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận