30/03/2014 10:35 GMT+7

Xếp lại lụa tơ, theo "đoàn văn hóa"

TẠ MỸ DƯƠNG
TẠ MỸ DƯƠNG

TT - Bốn năm trước, cũng vào một ngày đầu xuân 2010, khi ngồi phủi bụi những trang tư liệu ẩm mốc để chuẩn bị làm một cuốn sách về người cha của mình - kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật - nhân 100 năm ngày sinh của ông, tôi nhìn thấy một tấm ảnh hai người phụ nữ.

Kỳ 1: Mối tình đầu tiên và cuối cùng Kỳ 2: Nửa mình ở lại, đi nốt quãng đời... Kỳ 3: Hậu phương của “Hắc đại sứ”

jYlR1KVh.jpgPhóng to
Hai bà quả phụ Tô Ngọc Vân (trái) và Tạ Mỹ Duật - Ảnh tư liệu gia đình

Hai bà quả phụ ngồi bên nhau trong một căn phòng bên cây đào sau tết hoa đã rụng hết, chỉ còn những lộc lá xanh. Họ là hai bà quả phụ Tô Ngọc Vân và Tạ Mỹ Duật.

Cô gái “đi xe đạp” đầu tiên của Hà thành

Vào đầu những năm 1940, ở phố Sinh Từ, Hà Nội (Nguyễn Khuyến bây giờ) có một ngôi nhà mà tầng dưới là cửa hàng bán tơ lụa Hà Đông, tiệm mang tên Nguyễn Hải mà dòng chữ tô bằng vôi vữa vẫn còn đến bây giờ trên mặt tiền ngôi nhà số 97. Chủ ngôi nhà là vợ chồng ông ký nhà dây thép, bà vợ sống ở Hà Nội nhưng quê gốc Thanh Oai, Hà Đông. Họ có bốn người con, ba gái và một cậu trai út. Người con gái thứ ba, nguyên nữ sinh Trường Đồng Khánh là Nguyễn Thị Hải được lấy làm tên cửa hiệu. Thông minh, học giỏi, theo lời kể thì là một trong năm cô gái đầu tiên đi xe đạp khi loại phương tiện này mới có ở Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ trước. Tốt nghiệp lycée rồi đi làm ở sở canh nông, sắp được đi Pháp học lên thì xảy ra chiến tranh thế giới, việc đi học bị hủy, cô đi học thêm nghề đỡ đẻ và sau có bằng “nữ hộ sinh quốc gia”.

Ngôi nhà trước đó chỉ là căn nhà một tầng, một lần bị cháy, ông bà chủ cho xây dựng lại. Và một bước ngoặt xảy ra với cô “tiểu thư” khi ông kiến trúc sư tài hoa và cũng đang nổi lúc đương thời xuất hiện, kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật. Là do ông thầu khoán giới thiệu anh ruột mình là kiến trúc sư tới vẽ kiểu nhà.

Tạ Mỹ Duật khi đó ngoài ba mươi, chả đẹp giai gì nhưng tài ba, lại gặp lúc nổi danh, đang thời phất, mới có vài giải thưởng kiến trúc, mua được chiếc Citroen. Quen biết cũng nhiều, nhưng đến đây đưa mắt liếc trộm tiểu thư con nhà hàng vải. Chàng kiến trúc sư và tiểu thư con gái nhà tơ lụa thành duyên số.

08RRsGB5.jpg
Ông bà Tạ Mỹ Duật trước năm 1945. Bên cạnh là chiếc xe hơi mua bằng tiền thưởng cuộc thi thiết kế Đông Dương học xá - Ảnh tư liệu gia đình

Dọc đường kháng chiến

Cách mạng Tháng Tám 1945, ông kiến trúc sư hồ hởi với mùa thu cách mạng như bao nhiêu trí thức văn nghệ sĩ khác. Độc lập rồi, độc lập rồi, còn một cuộc đời rộng lớn lắm. Thế là theo, thế là gia nhập, ngun ngút ngọn lửa ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước. Rồi cả nước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tạ Mỹ Duật cùng gia đình rời Hà Nội một đêm mùa đông năm 1946 để lên Việt Bắc gia nhập “Đoàn văn hóa kháng chiến” cùng bao văn nghệ sĩ khác.

Cô tiểu thư Hà thành cũng trút bỏ áo dài lụa, khoác lên mình bộ đồ vải, khăn túi, tay nải lên đường hòa cùng các gia đình văn nghệ sĩ khác như Tô Ngọc Vân, Thế Lữ - Song Kim, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Huy Phồn, Phan Khôi... Cuộc hành trình bắt đầu từ Hà Nội vào Hà Đông tối 19-12-1946, rồi vào Vân Đình để lên đường đi Việt Bắc. Theo hồi ký của Tạ Mỹ Duật thì đấy là một cuộc bộ hành, một đoàn người toàn thành phần “văn nghệ sĩ - tiểu tư sản” với những chặng đường hàng trăm cây số.

...Hằng tháng “đoàn văn hóa” được lĩnh thóc về chia cho các gia đình, nhà đông con được đặc biệt chú ý. Có khi được đến 40-50 cân gạo thì tiết kiệm dư ra làm hàng xáo kiếm thêm năm ba hào tiền chợ. Còn đơn giản trồng mấy luống rau, nuôi mấy con gà thịt, gà mái đẻ lấy trứng. Trong bức tranh chung ấy, cô nữ sinh Đồng Khánh, tiểu thư phố Sinh Từ năm nào hằng ngày cũng cuốc đất trồng rau, nuôi gà và còn một việc nữa là đi đỡ đẻ cho đồng bào trong thôn.

Trên các nẻo đường kháng chiến 3.000 ngày, các gia đình mỗi khi di chuyển chủ yếu là đi bộ. Tản cư cũng có balô đeo vai, nhưng còn cả bằng gồng gánh nữa. Trong cái gánh thúng mủng treo hai đầu quang gánh của gia đình Tạ Mỹ Duật, “bên này quang là một “công dân” mới chào đời ba tháng, bên kia để giữ cân bằng là nồi niêu xoong chảo, chai lọ. Thất thểu trên đường vượt đèo Khế, mấy cô thiếu nữ dân tộc thiểu số đi nương về nghe tiếng oe oe trong thúng ngạc nhiên hỏi “cái gì nó kêu đấy?”, tưởng chó mèo gì, mở ra thấy đứa bé ngọ nguậy cô nào cô nấy cười phá lên. Họ đi rồi tưởng thế là xong, nào ngờ năm phút sau một đoàn người toàn các em trong xóm chạy ra, nào sắn khoai, mía, chuối cho em bé và chen nhau nhòm ngó, ríu rít như bầy chim non. Chúng tôi đứng lặng trước bức tranh sống động tình người này”.

fMUfyWjo.jpg
Ông bà Tạ Mỹ Duật trong chiến khu - Ảnh tư liệu gia đình

Vẫn vẹn chữ tình

Trong thời gian đi kháng chiến thật ra cũng có lúc, có bà thỉnh thoảng “thậm thụt”vào thành vì những lý do riêng. Nhưng cũng chỉ là việc nhà, khi về bốc mộ người thân, lúc lại để lấy chút tiếp tế, bà Hải cũng vậy. Vào thành thì lại về với gia đình, lại về với cuộc sống đầy đủ hơn rất nhiều so với ngoài kháng chiến, nhưng họ vẫn trở ra, một lòng một dạ với kháng chiến. Gia đình Tạ Mỹ Duật là địa chủ, bên vợ cũng là buôn bán, có bà chị là doanh nhân làm ăn giàu có ở Sài Gòn, thế nhưng chả bao giờ bà có ý nghĩ từ bỏ kháng chiến. Năm 1954 bà về trước, ông Duật theo đoàn tiếp quản về sau. Rồi bà vào Sài Gòn chơi. Bà chị ở Sài Gòn nhiều lần bảo: “Thôi cô đừng ra nữa, để tôi cho người ra đón chú ấy vào. Sài Gòn là một thế giới khác, gia đình làm ăn phát đạt, nhiều hứa hẹn lắm”.

Nhưng rồi người đàn bà của đời ông đã từ chối mọi lời níu kéo, mang hai đứa con nhỏ trở về với ông vào những ngày cuối cùng khi hai miền còn tự do đi lại theo hiệp định Genève. Ngày trở về và sau đó là cuộc đời của một cán bộ nhà nước trong chiến tranh chống Mỹ. Hồi mới về Hà Nội, bà thuê biệt thự của một bác sĩ, một nhà tư sản, mở nhà hộ sinh tư được một hai năm, đến lúc công cuộc “cải tạo tư bản tư doanh” xảy ra thì chấm dứt. Bà trở thành bà đỡ ở nhiều nhà hộ sinh, đa số ở khu lao động như Mai Hương, nhà hộ sinh “Cây Đa Nhà Bò” phố Lò Đúc. Sản phụ toàn dân lao động, công nhân Nhà máy dệt 8-3. Những năm bom đạn, sản phụ sinh xong chỉ nằm một đêm là phải về, ngày ngày bà đeo túi bông băng, đội mũ sắt đi đến từng nhà sản phụ ở những hẻm ngõ xa xôi để thay băng rốn cho các cháu mới vài ngày tuổi.

Có lẽ những ngày kháng chiến đã tôi luyện nghị lực cho bà để vượt qua một cách bình thản những ngày bom rơi đạn nổ trên bầu trời Hà Nội, để đến được với những mái nhà nơi có những tiếng oe oe trẻ thơ mới vừa tròn vài ba ngày tuổi.

__________

Kỳ tới: Dù thế, vẫn bên nhau trọn đời

TẠ MỸ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên