Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài "Bi hài xếp hạng nhà khoa học", qua ý kiến của các chuyên gia cho thấy những thông tin từ bài báo "bóc phốt" ra những sai lệch trong việc xếp hạng nhà khoa học, một lần nữa khiến nhiều người trong giới học thuật nước ta được dịp "tỉnh cơn say".
Tổ chức xếp hạng có địa chỉ website research.com là một tổ chức thương mại bán dịch vụ tư vấn nghiên cứu cho các trường đại học, chính phủ và các tổ chức săn đầu người.
Mục tiêu của tổ chức này rất đáng trân trọng nếu các hoạt động nghiên cứu và công bố đảm bảo độ chính xác tin cậy. Rất tiếc là tổ chức này không làm được như vậy.
Trong thời đại số ngày nay, đặc biệt là việc truyền bá thông tin sai lệch và thói hư danh trong lĩnh vực nghiên cứu đã làm mục tiêu này đi quá xa về mức độ liêm chính và tạo nên những hệ quả xấu trong giới học thuật.
Một ví dụ điển hình về việc này là hoạt động của trang web Research.com, nơi các thông tin phóng đại liên quan các nhà khoa học Việt Nam và các trường đại học bị công bố.
Research.com đăng thông tin có nhà khoa học ở Việt Nam đứng thứ hai thế giới về lĩnh vực y khoa! Dư luận nghi ngờ về tính liêm chính khi tác giả này có năng suất nghiên cứu cực khủng: chỉ hai năm 2019 và 2020 nhà khoa học này đăng mỗi năm gần 100 bài!
Thông tin sai lệch trong nghiên cứu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp của Anand Nayyar và Reza Kolahchi là minh chứng rõ ràng. Cả hai nhà khoa học này đã bị cáo buộc lũng đoạn quy trình bình duyệt và giả mạo bình duyệt, dẫn đến việc bị gỡ bỏ bài báo.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của họ mà còn làm tổn hại đến danh tiếng của các trường đại học mà họ liên kết. Thói hư danh hão, thiếu liêm chính trong học thuật không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn làm tổn hại đến uy tín của cả một quốc gia.
Việc các nhà khoa học Việt Nam bị gán mác "nhân tài" một cách sai lệch không chỉ tạo ra những kỳ vọng không thực tế mà còn dẫn đến sự thất vọng khi thực tế không đáp ứng được kỳ vọng đó. Điều này phần nào làm mất đi niềm tin của công chúng vào nền khoa học và giáo dục nước nhà.
Bài học cho giới học thuật cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam, nhất là các trường mượn hư danh để quảng cáo hình ảnh thu hút người học, tìm kiếm đối tác rót vốn, là rất cần minh bạch và trung thực trong thông tin công bố.
Việc sử dụng thông tin sai lệch hoặc phóng đại sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về uy tín và làm mất lòng tin của sinh viên, đối tác và cộng đồng.
"Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", trường đại học nên tập trung vào chất lượng hơn số lượng công bố. Chuyển hướng tập trung từ việc công bố số lượng lớn các bài báo sang việc nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín thực sự của trường mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền học thuật. Và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần đi theo hướng này, coi trọng chất lượng hơn số lượng trong xây dựng chính sách và cơ chế.
Ngoài ra cần có những quy trình kiểm tra và đánh giá nghiêm ngặt để đảm bảo rằng các nghiên cứu được công bố đều tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và quy trình bình duyệt nghiêm ngặt giúp bảo đảm sự liêm chính và ngăn chặn việc lũng đoạn quy trình xét duyệt.
Các nhà khoa học và trường đại học cần phải thận trọng hơn trong việc công bố nghiên cứu và nâng cao nhận thức về việc đánh giá chất lượng nghiên cứu. Khi đó nền học thuật của chúng ta mới có thể phát triển bền vững và đáng tin cậy.
Việc xây dựng uy tín không thể dựa trên những thành tích giả tạo mà cần phải được xây dựng từ sự nghiêm túc, minh bạch và trách nhiệm trong nghiên cứu và giảng dạy.
Chỉ khi các trường đại học nhận ra và thực hiện được điều này, nền giáo dục Việt Nam mới thực sự vững mạnh và đáng tin cậy.
Đừng để sự thiếu liêm chính trong nghiên cứu và công bố phát triển như cỏ dại trên nền tảng văn hóa "tự sướng", nhắm mắt khen lẫn nhau mà ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và sự phát triển bền vững của khoa học nước nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận