16/08/2013 06:09 GMT+7

Xét nghiệm da tìm "thủ phạm" gây dị ứng

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa đi vào hoạt động, tiến hành xét nghiệm trên da tìm nguyên nhân gây dị ứng, căn bệnh có tới 25% dân số mắc phải.

GxPEN6Q4.jpgPhóng to
Bệnh nhân được xét nghiệm trên da tìm nguyên nhân gây dị ứng tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Ảnh: CTV

Đây là cơ sở đầu tiên tại miền Nam sử dụng phương pháp test lẩy da (xét nghiệm trên da, xét nghiệm lẩy da) tìm nguyên nhân gây ra căn bệnh khó chịu này.

Nhiều năm khổ sở

"Trước khi làm xét nghiệm trên da tìm nguyên nhân gây dị ứng bệnh nhân cần ngưng dùng các thuốc chống dị ứng, kháng histamine H1 ít nhất ba ngày, các thuốc corticoide thoa ngoài da ít nhất ba ngày"

Bác sĩ Trần Thiên Tài

Có mặt tại phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chị L.U.V., 31 tuổi, ở Phan Thiết, Bình Thuận, kể chị bị mề đay sáu năm nay. Suốt thời gian này, chị thường xuyên bị ngứa, da nổi sẩn, phù, hồng ban khắp người. Đi khám ở nhiều cơ sở y tế, uống thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc đủ kiểu, chị vẫn không khỏi bệnh mà cứ 2-3 ngày các triệu chứng dị ứng lại xuất hiện. Tại Bệnh viện Đại học Y dược, qua khai thác bệnh sử, tiền sử dị ứng, bác sĩ ghi nhận chị V. có ăn hay không ăn tôm, bò hay gà cũng bị ngứa. Như vậy, chị V. không bị dị ứng với thức ăn. Loại trừ nguyên nhân này, bác sĩ cho chị làm xét nghiệm trên da với chín loại dị nguyên khác nhau. Kết quả cho thấy chị V. dương tính với ba dị nguyên, trong đó có hai loại mạt nhà và con gián.

Em N.Q.H., 9 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, bị hen phế quản từ nhỏ. Nhiều năm nay H. được chẩn đoán và điều trị bệnh hen ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Mặc dù được bác sĩ kê nhiều loại thuốc tốt nhưng H. vẫn không thể kiểm soát được cơn hen. Cứ vài hôm H. lại lên cơn khò khè, khó thở. Bác sĩ điều trị hen đã chuyển H. sang phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng để xét nghiệm, tìm gốc của căn bệnh là yếu tố dị ứng gây ra cơn hen. Kết quả xét nghiệm trên da xác định H. bị dị ứng với ba loại mạt nhà.

Còn em T.M.K., 13 tuổi, ở TP.HCM, mắc bệnh viêm mũi dị ứng hơn sáu năm nay. K. thường xuyên được mẹ đưa đến khám bệnh tại phòng khám tai mũi họng - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Dù được điều trị nhưng cứ 2-3 ngày/lần em lại bị hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi. Sau khi được cho thực hiện xét nghiệm trên da tìm nguyên nhân gây dị ứng, kết quả cho thấy K. dương tính với hai loại mạt nhà. Mẹ K. bảo mỗi lần dọn dẹp nhà xong, tình trạng viêm mũi dị ứng của K. lại nặng hơn.

Bệnh đến từ những nguyên nhân khó ngờ

Bác sĩ Trần Thiên Tài, phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết khi có biểu hiện dị ứng nhiều người hay nghĩ tới các nguyên nhân như thực phẩm, hóa chất mỹ phẩm, thời tiết... Thế nhưng theo thống kê trên thế giới hiện nay, con mạt nhà là dị nguyên đường hô hấp thường gây dị ứng nhất. Theo bác sĩ Tài, con mạt nhà có kích thước rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường; sống chủ yếu trong bụi nhà, nhà bếp, phòng ngủ... đặc biệt ở những nơi như giường ngủ, mùng, mền, chiếu, gối, thảm len, thú nhồi bông... Do vậy, để tránh nguyên nhân gây dị ứng này, bác sĩ khuyên những người bị dị ứng với con mạt nhà cần giặt drap giường, mùng mền, chiếu gối và phơi dưới nắng ít nhất một lần một tuần. Phòng ngủ nên thông thoáng và có ánh sáng mặt trời, hút bụi thường xuyên các thảm len, ghế nệm salon...

Một con vật thường thấy là con gián, khi chúng bò trong nhà để lại những dịch tiết mà mắt thường không nhìn thấy. Chỉ cần đụng vào dịch tiết này, người bị dị ứng với gián sẽ có triệu chứng dị ứng. Để ngăn ngừa gián xuất hiện trong nhà, bác sĩ khuyên gia đình bệnh nhân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để đồ ăn rơi vãi, khi cần thiết phải sử dụng đến thuốc xịt để diệt gián.

Xác định nguyên nhân, giảm 50% nguy cơ dị ứng

Hiện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sử dụng trên 35 loại dị nguyên khác nhau như các họ nấm mốc, các loại mạt, phấn hoa, các loại cỏ, thức ăn như tôm, cua, cá, hải sản, thịt bò, thịt gà, thịt heo, ngũ cốc, đậu phộng, hạt mè, lúa mạch, bột mì... để chẩn đoán nguyên nhân gây dị ứng cho bệnh nhân. Dự kiến năm 2014, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sẽ triển khai thêm hơn 60 loại dị nguyên khác nữa.

Theo bác sĩ Tài, những bệnh nhân bị các bệnh lý dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản dị ứng, mề đay, viêm da cơ địa, dị ứng thuốc... nên làm xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng. Với những trường hợp tìm được nguyên nhân gây dị ứng, chỉ cần tránh các nguyên nhân sẽ giúp bệnh nhân giảm được hơn 50% tình trạng bệnh hiện có. Còn nếu không tìm được nguyên nhân, bệnh nhân không thể kiểm soát tình trạng bệnh, tình trạng dị ứng không cải thiện, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Với bệnh nhân có cơ địa dị ứng nặng, không tìm được nguyên nhân gây dị ứng sẽ rất nguy hiểm vì mỗi lần bị dị ứng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Hiện thế giới đang áp dụng liệu pháp miễn dịch đặc hiệu trong điều trị một số bệnh lý dị ứng. Phương pháp này giúp bệnh nhân khỏi hẳn bệnh dị ứng cho dù có tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng hay không. Tuy nhiên, thời gian điều trị đòi hỏi dài lâu vì dùng thuốc đều đặn trong ba năm, chi phí điều trị khá cao so với thu nhập của người dân ở nước ta, trung bình chi phí khoảng 3 triệu đồng/tháng. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đang xem xét trên thực tế người bệnh dị ứng có cần đến liệu pháp này hay không, nếu có bệnh viện sẽ xin Cục Quản lý dược Bộ Y tế nhập thuốc trong năm tới.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên