28/07/2021 12:21 GMT+7

Xét tuyển lớp 10 tại TP.HCM: Phương án 1 phù hợp nhất

H.HƯƠNG - TH.THƯƠNG
H.HƯƠNG - TH.THƯƠNG

TTO - Trong hai phương án xét tuyển vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 mà Sở GD-ĐT TP.HCM trình UBND TP ngày 26-7, các chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh và học sinh nghiêng hẳn về phương án 1 với lập luận phương án này phù hợp và công bằng.

Xét tuyển lớp 10 tại TP.HCM: Phương án 1 phù hợp nhất - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8 (TP.HCM) ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trước lúc nghỉ dịch - Ảnh: ANH KHÔI

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc phụ trách mảng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM), việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập trên địa bàn TP.HCM thì thi tuyển vẫn là phương án tốt nhất. Tuy nhiên, dịch bệnh đang căng thẳng mà năm học mới sắp đến rồi, giải pháp tình thế trong giai đoạn này chỉ có thể là xét tuyển.

Ủng hộ phương án 1

"Cá nhân tôi ủng hộ phương án 1 của Sở GD-ĐT TP. Theo đó, điểm xét tuyển vào lớp 10 thường là tổng điểm trung bình cả năm lớp 9 của môn văn - toán - ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có); điểm xét tuyển vào lớp 10 chuyên là tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn văn - toán - ngoại ngữ + điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn đăng ký thi chuyên x 2 + điểm khuyến khích (nếu có)" - ông Ngai nhận định.

Ông Ngai phân tích: về mặt lý thuyết, nhiều người sẽ nói phương án 1 không toàn diện bằng phương án 2 (xét tuyển dựa trên tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của môn văn - toán - ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có)). Thế nhưng, phải thừa nhận rằng quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh giữa các trường THCS là khác nhau (có trường làm rất "chặt" và ngược lại) nên nếu lấy kết quả của 4 năm THCS thì độ "chênh" sẽ rất lớn. Còn nếu chỉ lấy kết quả 3 môn năm lớp 9 thì độ "chênh" đỡ hơn do đề thi kiểm tra cuối học kỳ 2 năm lớp 9 là do các phòng GD-ĐT ra chung cho toàn quận, huyện. Mặt khác, kỳ tuyển sinh lớp 10 nếu có thi thực chất là một kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 nên lấy kết quả học tập năm lớp 9 của học sinh là hợp lý.

"Đã chấp nhận hình thức xét tuyển vào lớp 10 là chấp nhận một phương án tuyển sinh đặc biệt trong giai đoạn đặc biệt, không thể đòi hỏi có kết quả công bằng và khách quan như thi tuyển. Tôi chỉ hơi băn khoăn với số học sinh lớp 9 ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Đây là những học sinh giỏi, các em phải tham gia khảo sát đầu vào từ năm lớp 6 với tỉ lệ "chọi" rất cao. Chưa kể, môi trường giáo dục ở Trường Trần Đại Nghĩa cũng có nhiều ưu điểm. Nếu học sinh Trường Trần Đại Nghĩa tham gia xét tuyển cùng với học sinh các trường THCS khác và chỉ dựa trên điểm số học bạ của các em thì e là chưa thỏa đáng. Sở GD-ĐT TP nên nghiên cứu để có chế độ xét tuyển phù hợp đối với số học sinh này" - ông Ngai đề nghị.

Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cũng cho rằng phương án xét tuyển vào lớp 10 cho cả hệ chuyên và hệ thường là hợp lòng dân nhất trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay. Rõ ràng cách lấy điểm trung bình môn năm lớp 9 của các môn văn, toán, ngoại ngữ thì độ lệch điểm giữa các trường THCS sẽ không cao.

Xét tuyển lớp 10 tại TP.HCM: Phương án 1 phù hợp nhất - Ảnh 2.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8 (TP.HCM) nộp hồ sơ dự thi tuyển sinh lớp 10 Ảnh: NH.HÙNG

Nên có kỳ thi phụ

Là một trường nằm trong tốp đầu các trường THCS ở TP.HCM, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) có số học sinh đăng ký thi lớp 10 chuyên khá đông. Cô Lê Thị Thanh Giang, hiệu trưởng nhà trường, nêu ý kiến: "Dù chọn phương án nào đi nữa, tôi đều rất thương học sinh bởi các em đã chờ đợi rất lâu rồi, chỉ mong đợi "chốt" nhanh phương án nào. Tôi đồng ý chọn phương án 1, là dựa vào kết quả học tập của năm lớp 9. Bởi có em lớp 6, 7 học bình thường nhưng lớp 8, 9 lại rất nổi trội. Tuy nhiên, thiệt thòi nhất là học trò thi chuyên, học sinh các trường nổi tiếng. Vì vậy, tôi nghĩ cần bổ sung thêm "kỳ thi phụ" sàng lọc sau học kỳ I với học trò chuyên.

Cụ thể, qua học kỳ I của năm lớp 10, sở sẽ tổ chức lại một bài thi cho các em trúng xét tuyển vào trường chuyên, lớp chuyên và các em ở trường thường có nguyện vọng, có năng lực học chuyên mà không đủ điểm xét tuyển đầu vào. Nếu em nào thật sự giỏi thì sẽ ở lại để theo đuổi đam mê, năng khiếu của mình, còn em nào "trụ" không nổi sẽ "nhường ghế" cho các em khác ở trường thường vào".

Cô Hứa Thị Diễm Trâm, hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cũng chia sẻ cô chọn giải pháp xét tuyển lớp 10 từ kết quả học tập năm lớp 9. "Vấn đề ở đây là khi cào bằng với học trò thi chuyên sẽ như thế nào? Có em tôi biết rất ấm ức vì phải xét tuyển. Nên nếu là hiệu trưởng THPT, tôi phải tính toán, suy nghĩ phương án. Có thể là một tháng đầu sau khi vào chương trình lớp 10 hoặc hết học kỳ I sẽ cho các em thi để xếp lớp, lọc lại, nghĩa là hiệu trưởng trường THPT cần phân hóa ngay từ đầu. Có như vậy mới tìm ra được học sinh giỏi, chuyên thật sự để lên lớp 12 nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi TP, giỏi quốc gia hoặc các kỳ thi quốc tế khác. Đồng thời có môi trường công bằng để nuôi đam mê của các em" - cô Trâm nói.

Tương tự, TS Nguyễn Kim Dung, viện trưởng Viện khoa học giáo dục Nam Việt, đồng ý với phương án xét tuyển lớp 10 với các trường thường, lấy điểm trung bình của năm lớp 9, không nên lấy cả 4 năm; nhưng với trường chuyên, lớp chuyên thì phải tính lại. 

"Nếu xét lớp 10 chuyên ngay lúc này, chắc chắn sẽ vấp phải những dư luận không hay từ phụ huynh, học sinh, giáo viên. Tôi đề xuất tuyển sinh lớp 10 gồm hai giai đoạn. Thứ nhất, đưa tất cả học sinh hệ lớp thường và chuyên vào lớp 10 theo phương án xét tuyển kết quả học tập năm lớp 9. Thứ hai, với các em thi chuyên, từ đây đến tháng 9, nếu dịch vẫn còn thì tùy theo nguyện vọng, số lượng đăng ký sẽ tổ chức thi online hoặc offline... Vội vàng xét ngay thì tính công bằng không có, vì thi vào chuyên ngoài kiến thức và đam mê còn có nguyện vọng" - bà Dung đề xuất.

Cào bằng là không công bằng

Anh Vũ Long Thành (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết anh đồng ý phương án xét tuyển lớp 10 lấy kết quả học tập lớp 9 nhưng hơi băn khoăn.

"Tôi băn khoăn vì đối với học sinh thi chuyên có bị thiệt thòi không? Con tôi đăng lý lớp chuyên Anh, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh). Với công sức học tập và bỏ ra cả năm để cày luyện vào được lớp chuyên theo đúng nguyện vọng của con sẽ là một câu chuyện hơi buồn nếu không thi tuyển. Và tôi nghĩ điểm học ở trường cũng không công bằng; các trường vùng ngoại thành không thể bằng các trường ở trung tâm, từ điểm số đến chất lượng học sinh, nên cào bằng mà xét thì không công bằng" - anh Thành nói.

Xét chuyên nên có thêm điều kiện

Em Thái Vĩnh Đạt - học lớp 9/8 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), đăng ký vào lớp chuyên Anh, Trường THPT Lê Hồng Phong - cho rằng mình hơi tiếc khi có phương án xét tuyển.

"Em hơi tiếc bởi vì kỳ thi là để cho em "trổ" ra những gì mà bấy lâu nay em học, em ôn luyện, để biết được sức mình cho việc học tập lâu dài. Nhưng dịch COVID-19 căng thẳng, xét tuyển là phù hợp. Tuy nhiên, học ở quận 1 thì đề kiểm tra, điểm số sẽ khó và chặt chẽ hơn ở các huyện ngoại thành, nên xét đánh đồng sẽ không công bằng. Em nghĩ cần có thêm sự ưu tiên nào đó hoặc thêm điều kiện sàng lọc trong quá trình xét chuyên".

Cần một tầm nhìn xa

Ở một tầm nhìn xa hơn, chúng ta phải xây dựng kế hoạch năm học cho cả thời bình và những khi thiên tai dịch họa. Nếu tiến tới việc bỏ thi vào lớp 10 thường mà chỉ xét tuyển thì Sở GD-ĐT TP nên ra đề kiểm tra chung cho khối 9 và hoán đổi cán bộ coi thi học kỳ II ở khối lớp 9. Còn nếu xét tuyển bằng phương pháp lấy điểm trung bình môn thì phải tăng cường công tác giám sát điểm số ở tất cả các trường và đề thi chung cho tất cả các môn để đánh giá toàn diện chứ không riêng cho ba môn toán, văn, ngoại ngữ. Làm sao để kết quả học tập của học sinh phải phản ánh đúng năng lực của bản thân các em thì việc xét tuyển vào lớp 10 mới sẽ được xã hội ủng hộ.

ThS Huỳnh Thanh Phú

(hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10)

Xác lập nhận thức học là để phát triển bản thân

TP.HCM từng có hai năm thực hiện xét tuyển vào lớp 10 công lập, nếu tôi nhớ không lầm là năm 2009 và 2010. Lúc ấy, là người đứng đầu ngành GD-ĐT TP, tôi có chủ trương giảm bớt kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (xét tuyển đối với lớp 10 thường nhưng học sinh dự tuyển vào lớp 10 chuyên thì vẫn phải thi, thi để chúng tôi tuyển chọn những học sinh có đủ năng lực và sự đam mê vào học lớp 10 chuyên).

Một trong những giải pháp cho chủ trương trên là kiểm tra chặt chẽ công tác dạy học, đánh giá học sinh ở các trường THCS. Ở các lớp 6, 7, 8, phòng GD-ĐT sẽ ra đề kiểm tra cuối học kỳ cho học sinh của quận, huyện mình. Đối với học sinh lớp 9 thì Sở GD-ĐT TP sẽ ra đề kiểm tra cuối học kỳ cho toàn thành phố.

nh-giang2 28-7 1(read-only)

Một học sinh lớp 9 ở TP.HCM ôn thi trực tuyến - Ảnh: NHƯ HÙNG

Dĩ nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu, tôi không có ý định biến đợt kiểm tra cuối học kỳ năm lớp 9 thành kỳ thi cấp thành phố. Thế nên, về lâu dài, tôi dự định là sở sẽ đưa ra chuẩn mực thống nhất, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên để họ thực hiện. Sở sẽ làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra với mong muốn nâng cao tính trung thực và trách nhiệm của nhà giáo. Tôi cho rằng cốt lõi của hệ thống giáo dục chính là hệ thống quản lý phải chặt chẽ, đồng thời tạo niềm tin cho cán bộ quản lý và giáo viên để họ yên tâm cống hiến.

Thật ra, đa số các thầy cô giáo ở ta đều muốn dạy học, ra đề kiểm tra, cho điểm, đánh giá học sinh... một cách đàng hoàng. Đặc thù của nhà giáo là lòng tự trọng rất cao. Hầu hết các thầy cô đều muốn giữ gìn danh dự và giá trị của bản thân và nghề nghiệp của mình. Nếu có cũng sẽ là rất ít giáo viên sợ học sinh bị thiệt thòi rồi ra đề kiểm tra, chấm điểm theo kiểu "nới tay". Quan điểm của tôi lúc bấy giờ là ai lôi thôi, không giữ được chuẩn mực của nhà giáo là phải có biện pháp mạnh. Biện pháp mạnh để họ thấy xấu hổ và những người khác nhìn vào để tự răn mình.

Hồi ấy, cũng có ý kiến cho rằng nếu không tổ chức thi lớp 10 thì học trò sẽ không chịu học. Tôi cũng thừa nhận đây là thực trạng đã tồn tại nhiều năm và tạo thành tâm lý "học để thi" của cả xã hội. Nhưng tôi lại cho rằng ngành GD-ĐT không thay đổi và làm cho xã hội thay đổi thì ai sẽ làm? Mình phải đấu tranh, phải đổi mới để học sinh đi học vì sự hiểu biết của bản thân, để xã hội thấy rằng học sinh học để hiểu biết thì các em sẽ thích thú hơn và thấy có giá trị hơn là học để thi.

Và muốn thay đổi thì nhà trường phải là nơi làm gương trước, hệ thống giá trị của ngành GD-ĐT thay đổi thì xã hội sẽ thay đổi theo. Thay vì dạy nhồi nhét cho học trò đi thi để có điểm số cao, có bằng cấp thì phải cho các em thấy được giá trị và tầm quan trọng của sự hiểu biết.

Dĩ nhiên, muốn thực hiện phải có quá trình chứ không phải 1 - 2 năm là thực hiện được ngay. Mà muốn thực hiện thành công thì xã hội phải đồng tình và ủng hộ, chứ một mình ngành GD-ĐT cũng không thể làm được.

TS Huỳnh Công Minh

(nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Thăm dò ý kiến

Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất xét tuyển vào lớp 10 cho cả hệ thường và chuyên theo 2 phương án. Theo bạn, nên xét tuyển theo:

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất xét vào lớp 10 cho cả hệ thường và chuyên Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất xét vào lớp 10 cho cả hệ thường và chuyên

TTO - Ngày 26-7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tờ trình UBND TP.HCM về phương án tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021-2022. Theo đó, sở đề xuất xét tuyển vào lớp 10 cho cả hệ thường và hệ chuyên.

H.HƯƠNG - TH.THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên