... Những người phụ nữ được nhắc tới trong loạt bài này là những hiền thê thầm lặng phía sau tên tuổi của chồng mình. Mấy mươi năm trước, họ là những tiểu thư khuê các, theo chồng bước vào cuộc kháng chiến, chia sẻ cùng chồng những gian khó nơi chiến khu. Những người phụ nữ ấy lâu nay ít được nhắc tới trong văn chương sử sách...
Gia đình họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái - Ảnh tư liệu gia đình |
Ông ra đi nhưng người vợ hiền của ông, xuân Giáp Ngọ 2014 này vừa bước sang tuổi 88 (tuổi ta). Bà thích tính theo tuổi âm và thích mọi người gọi bà là bà Phái: “Vâng, tôi là người cổ, rất cổ, hãy gọi tôi theo tên chồng chứ đừng réo tên cúng cơm...”- tính cách bà Phái vẫn mạnh mẽ, bộc trực.
Sét đánh... “mắt xanh lơ”
Gợi lại chuyện ngày “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” với chàng sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương Bùi Xuân Phái, giọng bà vẫn ngân vang, nét mặt tươi tắn, kỷ niệm ùa về dường như không có năm tháng...
Tên khai sinh là Nguyễn Thị Sính, con thứ năm của ông Nguyễn Xuân Tuyển - tham tá công chính nguyên quán làng Động Giã (Thanh Oai, Hà Tây) và mệ Công Tôn Nữ Thuyền Duyệt. Theo công việc người cha, tuổi thơ đàn con trải dài khắp dải đất miền Trung, giấy khai sinh của thứ nữ Nguyễn Thị Sính được nét chữ Tây học rắn rỏi mà bay bướm của người cha khai ở Ville Tourance ngày 10-6-1928.
Học xong primaire (tiểu học), cô Sính tiểu thư tá túc tại nhà bà ngoại ở thôn Vỹ Dạ xứ Huế, đi học ở Trường nữ sinh Đồng Khánh. Dù ham học, phát âm tiếng Pháp khá chuẩn nhưng khi nhận được tin của người chị thứ hai nhắn thu xếp ra Hà Nội, cô Sính đã từ biệt ngôi nhà tòa ngang dãy dọc có khu vườn đẹp như trong truyện cổ tích của bà ngoại ở Huế để ra với chị gái. Người chị buôn bán tháo vát, khi mở tiệm đan, bán áo len hay mở tiệm ăn uống thì cô Sính cứ áo dài, môi son má phấn thu ngân giữ quỹ cho chị.
Nhà tư sản Năm Ký là chú ruột cô Sính, thím Năm Ký là con gái dòng họ Bùi, trong lần gặp gỡ ngày nghỉ cuối tuần cô kết thân hai cô bạn cùng trang lứa - Bùi Tuyết Mai, Bùi Kính Hiên. Những lần đến chơi nhà số 87 Hàng Bút (nay là phố Thuốc Bắc), cô Sính quen với chàng sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, chàng trai mảnh khảnh ít nói hay cười thăm hỏi cô bé bạn cháu mình rất cởi mở, thân tình.Những ngày cuối năm 1946, Hà Nội náo loạn vì Pháp nổ súng gây hấn, cả nhóm kéo nhau sơ tán về Động Giã quê nội cô Sính. Giữa những câu hát sôi nổi, hào hứng của tuổi trẻ, cô như thấy luồng điện lạ xẹt qua, và cô nhận ra nụ cười hiền lành, đôi mắt to ngả màu xanh lơ của chàng sinh viên Mỹ thuật Đông Dương là thủ phạm! Chưa kịp ngơ ngẩn “người đâu gặp gỡ làm chi” thì theo sự sắp xếp của phụ huynh, mỗi người đi mỗi ngả: chàng họa sĩ lên Bắc Kạn đầu quân cho báo Vui Sống, cô Sính được dắt về xứ Thanh với bố mẹ. Nhà cửa, đồ nội thất sang trọng bị xả bỏ cho chiến thuật “vườn không nhà trống”, cô Sính xin phép bố mẹ xách balô tham gia học lớp y tá quân y. Xa rồi thời êm ả bên hồ Gươm liễu rủ mù sương, áo dài thướt tha cổ đeo kiềng dợm chân bước lên xe lôi bóng lộn để anh xe kéo đến trường. Số phận đưa đẩy cô thu ngân sôi nổi ngày nào mở quán cà phê Yên Lạc ở Cầu Thiều (Thanh Hóa).
Dọc đường kháng chiến
Cô chủ quán Yên Lạc sống lặng lẽ, trầm tư. Cho đến một ngày như định mệnh. Nhiều khách văn nghệ sĩ của báo Chiến Sĩ ghé quán, cô chủ quán cảm nhận luồng điện lạ xẹt qua - không lầm lẫn được dáng cao gầy và đôi mắt to ngả màu xanh lơ của chàng họa sĩ Bùi Xuân Phái!
Báo Chiến Sĩ cách quán Yên Lạc khá xa, phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mà càng gặp càng nhiều nhớ nhung hơn. Bạn bè trong báo Chiến Sĩ biết và cảm thông mối tình nồng đượm của họa sĩ và cô chủ quán vốn được nhen nhóm từ lâu ở Hà thành. Người bạn thân của chàng họa sĩ Phái làm “quân sư” cho cuộc tình tiến xa hơn: “Cậu biết người ta từ xưa, yêu nhau thì xin cưới quách đi, khỏi lọ mọ đêm hôm đi lại khổ thân!”. Cũng lo lắng bởi cái “gia tài” của mình chỉ có balô cũ chứa đôi bộ quần áo và chiếc chăn chiên bắt đầu rách, nhưng chàng họa sĩ trẻ vẫn đánh bạo cầu hôn. Cô Sính dẫn “mắt xanh lơ” về ra mắt, báo cáo bố mẹ và lên xã làm đăng ký kết hôn.
Từ Hà Nội gia đình được tin cậu con trai chuẩn bị lấy vợ, người mẹ gửi vào cho một chỉ vàng ứng cứu. Chỉ vàng mẹ cho đủ làm bữa cơm thân mật mời nhóm bạn gần gũi của chú rể. Đôi uyên ương ngất ngây trong tổ ấm Yên Lạc dù quán lá sơ sài. Gần tháng sau, người vợ trẻ linh cảm có mầm sống mới đang hoài thai trong cơ thể mình. Hằng ngày, họa sĩ vẫn công tác đều cho báo Chiến Sĩ. Nghĩ về tương lai gần cho ngày sinh nở, thiếu phụ trẻ cảm thấy bất an nhưng cô không nỡ làm xáo trộn người chồng chẳng biết làm gì ngoài vẽ. Bụng nhô dần, nỗi hoang mang lớn dần nên khi bất ngờ nhận mật báo của người liên lạc do mẹ chồng thu xếp để đưa cặp phu thê về Hà Nội, cô bỏ phắt tất cả, vội vã kéo chồng đi. Bùi Xuân Phái bước theo vô hồn như người bị thôi miên, ít ai biết rằng cho mãi về sau khi đã nổi danh với biệt hiệu Phái “phố” ông vẫn ám ảnh, day dứt khó nguôi vì sự kiện này. Vào thành, về nhà số 87 Thuốc Bắc trong vòng tay ruột thịt mà họa sĩ vẫn chưa hoàn hồn...
Họa sĩ Bùi Xuân Phái và vợ thời trẻ - Ảnh tư liệu gia đình |
Một đời “hộ pháp” cho chồng...
Ngày 8-4-1952, thiếu phụ khai hoa nở nhụy, ông bố trẻ hoan hỉ đặt tên cho con gái đầu lòng là Yên Lan để ghi dấu nơi gặp gỡ mối tình của họ - Yên Lạc. Với tấm bằng y tá, cô Sính đã chèo chống con thuyền gia đình bởi chồng bà, họa sĩ tài hoa ấy, chỉ biết...vẽ! Những năm tháng đó, khắp hang cùng ngõ hẻm khu vực chợ Đồng Xuân và cả khu phố Hoàn Kiếm không ai không biết bà Sính y sĩ.
Sau ngày giải phóng thủ đô, cô vào biên chế nhà nước tại khoa mắt Bệnh viện VN - Cuba. Bàn tay khéo léo đó chăm sóc biết bao nhiêu “cửa sổ tâm hồn” của các bệnh nhân. Ngoài giờ hành chính, cô mở phòng tiêm tại căn phòng nhỏ ở nhà vốn chật chội, vừa là chỗ ăn ở sinh hoạt của bảy nhân khẩu, vừa là xưởng vẽ, lại vừa là phòng y tế. Cho đến năm 1959 cô sinh hạ cho chàng họa sĩ năm đứa con, hai trai, ba gái.
Khi đấng trượng phu của gia đình chỉ biết cầm bút lông và pha màu vẽ thì gánh nặng cơm áo gạo tiền, rau dưa mắm muối đều trao cho người vợ. Bà mang vác như một niềm vui, chưa bao giờ oán thán ngay cả lúc chồng gặp kiếp nạn trong nghề nghiệp hay một thân một mình vượt đạn bom lo lắng cho con cái đi sơ tán. Ngày biết ông bị căn bệnh ung thư phổi, để giấu hung tin bà bình thản nâng giấc từng viên thuốc bữa ăn, cười nói kể chuyện hài để không khí gia đình bớt nặng nề. Bà nhớ mình đã lặng người khi nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay ghi khoảnh khắc người bạn đời đi vào cõi vĩnh hằng: 2g35 ngày 24-6-1988. Sống trong cõi ta bà buồn nhiều hơn vui này, mối tình, cuộc hôn nhân bình lặng, viên mãn của họ là duyên lành nhiều kiếp.
Kỳ tới: Nửa mình ở lại, đi nốt quãng đời...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận