06/11/2014 13:12 GMT+7

​Xem tranh như xem một cuộc đời

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Cái chết vì bệnh tật như cái lẽ “trời kêu ai người nấy dạ” khiến người thân, bạn bè và học trò của họa sĩ Trần Hữu Tri vô cùng thương tiếc, song không bất ngờ.

Ở tuổi 59, họa sĩ Trần Hữu Tri phải đầu hàng trước căn bệnh ung thư quái ác. 

Nhưng gần một năm sau, khi chuẩn bị bản thảo in cuốn sách tranh cho ông, họ đã rất ngạc nhiên trước tập ký họa chiến trường và phong cảnh với hơn 600 bức lớn nhỏ.

Ngạc nhiên bởi lúc sinh thời, Trần Hữu Tri chưa có dịp nào khoe cùng bạn bè trọn vẹn “gia sản” của mình, và cũng chưa hề đưa các tư liệu ký họa ấy vào sáng tác. Nhưng bạn bè đều nhớ những ngày ấy, tuổi 18 tràn đầy nhiệt huyết, băng băng vượt Trường Sơn.

Công tác tại Ban tuyên huấn khu 5, liên tục đi vào những vùng chiến sự ác liệt, họa sĩ Trần Hữu Tri luôn ký họa trên từng chặng đường. Và hơn 200 bức ký họa chiến trường chính là hiện thực ấy, trở thành ký ức sống động hôm nay.

Không chỉ là ký họa chiến trường, hơn 400 bức ký họa phong cảnh đã được Trần Hữu Tri hoàn thành trong thời gian học đại học và là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Cuộc đời của mỗi người rốt cuộc đều là kỷ niệm của người khác. Hôm nay, khi đã ra đi, ông còn kịp để lại vài trăm bức ký họa, phong cảnh.

Nhân ngày giỗ đầu của ông, một cuốn sách in tranh của họa sĩ, nhà giáo ưu tú Trần Hữu Tri được Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật TP.HCM cùng gia đình và bạn bè cho ra mắt (*).

Cuốn sách không chỉ là kỷ vật của gia đình, bạn bè, học trò, mà còn dành cho cả những người ông chưa từng quen biết, khi họ lật giở từng trang, xem tranh như xem một cuộc đời.      

Một bức ký họa của cố họa sĩ - Trần Hữu Tri

Họa sĩ Trần Anh Tuấn - người thực hiện bản thảo cuốn sách in tranh của cố họa sĩ Trần Hữu Tri - chia sẻ: “Ký họa có lẽ là mảng tranh xuyên suốt sự nghiệp của Tri, mảng tranh thuần khiết, nhiều cảm xúc và hồn nhiên nhất...

Rất nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn nhận ra, nhớ ra cả hoàn cảnh ra đời nhiều bức Tri vẽ trên những chặng đường chúng tôi đi cùng nhau. Nên xem tranh Tri còn như xem nhật ký: nhật ký ghi lại một khoảng thời gian của đất nước.

Hiện lên khuôn mặt của một người bạn, một đám bạn, thấy cả những đoạn đời mình đã trải qua và... nhớ Tri”.

_______________

(*) Triển lãm diễn ra từ 18g ngày 6 đến 12-11 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên